Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Tin tức

"Cần bước đi trung gian để phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên"

Tin tức2024-03-06
"Cần bước đi trung gian để phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên"

Tham dự hội thảo do Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế tổ chức vào ngày 5/3 (giờ địa phương) tại Washington (Mỹ), chuyên viên cấp cao phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Jung Pak chỉ ra một thực tế là không thể phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên chỉ trong một đêm, mà cần có "bước đi trung gian" (interim steps) để làm điều này. 

Một ngày trước, Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Đông Á và châu Đại Dương thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) Mira Rapp-Hooper phát biểu rằng Mỹ sẽ cân nhắc "bước đi trung gian" để phi hạt nhân hóa miền Bắc, làm dấy lên suy đoán về sự thay đổi chính sách của Washington.

Bà Jung Pak không trả lời thẳng câu hỏi về việc liệu các bước đi trung gian nhằm phi hạt nhân hóa miền Bắc này có bao gồm việc đóng băng hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không. Thay vào đó, quan chức này nhấn mạnh có rất nhiều loại vũ khí cần phải xử lý, xét tới các hoạt động liên quan tới vũ khí và phạm vi phổ biến của miền Bắc, như vũ khí hạt nhân chiến thuật sử dụng nhiên liệu rắn, vũ khí bội siêu thanh, tàu lặn không người lái.

Về khả năng các bước đi trung gian này sẽ không giúp đạt được mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa miền Bắc, bà Jung Pak trả lời đây không phải là những bước đi cuối cùng.

Trước câu hỏi liệu Mỹ có thiết lập mục tiêu giải trừ quân bị, như hạn chế số lượng tên lửa của Bắc Triều Tiên nếu nước này không đồng ý giải trừ hạt nhân hay không, quan chức này nhấn mạnh mục tiêu rõ ràng của Mỹ chính là phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc.

Liên quan tới các động thái miền Bắc như công kích, uy hiếp miền Nam, tái cơ cấu lại các cơ quan phụ trách quan hệ với Hàn Quốc, bà Jung Pak nhận định đây là một sự thay đổi chiến lược dài hạn của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ cho rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn giữ nguyên mục tiêu chính là duy trì thể chế, được cộng đồng quốc tế công nhận là quốc gia sở hữu hạt nhân. Có một điều thay đổi là ông Kim dường như đang nhận định rằng sẽ không thể đạt được mục tiêu này qua đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.

Quan chức Mỹ cũng chỉ ra rằng Bắc Triều Tiên đã chuyển cho Nga hàng nghìn container đạn dược và hàng chục tên lửa đạn đạo để sử dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nhìn thế giới qua "lăng kính Chiến tranh lạnh", cho rằng miền Bắc sẽ có thể thu được lợi ích thông qua việc liên kết chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc.

[Photo : YONHAP News]

Tin mới nhất