Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên công bố vũ khí mới trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 thành lập đảng Lao động

2020-10-15

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 10/10, Bắc Triều Tiên đã tổ chức lễ duyệt binh để kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng vào lúc nửa đêm, điều chưa từng có tiền lệ. Trước đây, miền Bắc thường tổ chức duyệt binh lúc 9 hoặc 10 giờ sáng, hoặc đôi khi vào buổi chiều nếu điều kiện thời tiết không cho phép. Các nhà phân tích suy đoán rằng động thái này của Bình Nhưỡng là nhằm lợi dụng trời tối để các thế lực bên ngoài khó xác định định vị vũ khí mới, cũng như để không khiêu khích Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tiến sĩ Oh Gyeong-seob từ Viện nghiên cứu Thống nhất Hàn Quốc phân tích chi tiết.


Miền Bắc tổ chức lễ duyệt binh vào ban đêm được cho là có nhiều ý đồ chính trị khác nhau. Đầu tiên, có thể do nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh phải làm cho sự kiện kỷ niệm 75 thành lập đảng Lao động thật đặc biệt, miền Bắc đã tổ chức vào ban đêm với các màn pháo hoa, đèn phát quang và máy bay không người lái để bắt mắt người xem. Thứ hai là để tránh ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ-Triều, Bắc Triều Tiên đã bất ngờ tiến hành sự kiện lúc nửa đêm và phát sóng 19 tiếng sau đó, tức 7 giờ tối cùng ngày.


Tại sự kiện, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đã bài phát biểu đầy xúc động, thu hút nhiều sự chú ý. Ông Kim liên tục bày tỏ lòng biết ơn với người dân, rồi còn tháo mắt kính để lau nước mắt. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo miền Bắc rơi lệ trong một sự kiện công khai. Trong bài phát biểu, ông Kim đã đề cập đến những khó khăn mà đất nước phải đối mặt và nói rằng ông xấu hổ khi đối diện với người dân, đồng thời thẳng thắn thừa nhận thất bại trong chính sách của mình. Rõ ràng, Chủ tịch Kim không chủ trương theo đuổi hình ảnh một nhà lãnh đạo hoàn hảo như hai cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.


Trong bài phát biểu của mình, ông Kim cảm ơn những người lính vì những nỗ lực của họ trong việc đối phó với đại dịch COVID-19 và các thảm họa thiên nhiên, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn với người dân đã chịu đựng nhiều khó khăn. Chủ tịch Kim còn cho biết sẽ củng cố tiềm lực quân sự, đồng thời cam kết với người dân sẽ phát triển kinh tế và cải thiện sinh kế của họ. Trong lúc phát biểu, ông Kim đã khá xúc động.

Trước đây, hai cố lãnh đạo miền Bắc không bao giờ xin lỗi người dân là để xây dựng hình ảnh người lãnh tụ hoàn hảo không phạm lỗi. Tuy nhiên, dưới chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế trong nước. Tình hình năm nay còn tồi tệ hơn do dịch COVID-19 và thiên tai. Những yếu tố này có lẽ đã khiến nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải mở lời xin lỗi người dân. Bài phát biểu đẫm nước mắt của Chủ tịch Kim cho thấy ông đã chọn cách thu phục lòng dân về mặt tình cảm và có thể sẽ tiếp tục duy trì phương thức lãnh đạo này.


Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã gửi gắm một thông điệp hòa giải đến Hàn Quốc trong bài phát biểu của mình. Ông gửi lời chào ấm áp đến những đồng bào ở miền Nam và cũng bày tỏ hy vọng rằng khủng hoảng COVID-19 sớm được khắc phục để Bình Nhưỡng và Seoul lại có thể lại cùng nắm tay nhau. Điều khá bất thường là nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã gửi gắm thông điệp này trong một bài phát biểu hướng tới người dân trong nước. Bằng chính giọng nói của mình, ông Kim thể hiện quyết tâm trong việc quản lý mối quan hệ liên Triều trong tương lai.


Bắc Triều Tiên đã thực hiện một loạt các động thái khiêu khích nhằm vào Hàn Quốc trong năm nay, như phá hủy văn phòng liên lạc chung liên Triều và bắn chết một công chức Bộ Hải dương và thủy sản Hàn Quốc. Trong bối cảnh này, có thể ông Kim cảm thấy cần phải để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với miền Nam. Hơn nữa, miền Bắc cũng muốn trốn tránh trách nhiệm về cái chết của quan chức Hàn Quốc. Ngoài ra, với những bất ổn ngày càng gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có thể Chủ tịch miền Bắc nghĩ rằng cần phải lợi dụng Hàn Quốc trong quá trình xây dựng mối quan hệ Mỹ-Triều. Trong trường hợp vắc-xin COVID-19 được phát triển, Bắc Triều Tiên cũng cần viện trợ thuốc từ miền Nam. Dù lý do là gì, thông điệp hòa giải của Bình Nhưỡng cũng có ích cho việc khôi phục quan hệ liên Triều.


Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã kiềm chế mọi lời lẽ gay gắt nhắm vào Mỹ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc miền Bắc sẽ củng cố thêm tiềm lực hạt nhân. Trong lễ duyệt binh, Bình Nhưỡng đã công bố một loạt vũ khí mới bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) kiểu mới và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết Bắc Triều Tiên đã hiện đại hóa và phát triển đáng kể sức mạnh quân sự so với 5 năm trước.


Loại ICBM mới được vận chuyển bằng một xe xe chuyên chở kiêm bệ phóng tên lửa di dộng 11 trục và 22 bánh là điểm gây nhiều sự chú ý nhất trong lễ duyệt binh. Các nhà phân tích tin rằng Bình Nhưỡng phát triển phiên bản tên lửa có kích thước lớn hơn này nhằm mục đích gắn từ hai đến ba đầu đạn để có thể tấn công nhiều mục tiêu ở Mỹ cùng một lúc. Một vũ khí khác xuất hiện trong buổi duyệt binh là một SLBM mới có tên Sao Bắc Cực-4. Quân đội miền Bắc đã làm giảm chiều dài để có thể lắp nó lên một tàu ngầm mới. Bắc Triều Tiên cũng tiết lộ một loạt vũ khí mới khác, như pháo phản lực siêu lớn, có cỡ nòng 600 mm và tầm bắn tối đa 400 km. Ngoài ra, miền Bắc còn công bố tên lửa Iskander phiên bản Bắc Triều Tiên, tên lửa ATACMS phiên bản Bắc Triều Tiên, pháo phản lực tự hành cỡ nòng lớn. Điều này cho thấy miền Bắc đang tiếp tục phát triển vũ khí chính xác cao và nâng cao tiềm lực hạt nhân của mình.


Về các loại vũ khí mới, ông Kim Jong-un cho biết sẽ không bao giờ lạm dụng hoặc sử dụng biện pháp răn đe chiến tranh như một phương tiện để tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, việc Bắc Triều Tiên công bố những vũ khí trên đã tái khẳng định quyết tâm thúc đẩy sự “tự cường” và “đột phá toàn diện” để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Các vũ khí này là minh chứng cho thấy căng thẳng sẽ tiếp tục kéo dài trên bán đảo Hàn Quốc.

Hiện tại, Bình Nhưỡng có thể sẽ dồn lực nhằm cải thiện nền kinh tế trước Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021. Về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un thừa nhận thất bại kinh tế trong cuộc duyệt binh gần đây, Bắc Triều Tiên cần phải nhanh chóng đạt được một số thành tích để thể hiện tại Đại hội đảng sắp tới.


Trong cuộc họp của Bộ Chính trị đảng Lao động Bắc Triều Tiên đầu tháng 10, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã bất ngờ quyết định tiến hành “trận chiến kinh tế 80 ngày” nhằm vực dậy và hoàn thành các mục tiêu kinh tế trước Đại hội đảng dự kiến diễn ra vào năm sau. Theo đó, trong vòng 80 ngày, một số lượng lớn người dân miền Bắc sẽ được huy động đến làm việc tại nhiều công trường xây dựng kinh tế khác nhau. Người dân địa phương sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng chiến dịch tốn nhiều công sức này có thể sẽ không đạt được kết quả như kỳ vọng ban đầu là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện kế sinh nhai cho người dân.


Dù Bắc Triều Tiên tiến hành “trận chiến kinh tế 80 ngày” trên toàn quốc để tìm kiếm bước đột phá trong kinh tế, nhưng khó mà tạo ra được bất kỳ kết quả rõ ràng nào trước tháng 1 năm sau. Nếu quan hệ Mỹ-Triều vẫn chìm trong bế tắc và các lệnh trừng phạt lên miền Bắc vẫn tiếp diễn sau khi chính phủ mới của Mỹ ra mắt, Bình Nhưỡng sẽ khó hoàn thành mục tiêu tái thiết nền kinh tế. Chúng ta hãy cùng chờ xem Bắc Triều Tiên sẽ áp dụng chiến lược nào từ giờ cho đến Đại hội đảng tháng 1/2021.

Lựa chọn của ban biên tập