Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tranh cãi về chế độ đặc cách nghĩa vụ quân sự

2018-09-09

Tin tức

ⓒ YONHAP News

Sau khi Á vận hội Jakarta Palembang 2018 kết thúc, dư luận Hàn Quốc đã dấy lên nhiều tranh cãi liên quan đến chế độ đặc cách nghĩa vụ quân sự cho các vận động viên thể thao. Nhiều phương án đã được đưa ra. Về điều này, Giám đốc Cơ quan quản lý nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự (MMA) thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Ki Chan-soo cho biết sẽ xem xét lại toàn bộ về chế độ đặc cách nghĩa vụ quân sự ở lĩnh vực thể thao, nghệ thuật.


Tranh cãi về việc đặc cách nghĩa vụ quân sự

Trọng tâm tranh cãi chính là ở môn bóng chày. Đội tuyển bóng chày Hàn Quốc chỉ có các cầu thủ chuyên nghiệp, trong khi đội tuyển bóng chày của Nhật Bản lại gồm cảcác vận động viên nghiệp dư. Hơn nữa, đội tuyển Đài Loan cũng bị đánh giá thấp hơn nhiều so với đội tuyển bóng chày của Hàn Quốc, nên đội tuyển xứ kimchi đã chiến thắng khá dễ dàng. Chính vì thế mà các cầu thủ “ngại” thi đấu tại Giải bóng chày cổ điển thế giới (World Baseball Classic), một giải đấu khó giành chiến thắng, nhưng lại hăng hái tham gia Á vận hội, nhằm giành huy chương để được miễn nghĩa vụ quân sự. Khi danh sách đội tuyển bóng chày được công bố, một số cầu thủ được cho là được tham gia với lý do hưởng đặc cách nghĩa vụ quân sự, khiến nhiều người bất bình, một số người còn cầu đội tuyển chỉ giành được huy chương bạc ở Á vận hội. Theo quy định, chỉ những người được huy chương vàng Á vận hội mới được hưởng đặc cách nghĩa vụ quân sự. Mặc dù không bị chỉ trích nhiều như đội tuyển bóng chày, nhưng đội tuyển bóng đá cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” chỉ trích này. Trên thực tế, theo kết quả Á vận hội lần này, có tổng cộng 42 vận động viên được hưởng đặc cách nghĩa vụ quân sự, có tới 29 cầu thủ bóng đá và bóng chày.

Chế độ đặc cách nghĩa vụ quân sự

Chế độ đặc cách nghĩa vụ quân sự được áp dụng sau khi Luật đặc cách nghĩa vụ quân sự có hiệu lực vào năm 1973. Chế độ này quy định miễn nghĩa vụ quân sự cho các vận động viên có thành tích thể thao xuất sắc, đóng góp vào việc nâng cao hình ảnh nước nhà, để họ có thể chuyên tâm hơn vào lĩnh vực của bản thân. Người đầu tiên được hưởng đặc cách nghĩa vụ quân sự theo chế độ này là vận động viên Yang Jung-mo, người giành huy chương vàng Olympic Montreal (Canada) 1976 ở môn đấu vật tự do. Khi đó, đây là chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên của thể thao Hàn Quốc, mang ý nghĩa rất lớn, nên tất cả đều nghĩ rằng việc đặc cách nghĩa vụ quân sự cho võ sĩ này là phần thưởng xứng đáng, không hề có tranh cãi. Sau đó, những người đoạt giải ở các cuộc thi quốc tế thuộc lĩnh vực nghệ thuật thuần túy cũng được hưởng đặc cách tương tự. Tuy nhiên, giờ đây trình độ thể thao Hàn Quốc đã được nâng cao hơn nhiều, khiến số lượng người được hưởng đặc cách ngày một tăng. Dư luận có nhiều ý kiến bất bình cho rằng chế độ này không công bằng. Cụ thể, chế độ này chỉ đặc cách cho các vận động viên giành thành tích ở Á vận hội, Olympic, nhưng lại không áp dụng ở các giải đấu quốc tế của các bộ môn riêng biệt như Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup). Ngoài ra, các cầu thủ bóng đá hay bóng chày chuyên nghiệp đều có mức lương khổng lồ, nay lại được thêm đặc cách nghĩa vụ quân sự, trong khi các vận động viên ở những bộ môn ít được yêu thích hơn như điều kinh, bơi lội, vừa khó đạt huy chương, lại vừa không có được mức lương cao như vậy. Ngoài lĩnh vực thể thao và nghệ thuật thuần túy, những người khác dù đạt được thành tích lớn đến mấy cũng không được hưởng đặc cách này.


Thảo luận sửa đổi chế độ đặc cách

Sau khi tranh cãi dấy lên trong dư luận, Giám đốc Cơ quan quản lý nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự (MMA) thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Ki Chan-soo tuyên bố sẽ xem xét lại toàn bộ chế độ này. Ủy ban Olympic Hàn Quốc đang đề xuất áp dụng chế độ tích lũy điểm, đặc cách cho các vận động viên nào tích lũy được nhiều điểm dựa theo thành tích thi đấu tại Olympic, Á vận hội hay World Cup. Nam giới Hàn Quốc bất cứ ai cũng phải hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Do đó, tính công bằng là một yếu tố rất quan trọng của chế độ này. Chế độ đặc cách nghĩa vụ quân sự cũng cần phải thay đổi, đảm bảo được tính công bằng thì mới có thể dập tắt được những tranh cãi trong xã hội.

Lựa chọn của ban biên tập