Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Thị trường chứng khoán Hàn Quốc liên tục sụt giảm trong tháng 10

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-11-05

ⓒ YONHAP News

“Cơn ác mộng tháng 10” trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc


Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã trở nên cực kỳ biến động trong những tuần gần đây. Chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) đã đóng cửa ở mức dưới 2.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 29/10. Mặc dù chỉ số này đã tăng trở lại và phục hồi ở mức 2.020 điểm vào ngày 31/10, nhưng chỉ tính riêng trong tháng 10, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã mất 263.000 tỷ won (khoảng 239 tỷ USD). Ngoài ra, chỉ số sàn giao dịch KOSDAQ cũng diễn biến không mấy khả quan, càng khiến thị trường chứng khoán Hàn Quốc thêm ảm đạm hơn. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Lee Sun-yeop, Trưởng phòng Phòng phân tích đầu tư của Công ty tài chính và đầu tư Shinhan, sẽ phân tích về xu thế giảm điểm trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây. 


Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có sàn giao dịch NASDAQ của Mỹ, đã giảm 10% từ ngày 1 đến ngày 26/10, thì chỉ số sàn giao dịch KOSDAQ của Hàn Quốc đã giảm tới 19,3%, mức sụt giảm lớn nhất trong 30 sàn giao dịch lớn trên toàn thế giới. Con số này thậm chí còn lớn hơn mức sụt giảm 12,3% trên sàn giao dịch Merval của Argentina – nền kinh tế đang sống nhờ vào khoản vay cứu trợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong cùng thời gian đó, chỉ số KOSPI cũng giảm 13,4%, mức giảm cao thứ ba trong các thị trường chứng khoán lớn. Với những con số sụt giảm của chỉ số KOSPI và KOSDAQ, thị trường Hàn Quốc đang chứng kiến mức suy giảm rõ rệt hơn bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc trong tháng 10 đang chứng kiến mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thời điểm thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã mất tới 20%.


Bối cảnh đằng sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Hàn Quốc?


Trong tháng 10, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã nếm trải những ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2008, thời điểm Hàn Quốc rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó, chỉ số KOSPI đã đóng cửa phiên giao dịch trong ngày cuối cùng của tháng 10 ở mức 2.029,69 điểm, giảm 13,37% so với tháng trước đó, trong khi chỉ số KOSDAQ cũng giảm 173,60 điểm chỉ trong tháng 10. Ông Lee Sun-yeop giải thích về bối cảnh đằng sau sự sụt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc.


Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh đã khiến các nhà đầu tư có tâm lý ưu tiên các tài sản an toàn và tránh sở hữu các tài sản rủi ro cao. Trên thực tế, cổ phiếu chứng khoán Hàn Quốc là một phần đáng kể trong các cổ phiếu của các nền kinh tế mới nổi. Hơn nữa, việc bán tháo cổ phiếu tại thị trường Hàn Quốc là khá dễ dàng so với các thị trường mới nổi khác. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu tại thị trường Hàn Quốc đầu tiên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần kể đến một số yếu tố khác. Chẳng hạn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được cho là đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Hàn Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, trong khi Mỹ cũng chiếm tới 10%. Với sự phụ thuộc quá lớn vào hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nền kinh tế Hàn Quốc, vốn dựa chủ yếu vào xuất khẩu, đã bị một đòn trời giáng khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. 


Nguyên nhân từ cấu trúc thị trường chứng khoán Hàn Quốc


Việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản được cho là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Hàn Quốc sụt giảm, khi đồng đô-la Mỹ đang chảy khỏi thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các yếu tố bên ngoài đã nêu, đối với sự biến động quá lớn trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Trong khi chỉ số sàn giao dịch NASDAQ của Mỹ đã tăng 3% vào ngày 25/10, chỉ số KOSDAQ của Hàn Quốc lại liên tục giảm và chạm mức thấp kỷ lục vào ngày 29/10. Trưởng phòng Lee Sun-yeop phân tích. 


Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp lớn đang chiếm thị phần đáng kể trên thị trường chứng khoán. Ví dụ, Công ty điện tử Samsung chiếm tỷ lệ vốn hóa cao trên thị trường tài chính, với mảng chíp bán dẫn là một mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Trên thực tế, 10 doanh nghiệp lớn nhất đang chiếm hơn 30% vốn hóa trên thị trường Hàn Quốc, và giá trị vốn hóa niêm yết trên thị trường chứng khoán của 5 tập đoàn đứng đầu hiện đang chiếm tới hơn một nửa tổng giá trị của thị trường chứng khoán Hàn Quốc. Do đó, khi các công ty lớn gặp khó khăn trong kinh doanh, toàn bộ thị trường chứng khoán Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng theo. Trong bối cảnh các nhà quan sát thị trường đang đặt câu hỏi liệu sự bùng nổ về chíp bán dẫn có thể kéo dài trong bao lâu, thì thị phần của Điện tử Samsung và những doanh nghiệp liên quan đang giảm mạnh trong thời gian gần đây, kéo giá cổ phiếu đi xuống. Ngoài ra, các nhà đầu tư trong nước cũng không thể thể hiện vai trò của mình, như lấp chỗ trống để lại do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu. 


Chính phủ cần đưa ra các đối sách giảm biến động, và ổn định thị trường


Trên thực tế, khi thị trường chứng khoán suy yếu, các nhà đầu tư là tổ chức trong nước có thể đứng ra mua cổ phiếu để tránh kịch bản tồi tệ hơn xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, không có nhà đầu tư tổ chức nội địa nào đứng ra ngăn chặn xu thế sụt giảm này. Cơ quan hưu bổng quốc gia Hàn Quốc (NPS) trước đây đã từng bảo vệ thị trường chứng khoán Hàn Quốc trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và cuộc khủng khoảng tiền tệ ở châu Âu năm 2011. Cụ thể, cơ quan này đã mua lại các cổ phiếu mà các cá nhân và các nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhằm xoa dịu “nỗi sợ hãi” của thị trường, và hoạt động như một van an toàn giúp thị trường ổn định trở lại. Tuy nhiên, trong năm nay, quỹ này đã giảm đầu tư vào thị trường chứng khoán trong nước, và chuyển sang bán ròng lần đầu tiên trong vòng 9 năm qua. Trước những yếu tố không thuận lợi ở cả trong và ngoài nước, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã trải qua cơn ác mộng trong tháng 10. Điều tồi tệ hơn là tình hình quốc tế cũng không mấy sáng sủa. Diễn biến của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ và quyết định tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), hay cuộc gặp thượng đỉnh giữa Washington và Bắc Kinh vào cuối tháng này sẽ là một số yếu tố bất lợi đối với Seoul. Theo một số chuyên gia, sau khi giảm tới 314 điểm trong tháng 10, chỉ số KOSPI có thể sẽ phục hồi trở lại, khiến sức mua mạnh hơn. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần đưa ra các biện pháp giúp ổn định thị trường, khi các yếu tố không mong muốn có thể gây ra biến động lớn trên thị trường. Trưởng phòng Lee Sun-yeop nhận định. 


Hiện nay, Chính phủ có thể khuyến khích các quỹ hưu bổng công, trong đó có Quỹ hưu bổng quốc gia của Hàn Quốc, đầu tư nhiều hơn vào thị trường chứng khoán trong nước. Chính phủ cũng có thể cung cấp cho các nhà đầu tư chứng khoán với nhiều ưu đãi hơn, bao gồm cả ưu đãi về thuế. Những biện pháp này có thể giúp “hạ tính biến động” trên thị trường chứng khoán và ổn định tâm lý nhà đầu tư ở một mức độ nào đó, mặc dù chúng có thể không giúp ngăn chặn hoàn toàn xu hướng giảm trên thị trường. 


Về cơ bản, xu hướng tăng trưởng trên thị trường chứng khoán bắt nguồn từ sự bùng nổ kinh tế. Cùng với các biện pháp xoa dịu nỗi lo trên thị trường, Hàn Quốc cần tập trung vào cải cách quy chế mạnh mẽ hơn nữa và đẩy mạnh sáng tạo để tăng cường các nền tảng cơ bản trên thị trường chứng khoán trong nước.

Lựa chọn của ban biên tập