Theo dòng thời sự

Dự án phục dựng chùa Singye (Thần Khê) vào năm 2004

2018-09-13

ⓒ KBS News

Vào Đại lễ Phật đản ngày 22/5 năm nay, các Phật tử của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã đồng thời đọc bản cầu kinh chung, sự kiện đầu tiên trong vòng ba năm kể từ khi nghi lễ tổ chức cầu kinh chung bị đình chỉ do căng thẳng trong quan hệ liên Triều. Nghi lễ cầu kinh chung liên Triều nhân dịp Đại lễ Phật đản đã bắt đầu từ năm 1997, và cộng đồng Phật tử Hàn Quốc từ lâu đã nỗ lực khôi phục sự đồng nhất về mặt tôn giáo của hai miền Nam-Bắc. Một trong số đó là dự án liên Triều nhằm trùng tu chùa Singye (Thần Khê) tại núi Geumgang, miền Bắc, vào năm 2004. Hãy cùng tìm hiểu về dự án này, vốn được ghi nhận là một trong những ví dụ thành công của hợp tác dân sự liên Triều, cũng như nền tảng cho sự thống nhất bán đảo Hàn Quốc.


Được xây dựng năm 519, là một trong bốn ngôi chùa lớn của núi Geumgang

Chùa Singye được xây dựng vào năm 519, năm thứ sáu trị vì của vua Beopheung (Pháp Hưng), triều đại Silla. Đây là một trong bốn ngôi chùa nổi tiếng nhất tại ngọn núi Geumgang, miền Bắc, bên cạnh chùa Jangan (Tràng An), chùa Yujeom (Du Chiêm) và chùa Pyohun (Biểu Huấn). Thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Hàn Quốc vào cuối thế kỷ XVI, hai bậc đại sư là Seosan (Thể Tĩnh) và Samyeong (Duy Chính) đã huy động binh sĩ vốn là các nhà sư tại ngôi chùa thiêng liêng này. Nhưng toàn bộ ngôi chùa, chỉ trừ một tháp đá, đã bị bom đạn phá hủy trong chiến tranh Triều Tiên. Lần đầu tiên kể từ khi đất nước bị chia cắt, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã nhất trí chung tay góp sức để ngôi chùa Singye trở về trạng thái nguyên bản. Vào năm 2001, hai bên đã tiến hành khảo sát thực địa chung, và lễ khởi công nhằm phục dựng chùa Singye đã bắt đầu ngày 6/4/2004.


Hai miền chung tay phục dựng chùa Singye, vốn chỉ còn lại một tháp đá do bom đạn chiến tranh

Trong dự án phục dựng chùa Singye, Hàn Quốc đã chi 6,3 triệu USD chi phí xây dựng, và Bắc Triều Tiên đã cung cấp nhân công. Dự án liên Triều đầu tiên nhằm khám phá và phục chế một di sản văn hóa đã tiến triển suôn sẻ, và gian chính của ngôi chùa đã được hoàn thành vào tháng 11/2004.


Hai phía đã thu hẹp khoảng cách trong quan điểm về việc phục dựng, bao gồm cách xử lý các hoa văn và thiết kế truyền thống của các tòa nhà bằng gỗ, cũng như cách hiểu về các dấu tích kiến trúc còn sót lại mà họ phát hiện được trong quá trình khai quật. Ba công trình và một tháp đá đã được hoàn thành vào năm 2005, và việc phục dựng thêm bảy tòa nhà nữa đã được tiến hành vào năm 2006. Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã phối hợp làm việc với nhau, mang gỗ, đá và sỏi của mỗi bên tụ về một nơi. Dựa vào những văn bản cổ, các học giả và nhân viên kỹ thuật của cả hai phía cuối cùng đã xây dựng lại tất cả các phần của chùa Singye, từ các cột nhà, xà ngang đến từng viên ngói và các hoa văn truyền thống, khiến chúng trông giống hệt như xưa. Lễ hoàn công toàn bộ công trình đã được tổ chức vào ngày 13/10/2007.


Lấy lại hình dạng nguyên bản sau ba năm rưỡi thi công

Sau ba năm rưỡi thi công, chùa Singye cuối cùng đã được tái sinh, lấy lại danh tiếng và sự huy hoàng của mình. Trời bắt đầu đổ mưa tại lễ hoàn công toàn bộ công trình, nhưng 400 người tham gia đã hoàn toàn bị ngôi chùa hùng vĩ chinh phục. Chùa Singye từ đây đã mang một ý nghĩa mới là biểu tượng của hòa giải liên Triều và là ví dụ điển hình của việc vượt qua các khác biệt văn hóa sau nhiều thập niên chia cắt đất nước.


Đặc biệt, công tác phục dựng đã được xúc tiến liên tục, thậm chí giữa bối cảnh chính trị trong khu vực thay đổi chưa từng có sau vụ Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006. Trên thực tế, dự án chùa Singye đã gửi một thông điệp của hòa bình và hòa hợp tới cả hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc. Hai bên đã tiến xa hơn và cam kết sẽ thảo luận việc trùng tu các di tích văn hóa khác bên trong núi Geumgang, cũng như thúc đẩy trao đổi và hợp tác Phật giáo song phương. Tuy nhiên, sau đó mọi việc đã không tiến triển thuận lợi.


Biểu tượng của trao đổi Phật giáo và hòa giải giữa hai miền

Vào ngày 15/10/2015, tiếng mõ moktak, chiếc mõ gỗ của nhà sư Hàn Quốc, đã lại vang lên tại núi Geumgang, miền Bắc. Khoảng 100 Phật tử của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã tập hợp tại chùa Singye để tổ chức lễ kỷ niệm tám năm ngôi chùa được phục dựng thành công. Đó là sự kiện dân sự quy mô lớn hiếm có giữa hai miền Nam-Bắc. Tuy nhiên, các hoạt động trao đổi tôn giáo liên Triều đã bị sụt giảm do quan hệ hai miền đi vào bế tắc kể từ vụ binh lính miền Bắc bắn chết một du khách Hàn Quốc tại núi Geumgang vào năm 2008.

Cùng với lễ kỷ niệm tám năm phục dựng, ngôi chùa Singye đã nổi lên như một biểu tượng của hòa hợp liên Triều, nhưng kể từ đó có rất ít sự kiện Phật giáo liên Triều được tổ chức do căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc. Hy vọng rằng, với các nỗ lực hòa bình đang diễn ra trong năm nay, sẽ lại có nhiều người tới thăm ngôi chùa Singye, di sản văn hóa đầu tiên đã được hai miền Nam-Bắc chung tay phục dựng, để cầu chúc cho thống nhất trên bán đảo Hàn Quốc.

Tin mới nhất