Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

5 năm sau thảm họa chìm tàu Sewol

2019-04-16

Tin tức

5 năm sau thảm họa chìm tàu Sewol

Tròn 5 năm ngày xảy ra thảm họa chìm tàu Sewol (16/4/2014-16/4/2019), Hàn Quốc đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng, thể hiện quyết tâm không để lặp lại một tai nạn thảm khốc tương tự.


Thảm họa chìm tàu Sewol

Tàu Sewol là tàu chở khách vận hành tuyến từ thành phố Incheon đến đảo Jeju (hòn đảo phía Nam Hàn Quốc). Tàu chở khách Sewol gặp nạn và bị chìm tại vùng biển Jindo (tỉnh Nam Jeolla) vào khoảng 8 giờ 50 phút sáng ngày 16/4/2014. Thảm họa đã cướp đi mạng sống của 304 người trên tổng số 476 người trên tàu, bao gồm thủy thủ đoàn và hành khách. Đa số khách đi tàu là học sinh và giáo viên trường trung học phổ thông Danwon ở thành phố Ansan, tỉnh Gyeonggi, đang trong chuyến đi thực tế đến đảo Jeju. Số người được cứu sống trong vụ tai nạn chỉ là 172 người.


Nguyên nhân xảy ra thảm họa

Trên thực tế, nếu như thuyền trưởng và thủy thủ đoàn thực hiện biện pháp đối phó đúng đắn và lực lượng cảnh sát biển triển khai công tác ứng cứu kịp thời thì tổn thất về người trong vụ tai nạn đã không nghiêm trọng như vậy. Căn nguyên dẫn đến thảm họa là khi tàu bắt đầu nghiêng, tàu đã phát thông báo yêu cầu hành khách ngồi yên tại chỗ. Trong khi hành khách thực hiện theo đúng chỉ thị, ở nguyên tại chỗ, thì thuyền trưởng và thủy thủ đoàn đã thoát khỏi tàu trước. Sau đó, lực lượng cảnh sát biển cũng đã đến hiện trường ứng cứu, nhưng do sự phán đoán sai lầm của quan chức chỉ huy mà công tác cứu hộ bị trì hoãn, làm lỡ mất thời gian vàng cứu các hành khách. Sau đó, trong quá trình điều tra vụ thảm họa, các vấn đề nghiêm trọng hơn đã dần được hé lộ. Những nguyên nhân được chỉ ra như tàu đã đổi hướng di chuyển đột ngột, chở hàng hóa quá tải, bị hư hỏng, cơi nới thân tàu quá mức. Hiện hãng tàu và những người chịu trách nhiệm liên quan đều đã bị trừng phạt theo pháp luật. Cựu Chủ tịch tập đoàn Semo Yoo Byung-eon, chủ sở hữu tàu Sewol, đã thiệt mạng trong quá trình chạy trốn.


Công tác điều tra làm sáng tỏ sự thật của Chính phủ

Ngoài ra, nhằm làm sáng tỏ cụ thể nguyên nhân thảm họa chìm tàu Sewol, Ủy ban điều tra đặc biệt về thảm họa tàu Sewol đã được thành lập vào tháng 1 năm 2015. Tuy nhiên, ủy ban này đã không tiến hành bất cứ cuộc điều tra đặc biệt nào, mà chấm dứt hoạt động trong bối cảnh những tranh cãi nổ ra xung quanh quyền điều tra và quyền khởi tố vụ việc. Tháng 4 năm 2017, thân tàu Sewol đã được trục vớt. Theo đó, Ủy ban điều tra thân tàu Sewol đã tiến hành công tác điều tra, nhưng không đưa ra bất cứ một kết luận rõ ràng nào. Ủy ban này đã công bố “kết luận” để mở rằng: “nguyên nhân bên trong gồm nhiều yếu tố kết hợp như việc cơi nới, cải tạo tàu quá mức, hư hỏng chức năng cân bằng của tàu, đồng thời cũng không loại trừ khả năng yếu tố tác động từ bên ngoài”. Theo đó, tháng 3 năm 2018, Ủy ban điều tra đặc biệt về thảm họa tàu lần thứ hai được thành lập. Gia quyến các nạn nhân thiệt mạng và mất tích cùng các tổ chức dân sự hiện đang yêu cầu xử phạt 18 người là những quan chức Chính phủ có trách nhiệm liên quan vào điểm xảy ra thảm họa.


Điểm cần khắc phục

Công tác điều tra làm sáng tỏ toàn bộ nguyên nhân thảm họa tàu Sewol là một việc khá quan trọng, nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra những thảm họa tương tự trong tương lai. Đầu tiên là phải làm rõ nguyên nhân cho rằng tàu Sewol bị chìm là do chịu lực tác động từ bên ngoài. Luật và quy chế liên quan đến việc cơi nới, cải tạo tàu dù đã được cải thiện, song cần phải xem xét xem những quy định này đã đầy đủ hay chưa. Nếu như có ai đó phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này thì chắc chắn sẽ phải truy cứu trách nhiệm đối với người đó.


Sau thảm họa chìm tàu Sewol, nhận thức của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người dân đã được nâng cao hơn, trong khi hệ thống đối phó thảm họa cũng đã được cải thiện. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng đây đó vẫn còn bộc lộ những điểm thiếu sót. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng việc làm sáng tỏ nguyên nhân thảm họa chìm tàu Sewol và ngăn chặn xảy ra một thảm họa tương tự chính là liều thuốc tốt nhất để xoa dịu nỗi đau cho gia quyến các nạn nhân.

Lựa chọn của ban biên tập