Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

"Việc Bắc Triều Tiên xóa bỏ di sản thống nhất có thể dẫn tới sự hỗn loạn hệ tư tưởng nội bộ"

Tin tức2024-02-26
"Việc Bắc Triều Tiên xóa bỏ di sản thống nhất có thể dẫn tới sự hỗn loạn hệ tư tưởng nội bộ"

Trong tháng trước, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị phá dỡ "Cổng Thống nhất" (Arch of Reunification), vốn là một di sản về nguyên tắc thống nhất của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il-sung). 

Cổng Thống nhất ở thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang) là một kiến trúc hình vòm lớn được xây dựng tại lối vào đường Thống nhất, điểm xuất phát của con đường Anh hùng thanh niên nối giữa thủ đô Bình Nhưỡng với thành phố Nampo (tỉnh Nam Pyongan) được hoàn công vào tháng 8/2001. Tên gọi chính thức của công trình này là "Tháp kỷ niệm ba hiến chương thống nhất tổ quốc", để kỷ niệm ba nguyên tắc thống nhất của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành.

Ngoài ra, Chủ tịch Kim Jong-un cũng ra chỉ thị chặn tuyến đường bộ liên Triều Gyongui, một dự án từ thời cố Chủ tịch Kim Jong-il. Tuyến đường này được hoàn công vào năm 2004, khi khu công nghiệp liên Triều Gaesung đi vào hoạt động, đã đóng vai trò huyết mạch cho hợp tác kinh tế giữa hai miền Nam-Bắc.

Như vậy là trong quá trình triển khai các chính sách thù địch với miền Nam, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã xóa sổ cả những nơi có liên quan tới "di huấn thống nhất" của ông cha mình.

Xuất hiện trên một chương trình của Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc (KBS) vào hôm 25/2, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Young-ho nhận định các bước đi này của chính quyền miền Bắc sẽ có thể dẫn tới lỗ hổng về hệ tư tưởng tại nước này. Việc ông Kim Jong-un tự xóa bỏ thành tựu của cha ông mình, vốn là nền tảng thừa kế quyền lực, có thể gây ra sự hỗn loạn trong tầng lớp tinh hoa Bắc Triều Tiên. 

Bộ trưởng Kim cho biết Bộ đang đối phó với khả năng miền Bắc sẽ khiêu khích quân sự Hàn Quốc để xoa dịu mâu thuẫn nội bộ. Ông Kim Young-ho cũng hối thúc Bình Nhưỡng phải tuân thủ đường ranh giới liên Triều trên biển. Quan chức này nhấn mạnh không thể bảo vệ hòa bình bán đảo Hàn Quốc bằng các chính sách xoa dịu miền Bắc; qua đó tái khẳng định đường lối "hòa bình bằng sức mạnh" của Chính phủ đương nhiệm.

Về khả năng diễn ra tiếp xúc giữa Bắc Triều Tiên và Nhật Bản, Bộ trưởng Kim cho biết Seoul không phản đối điều này nếu sự tiếp xúc đó giúp ích cho hòa bình bán đảo Hàn Quốc và giải quyết vấn đề hạt nhân miền Bắc.

[Photo : KBS News]

Tin mới nhất