Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

3. Quan hệ liên Triều đóng băng trong năm 2019

2019-12-31



Quan hệ liên Triều khởi động năm 2019 với kỳ vọng lớn về chính sách hòa bình của Chính phủ. Tuy nhiên, đến cuối năm, tình hình quan hệ giữa hai miền ngày một xấu đi, gần như quay trở lại cục diện thời kỳ khủng hoảng hạt nhân miền Bắc năm 2017.

Thế vận hội mùa đông PyeongChang tại Hàn Quốc hồi tháng 2 năm ngoái đã mở ra cục diện đối thoại liên Triều. Sau đó, bầu không khí bán đảo Hàn Quốc liên tiếp có nhiều chuyển biến tích cực, với Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm hồi tháng 4, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6, và Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng trong tháng 9. Trước thềm năm mới 2019, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ miền Bắc Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in còn trao đổi thư từ, thể hiện quyết tâm xúc tiến lộ trình phi hạt nhân hóa và hòa bình bán đảo Hàn Quốc. Thế nhưng, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi tháng 2 năm nay đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên có bước đi phi hạt nhân hóa trước, còn miền Bắc lại yêu cầu Washington dỡ bỏ cấm vận trước. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu tới tình hình quan hệ liên Triều. Tới tháng 3, Bắc Triều Tiên đơn phương thông báo rút nhân viên khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều ở thành phố Gaesung, miền Bắc, và dừng thực thi thỏa thuận quân sự đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 ở Bình Nhưỡng. Từ tháng 5, nước này liên tiếp phóng vũ khí tầm ngắn kiểu mới, thị uy sức mạnh quân sự, thậm chí còn từ chối nhận gạo viện trợ từ Hàn Quốc thông qua các tổ chức quốc tế. Bầu không khí nguội lạnh thể hiện rõ trong trận đấu bóng đá ngày 15/10 giữa hai miền Nam-Bắc tại sân vận động Bình Nhưỡng, thuộc khuôn khổ vòng loại châu Á Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) Qatar 2020. Trận đấu đã diễn ra mà không có khán giả, không truyền hình trực tiếp. Trong tháng 10, Chủ tịch Kim Jong-un ra chỉ thị phá dỡ các hạ tầng du lịch do miền Nam xây dựng trên núi Geumgang, biểu tượng của hợp tác kinh tế liên Triều. Nước này còn không tiếc lời chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho thấy Bắc Triều Tiên đã quay lại chiến lược loại Hàn Quốc khỏi vòng đối thoại. Một số ý kiến cho rằng chính sách với Bắc Triều Tiên của Chính phủ đang để lộ hạn chế, qua đó yêu cầu Chính phủ thay đổi đường lối.

Photo : KBS News

Lựa chọn của ban biên tập