Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính thức thảo luận vấn đề nước nhiễm xạ Nhật Bản tại Tổ chức hàng hải quốc tế

2019-10-10

Tin tức

Chính thức thảo luận vấn đề nước nhiễm xạ Nhật Bản tại Tổ chức hàng hải quốc tế

Tại kỳ họp của Đại hội đồng các quốc gia tham gia Công ước-Nghị định thư London, diễn ra tại trụ sở Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) ở London (Anh), từ ngày 7/10, vấn đề nước nhiễm xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima (Nhật Bản) đã được quyết định trở thành một nghị sự chính thức. Đại hội đồng yêu cầu Nhật Bản phải công khai thông tin một cách minh bạch về kế hoạch xử lý nước nhiễm xạ. Theo đó, cộng đồng quốc tế có thể đưa ra biện pháp mang tính cưỡng chế trong trường hợp Tokyo xả thải nước nhiễm xạ ra biển.


Vấn đề nước nhiễm xạ Nhật Bản

“Nước nhiễm xạ” được đề cập ở đây chính là nước làm mát bị nhiễm chất phóng xạ của nhà máy điện nguyên tử Fukushima, sau sự cố rò rỉ phóng xạ xảy ra năm 2011 gây ra bởi trận siêu động đất kèm sóng thần tàn phá miền Đông nước Nhật. Phía trong nhà máy điện nguyên tử vẫn còn nhiên liệu hạt nhân, nên cần phải tiếp thêm nước để làm nguội. Nhật Bản từng dùng nước biển để làm nước làm mát. Nước làm mát đương nhiên sẽ bị nhiễm chất phóng xạ, không thể xả đi một cách bừa bãi. Hiện tại, Nhật Bản đang lưu chứa nước nhiễm xạ trong các bể chứa được xây dựng xung quanh khu đất của nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, lượng nước nhiễm xạ thải ra mỗi ngày lên tới 170 tấn. Theo đó, tổng lượng nước nhiễm xạ tích trữ tới thời điểm hiện tại ước tính là trên 1 triệu tấn, đạt tới giới hạn lưu chứa của các bể. Trong bối cảnh đó, dư luận dấy lên tranh cãi gay gắt sau khi Nhật Bản công bố có kế hoạch xả thải nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima ra biển. Hành động này nguy cơ gây ra thiệt hại lớn tới các quốc gia láng giềng, cũng như toàn thế giới. Bởi nước biển sẽ di chuyển theo các dòng hải lưu, khiến nước nhiễm xạ của Nhật Bản có thể lan rộng ra khắp các đại dương trên toàn thế giới. Khi đó, Hàn Quốc, quốc gia láng giềng của Nhật Bản, sẽ là nước gánh chịu thiệt hại lớn nhất.


Luật pháp quốc tế về xả thải ra biển

Luật pháp quốc tế hiện đang cấm các quốc gia xả nước thải ra biển. Chẳng hạn như Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển yêu cầu các quốc gia phải có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm biển. Điều này có nghĩa là các nước bị cấm xả vật chất ô nhiễm ra biển. Đặc biệt, Nghị định thư London hiện đang cấm các nước xả vật chất ô nhiễm ra biển. Quốc gia nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại môi trường gây ra với nước khác. Tuy nhiên cho tới nay, vấn đề xả thải ra biển vẫn chưa được thảo luận như một nghị sự chính thức tại kỳ họp của Đại hội đồng các quốc gia tham gia Công ước-Nghị định thư London. Vậy nên tại kỳ họp này, Đại hội đồng đã quyết định đưa vấn đề nước nhiễm xạ Nhật Bản trở thành một nghị sự chính thức, sau khi Hàn Quốc tích cực nêu ra vấn đề này.


Các nước ủng hộ thảo luận vấn đề nước nhiễm xạ Nhật Bản

Không chỉ Hàn Quốc, mà các nước khác như Trung Quốc, Chile đều bày tỏ lo ngại về khả năng Tokyo xả thải nước nhiễm xạ ra biển, đề xuất tiếp tục thảo luận về vấn đề này tại kỳ họp của Đại hội đồng. Chủ tịch Đại hội đồng, bà Azara Al-Hassan Prempeh người Ghana, cũng đưa ra lập trường tương tự, cho rằng cần tiếp tục thảo luận về nghị sự này, yêu cầu Tokyo phải tiếp tục công khai thông tin. Về phần mình, Nhật Bản cam kết sẽ công khai thông tin một cách minh bạch trong thời gian tới.


Thời gian qua, Tokyo lập luận rằng vấn đề nước nhiễm xạ chỉ có thể thảo luận tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản tuyên bố sẽ công khai thông tin tại một tổ chức quốc tế ngoài IAEA. Theo đó, nếu Tokyo vẫn tiến hành xả nước nhiễm xạ ra biển, Đại hội đồng các quốc gia tham gia Công ước-Nghị định thư Londo có thể nêu ra vấn đề này một cách chính thức. Ngoài ra, nếu xét thấy Tokyo đã vi phạm Nghị định thư London, Đại hội đồng cũng sẽ có thể xây dựng một nghị quyết mang tính chất cưỡng chế với Tokyo.


Lựa chọn của ban biên tập