Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Tình hình tôn giáo ở Bắc Triều Tiên

2019-02-14

© Getty Images Bank

Tháng 10/2018, nhân chuyến thăm Tòa thánh Vatican, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từng gửi thông điệp của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tới Đức Giáo hoàng Francis. Trong thông điệp này, nhà lãnh đạo miền Bắc đã mời Giáo hoàng tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng. Lời mời trên đã thu hút nhiều sự chú ý, bởi điều này có nghĩa miền Bắc sẽ cho phép người dân gặp gỡ người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã và chấp nhận một sự thay đổi tiềm tàng kèm theo. Nếu vậy, tự do tôn giáo có tồn tại ở đất nước này hay không? Hãy cùng tìm hiểu về tình hình tôn giáo ở miền Bắc.


Tôn giáo chỉ tồn tại ở bề nổi

Tự do tôn giáo là quyền được đảm bảo trong Hiến pháp xã hội chủ nghĩa của Bắc Triều Tiên. Trên thực tế, trước năm 1945, phần phía Bắc của bán đảo Hàn Quốc rất cởi mở về mặt tôn giáo. Nhà thờ Sorae, nhà thờ Tin lành đầu tiên trên bán đảo, đã được thành lập tại tỉnh Hwanghae từ năm 1884. Một tu viện dòng Benedict (Biển Đức) được di dời tới khu vực Tokwon (tỉnh Nam Hamgyeong) năm 1927 là tu viện dòng Benedict lớn nhất tại Đông Bắc Á vào thời điểm đó. Từng là một trung tâm nơi Thiên Chúa giáo lớn mạnh, Bình Nhưỡng thậm chí còn được gọi là “Jerusalem của phương Đông”.


Kết quả là, 22% dân số ở phần phía Bắc bán đảo theo đạo Thiên Chúa. Cụ thể, khi đó có khoảng 1,5 triệu người là tín đồ của một tôn giáo bản địa có tên là Cheondogyo (Thiên đạo giáo), 375.000 người theo đạo Phật, 200.000 người theo đạo Cơ Đốc, và 57.000 tín đồ Công giáo tại miền Bắc. Tuy nhiên, sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950, tự do về tôn giáo trên thực tế đã biến mất.


Tôn giáo bị xem như “thuốc phiện” cho con người

Kể từ khi thành lập chính quyền miền Bắc, tôn giáo bị mô tả là “thuốc phiện” cho con người và bị đàn áp. Với sự lãnh đạo của một cá nhân là cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và sự sùng bái gia tộc họ Kim, tôn giáo bị xem như một kênh liên lạc với thế với bên ngoài và một yếu tố hiểm họa có thể gây bất ổn cho chính quyền. Trong các chiến dịch chống tôn giáo, Bắc Triều Tiên thanh trừng một cách tàn bạo những người có tôn giáo, gắn mắc họ là những kẻ chống đối, và cải tạo các công trình tôn giáo thành nhà kho, trung tâm chăm sóc người già, trẻ em hoặc các trung tâm nghỉ dưỡng. Kết quả là, cho tới năm 1955, tất cả các tổ chức và nghi lễ tôn giáo đã biến mất hoặc chỉ tồn tại ngầm, và đã hoàn toàn bị xóa sổ trong thập niên 1960. Tuy nhiên, chính sách tôn giáo của Bắc Triều Tiên bắt đầu thay đổi sau khi miền Nam và miền Bắc xúc tiến đối thoại song phương năm 1972.


Các tổ chức tôn giáo tại Bắc Triều Tiên đã được khôi phục trong những năm 1970 và trong thập niên 1980, nước này thậm chí còn khuyến khích người dân theo tôn giáo. Sự thật là, những biện pháp trên đều nhằm khiến thế giới bên ngoài tưởng rằng người dân miền Bắc có quyền tự do tôn giáo. Trên thực tế, các nhóm tôn giáo ở nước này bị kiểm soát một cách nghiêm ngặt bởi chính quyền. Vai trò của họ bị giới hạn trong việc nhận viện trợ hoặc thiết bị, đồng thời tiến hành các dự án hợp tác với những nhóm tôn giáo và dân sự của nước ngoài. Tại miền Bắc, người ta không được tự do xây dựng hay tìm đến các công trình tôn giáo.


Người dân không được phép tự do lựa chọn tôn giáo

Theo một báo cáo trình lên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc năm 2002, Bắc Triều Tiên cho biết nước này có 15.000 tín đồ Cheondogyo (Thiên đạo giáo), 12.000 người theo đạo Cơ Đốc, 10.000 Phật tử và 800 tín đồ Công giáo. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân bị cấm tham gia các hoạt động tôn giáo. Theo Sách Trắng về Tự do tôn giáo ở Bắc Triều Tiên năm 2017, do Trung tâm dữ liệu về Nhân quyền Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc phát hành, 99% trong tổng số 11.800 người tị nạn miền Bắc cho rằng công dân nước này không được phép tự do tham gia các hoạt động tôn giáo. Thêm vào đó, tính đến năm 2016, có khoảng 121 công trình tôn giáo, bao gồm 60 chùa chiền, 50 nhà thờ Cheondogyo và 3 nhà thờ ở Bắc Triều Tiên, nhưng điều đó không có nghĩa người dân địa phương được tự nguyện cử hành nghi lễ tôn giáo. Trên thực tế, họ sẽ bị trừng phạt nếu có bất cứ hành vi sinh hoạt tôn giáo nào.


Không ai biết rõ mức độ đàn áp tôn giáo tại Bắc Triều Tiên. Nhưng thế giới phần nào nắm bắt được tình hình thông qua thống kê của Chính phủ Mỹ và tin tức truyền thông. Theo báo cáo về Tự do tôn giáo trên thế giới do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào năm ngoái, khoảng 80.000-120.000 người dân Bắc Triều Tiên bị giam giữ trong các trại tù chính trị và số lượng lớn trong đó bị bỏ tù vì lý do tôn giáo. Đài Châu Á Tự do (RFA) của Mỹ lấy ví dụ một người dân miền Bắc bị kết án 15 năm lao động khổ sai chỉ vì sở hữu một cuốn Kinh thánh. Đáp lại, Bắc Triều Tiên khẳng định rằng quyền tự do sinh hoạt tôn giáo được đảm bảo tại nước này, nhưng đây chỉ đơn thuần là lời lẽ tuyên truyền nhằm làm chệch hướng quan điểm phản đối của cộng đồng quốc tế.


17 năm liên tiếp bị xếp vào “Nước thuộc quan ngại đặc biệt” về tự do tôn giáo

Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ đã 17 năm liên tiếp xếp Bắc Triều Tiên vào danh sách “Nước thuộc quan ngại đặc biệt” chiếu theo Bộ luật về Tự do tôn giáo quốc tế. Nghị viện châu Âu cũng đã chỉ định miền Bắc là một trong 11 quốc gia nơi tự do tôn giáo bị xâm phạm nghiêm trọng.


Bất chấp lời khẳng định của Bắc Triều Tiên, cộng đồng quốc tế vẫn lo ngại về mức độ nghiêm trọng của sự thiếu tôn trọng tự do tôn giáo tại quốc gia khép kín này. Năm ngoái, Chủ tịch miền Bắc Kim Jong-un đã bày tỏ ý định mời Đức Giáo hoàng Francis tới thăm Bình Nhưỡng. Chuyến thăm trên, nếu trở thành hiện thực, sẽ có thể góp phần cải thiện tình hình tôn giáo tại miền Bắc.

Tin mới nhất