Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Triển vọng của đàm phán phi hạt nhân hóa sau thượng đỉnh Mỹ-Triều bất thành

2019-03-07

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Về lý do thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai vào tuần trước, vẫn chưa rõ bên nào đang nói đúng sự thật. Hãy cùng lắng nghe ông Shin Beom-chul, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu chính sách Asan, phân tích về phản ứng của hai nước sau sự kiệntrên.


Mỹ khẳng định rằng Bắc Triều Tiên đã nỗ lực để có được sự giảm nhẹ cấm vận chỉ bằng việc phá dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyun (tỉnh Bắc Pyongan). Washington tin rằng đây là một đòi hỏi quá đáng. Trong khi đó, miền Bắc lại lập luận rằng chỉ muốn được gỡ bỏ trước một phần các biện pháp cấm vận đã được thông qua kể từ năm 2016, bởi các biện pháp này gây nhiều khó khăn cho người dân. Bình Nhưỡng chỉ trích Washington đang phóng đại yêu cầu của mình.


Tuy nhiên, từ quan điểm của Mỹ, đòi hỏi gỡ bỏ một phần cấm vận của Bình Nhưỡng trên thực tế lại chính là sự dỡ bỏ toàn bộ các lệnh cấm vận có sức ép thực sự lên miền Bắc. Các biện pháp cấm vận của Liên hợp quốc trước năm 2016 phần lớn được thiết kế nhằm ngăn chặn Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Nhưng miền Bắc không cảm thấy hề hấn gì trước những lệnh trừng phạt này. Ngược lại, Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và nền kinh tế nước này tiếp tục tăng trưởng. Kể từ vụ thử hạt nhân lần thứ 4 năm 2016, cấm vận quốc tế đã được tăng cường theo hướng gây sức ép lên tổng thể nền kinh tế Bắc Triều Tiên, mà nước này gọi là “nền kinh tế nhân dân”, nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân.


Sau khi Hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam kết thúc ngày 28/2 mà không đạt được thỏa thuận nào, cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đã tổ chức họp báo riêng để giải thích câu chuyện theo cách của mình. Mỹ cho rằng miền Bắc muốn được gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận, trong khi Bình Nhưỡng khẳng định chỉ tìm kiếm sự giảm nhẹ cấm vận một phần từ Washington. Các lập luận của đôi bên khiến nhiều người thắc mắc ai đang nói sự thật. Rõ ràng là hai nước đã có quan điểm khác biệt về cấm vận. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viện dẫn các cơ sở hạt nhân bên cạnh tổ hợp Yongbyun như lý do then chốt cho việc đàm phán đổ vỡ.


Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ đang cho vận hành một cách bí mật ít nhất một hoặc hai cơ sở làm giàu uranium, bên cạnh tổ hợp Yongbyun. Truyền thông Hàn Quốc vừa đưa tin về một cơ sở của miền Bắc ở Bungang (tỉnh Bắc Pyongan), trong khi tờ Thời báo New York (Mỹ) trước đó đề cập tới một cơ sở tại Kangson (ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng). Nếu các nghi vấn này là sự thật, Bắc Triều Tiên có thể đã tiếp tục sản xuất vật liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí nguyên tử kể cả khi phá dỡ cơ sở Yongbyun. Điều này có nghĩa miền Bắc vẫn có thể nỗ lực để sở hữu vũ khí hạt nhân kể cả sau khi đàm phán hạt nhân kết thúc.


Dường như Bắc Triều Tiên đã có ý định chỉ đàm phán về t hợp Yongbyun trong hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, trái ngược với tính toán của Bình Nhưỡng, Washington đã yêu cầu nhiều hơn thế. Rơi vào thế bị động, miền Bắc đã từ chối thảo luận vấn đề này, nhấn mạnh rằng đây là điều không thể đàm phán được.


Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 5/3 khẳng định Bungang là quận hành chính nơi tổ hợp hạt nhân Yongbyun đang đóng. Dường như ngoài Yongbyun còn có nhiều cơ sở hạt nhân khác tồn tại ở Bắc Triều Tiên. Nếu nước này từ chối phá dỡ các cơ sở cộng thêm này, mối nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của miền Bắc sẽ tăng lên.Do Bắc Triều Tiên, một cách thực tiễn, đã đưa tất cả các lệnh cấm vận lên bàn đàm phán, nên đáng lẽ  nước này cần thảo luận việc phá dỡ tổ hợp Yongbyun và cả các cơ sở hạt nhân khác nữa. Nhưng miền Bắc đã không làm rõ điều này, và hai bên đã không thể thu hẹp khoảng cách về mức độ phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng, cũng như mức độ giảm nhẹ cấm vận của Washington.


Đáng lo ngại hơn là phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Choe Sun-hui sau hội nghị bất thành. Trong buổi họp báo của Bắc Triều Tiên ngày 1/3, bà Choe đã nhắc lại cụm từ “một hướng đi mới” mà Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã dùng trong bài diễn văn chúc mừng năm mới đầu năm nay.


Trong thông điệp năm mới, Chủ tịch Kim Jong-un đã cảnh báo sẽ bước theo một “con đường khác” nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép với nước này. “Một lối đi khác” ở đây nghĩa là Bắc Triều Tiên có thể công bố nước này là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, cố gắng tự phục hồi, hoặc theo đuổi chính sách bài Mỹ với sự hợp tác của Trung Quốc và Nga. Có nguồn tin cho rằng miền Bắc đã khôi phục một phần bãi phóng tên lửa xã Dongchang (huyện Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan). Nhiều người lo ngại nước này có thể có hành động khiêu khích và lại đối đầu với Mỹ, trừ phi Washington chấp nhận đòi hỏi của Bình nhưỡng.


Chủ tịch Kim Jong-un đã nhiều lần bày tỏ cam kết phi hạt nhân hóa. Do đó, miền Bắc đã sử dụng cụm từ “một lối đi khác” như giải pháp “bên miệng hố chiến tranh” hòng có được lợi thế một khi đàm phán trong tương lai được nối lại. Trên thực tế, cả hai bên đã để ngỏ khả năng tiếp tục đối thoại. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/3 cho biết ông tin rằng Mỹ sẽ gửi một phái đoàn tới Bắc Triều Tiên trong những tuần sắp tới. Trong khi đó, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay hai bên đã đồng ý sẽ gặp lại và tiếp tục đối thoại có hiệu quả. Nhưng thật khó để kỳ vọng rằng hội đàm sẽ sớm được nối lại.


Tôi không cho rằng đối thoại Mỹ-Triều sẽ sớm được khôi phục. Phương án từ trên xuống đã chứng tỏ là có hiệu quả trong việc thúc đẩy đàm phán. Nhưng trong trường hợp này, hai nhà lãnh đạo đã bất đồng về một số vấn đề, và sẽ cần thời gian để thu hẹp khoảng cách giữa họ. Bắc Triều Tiên có thể cần phải tái tổ chức phái đoàn đàm phán của mình. Tuy nhiên, nếu đối thoại song phương rơi vào bế tắc quá lâu, thì hội đàm phi hạt nhân hóa sẽ mất đi xung lực. Trong thời gian tới, cả hai bên rất có thể sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường của mình và yêu cầu bên kia nhượng bộ. Nhưng sau cùng, họ sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa.


Hội nghị thượng đỉnh không thành đã bộc lộ hạn chế của đàm phán theo cách từ trên xuống và mâu thuẫn giữa hai nước về khái niệm phi hạt nhân hóa. Vì vậy, để nối lại đàm phán, điều cần thiết là phải điều chỉnh phạm vi các biện pháp phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và hành động đáp lại tương ứng của Washington. Trong quá trình đó, vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang ngày một trở nên quan trọng hơn.


Là bên trung gian điều đình, Hàn Quốc có một nhiệm vụ đầy thử thách là lắng nghe lập trường của cả Mỹ và Bắc Triều Tiên, cũng như thuyết phục cả hai bên. Trước tiên, Bình Nhưỡng cần phải đưa ra một đề xuất mới mà có thể tạo ra tiến triển thực chất trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Miền Bắc không nên chỉ bấu víu vào tổ hợp Yongbyun và từ chối thảo luận các cơ sở khác. Nếu Bắc Triều Tiên thực sự muốn được gỡ bỏ cấm vận, nước này nên đưa ra một lộ trình phi hạt nhân hóa rõ ràng hơn, bao gồm bước đi tiếp theo sau khi phá dỡ cơ sở Yongbyun. Sau khi có được một kế hoạch phi hạt nhân hóa cụ thể hơn từ Bình Nhưỡng, Seoul nên thuyết phục Washington về sự cần thiết phải có hành động bù đắp tích cực hơn nữa. Bằng cách này, Chính phủ Hàn Quốc cần phải tìm ra tiếng nói chung giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ.


Tổng thống Moon Jae-in ngày 4/3 đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia nhằm thảo luận các phương án thúc đẩy đàm phán Mỹ-Triều trong thời gian tới. Có thể nói,sự chú ý giờ đây đang đổ dồn vào cách mà Tổng thống Hàn Quốc sẽ duy trì xung lực đối thoại Mỹ-Triều.

Lựa chọn của ban biên tập