Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

Giám đốc NIS xin lỗi về các vụ xâm hại nhân quyền người tị nạn Bắc Triều Tiên trong quá khứ

Tin tức2021-06-24
Giám đốc NIS xin lỗi về các vụ xâm hại nhân quyền người tị nạn Bắc Triều Tiên trong quá khứ

Ngày 23/6, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập, Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) đã mở cửa "Trung tâm bảo hộ người tị nạn Bắc Triều Tiên" cho đoàn phóng viên Bộ Thống nhất.

Cùng ngày, Giám đốc NIS Park Jie-won một lần nữa bày tỏ xin lỗi người dân về các vụ việc xâm hại nhân quyền người tị nạn miền Bắc trong quá khứ, cam kết sẽ không để xảy ra vụ việc nào tương tự trong thời gian tới, hoặc nếu có thì sẽ xử lý một cách cứng rắn.

Trung tâm bảo hộ người tị nạn Bắc Triều Tiên, từng được biết đến với tên gọi cũ là "Trung tâm thẩm vấn người tị nạn Bắc Triều Tiên", nằm ở thành phố Siheung, tỉnh Gyeonggi, do Cơ quan tình báo quốc gia điều hành, phụ trách điều tra người tị nạn miền Bắc trong giai đoạn đầu mới nhập cảnh vào Hàn Quốc, để xem xét Chính phủ có cần thiết phải bảo hộ hay không.
 
Vào năm 2013, xảy ra một vụ bê bối về việc Trung tâm này đã giam lỏng, tra khảo em gái của một người tị nạn trong vòng 6 tháng, thời gian tối đa theo quy định, để lấy lời khai sai sự thật rằng anh trai mình là gián điệp miền Bắc. Tòa án tối cao sau đó đã tuyên người này không phải là gián điệp vào năm 2015.

Giám đốc Park cho biết từ năm 2014 tới năm nay, trong số hơn 7.600 người được điều tra tại Trung tâm bảo hộ, không có trường hợp nào xác nhận bị xâm phạm nhân quyền. Lần này, việc công khai Trung tâm bảo hộ, một cơ sở an ninh quốc gia, với báo chí là thể hiện sự tự tin của NIS về toàn bộ quá trình điều hành nơi này từ sau năm 2014.

Trung tâm bảo hộ vẫn đang nỗ lực hết sức để phòng ngừa các vụ bê bối về nhân quyền có thể phát sinh trong quá trình điều tra, sinh hoạt của người tị nạn, như thay cửa của các phòng điều tra bằng cửa kính để có thể nhìn rõ từ bên ngoài, bố trí một chuyên viên bảo vệ nhân quyền để phỏng vấn người tị nạn, xem họ có bị cưỡng ép lấy lời khai hay xâm hại nhân quyền hay không.

Trung tâm bảo hộ hiện không còn trực tiếp phụ trách điều tra gián điệp từ năm 2014, mà chỉ phụ trách điều tra về hành chính, như xem xét có trường hợp nào giả làm người tị nạn để lấy tiền hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc hay không. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện nghi ngờ là gián điệp thì Trung tâm sẽ chuyển giao ngay cho bộ phận điều tra của NIS. Ngoài ra, thời gian điều tra người tị nạn được giảm từ tối đa 180 ngày xuống 90 ngày.

Trung tâm bảo hộ người tị nạn Bắc Triều Tiên được phân loại là cơ sở an ninh quốc gia mức độ "A", kiểm soát chặt chẽ ra vào. Đây là lần thứ hai cơ sở này được công bố với báo giới sau năm 2014.

[Photo : YONHAP News]

Tin mới nhất