Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Hàn Quốc tăng 5 bậc về xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020

2020-06-20

Tin tức

ⓒYONHAP News

Bộ Kế hoạch và tài chính ngày 16/6 cho biết theo “Niên giám năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020” do Trung tâm năng lực cạnh tranh thế giới trực thuộc Viện phát triển quản lý quốc tế (IMD) của Thụy Sĩ phát hành, Hàn Quốc xếp 23 trong 63 nước được điều tra, tăng 5 bậc so với năm ngoái. Chính phủ phân tích sự thăng hạng này là do Hàn Quốc được IMD đánh giá tích cực về năng lực đối phó với khủng hoảng đại dịch COVID-19, và hạ tầng y tế.

 

Thứ hạng năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020

So với năm trước, Hàn Quốc tăng tới 5 bậc, mức thăng hạng cao nhất kể từ năm 2000, và thứ hạng cao thứ hai trong lịch sử sau vị trí 22 giai đoạn 2011-2013. Xét riêng 29 nước có trên 20 triệu dân, Hàn Quốc đứng thứ 8, tương đương thứ hạng cao kỷ lục năm 2012. Trong 7 nước thuộc “Câu lạc bộ 30-50”, tức những nước có thu nhập bình quân đầu người trên 30.000 USD và trên 50 triệu dân, thứ hạng của Hàn Quốc đứng thứ 4 sau Mỹ (thứ 10), Đức (thứ 17) và Anh (thứ 19). Sau Hàn Quốc là Pháp (thứ 32), Nhật Bản (thứ 34) và Ý (thứ 44). Thứ hạng năng lực cạnh tranh quốc gia theo xếp hạng của IMD được căn cứ theo 235 tiêu chí, chia làm 20 hạng mục thuộc 4 lĩnh vực là thành quả kinh tế, hiệu quả Chính phủ, hiệu quả kinh doanh, và hạ tầng.

 

Thành tích của Hàn Quốc

Trong 4 lĩnh vực đánh giá, Hàn Quốc đứng thứ 27 ở lĩnh vực thành quả kinh tế, tương tự năm ngoái. Ba lĩnh vực còn lại đều được thăng hạng. Ở lĩnh vực thành quả kinh tế, hạng mục kinh tế nội địa, thương mại quốc tế và vật giá đều thăng hạng, nhưng hạng mục tuyển dụng lại tụt hạng do đánh giá về tỷ lệ thất nghiệp và tỷ trọng tuyển dụng ở lĩnh vực Nhà nước giảm. Ở lĩnh vực hiệu quả Chính phủ, thứ hạng của Hàn Quốc tăng từ thứ 31 lên 28, do các hạng mục điều kiện chế độ, quy chế đối với doanh nghiệp, điều kiện xã hội được đánh giá tốt. Tuy nhiên, các hạng mục về tài chính, chính sách thuế lại tụt hạng. Cụ thể, chỉ số tài chính của Hàn Quốc rớt từ thứ 3 xuống thứ 13, tỷ lệ gia tăng nợ Chính phủ lao dốc từ vị trí 40 xuống 54. Nguyên nhân là do ảnh hưởng từ chính sách tài chính mở rộng của Chính phủ. Lĩnh vực hiệu quả kinh doanh tăng từ thứ 34 lên 28. Trong đó, hạng mục năng suất sản xuất và thị trường tài chính vẫn giữ nguyên thứ hạng, nhưng các hạng mục về thị trường lao động, hoạt động kinh doanh lại thăng hạng mạnh. Đặc biệt, hạng mục năng lực đối phó của người dân, khả năng hồi phục của doanh nghiệp thăng hạng tới hơn 10 bậc. Lĩnh vực hạ tầng tăng 4 bậc từ thứ 20 lên thứ 16 trong năm nay. Hạ tầng khoa học vẫn giữ nguyên vị trí thứ 3, nhưng các hạng mục về hạ tầng cơ bản, hạ tầng công nghệ, y tế và môi trường, giáo dục đều thăng hạng. Trong các hạng mục cụ thể, đánh giá về giáo dục dựa theo “Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” (PISA) vươn từ thứ 9 lên thứ 6. Mức độ hỗ trợ công nghệ mạo hiểm của khối Nhà nước và tư nhân vươn từ thứ 41 lên 29.

 

Ý nghĩa và bài toán đặt ra

Điều tra về năng lực cạnh tranh quốc gia nói trên được tiến hành từ tháng 2 đến tháng 4, thời điểm bùng phát dịch COVID-19, do đó phản ánh cả năng lực đối phó với đại dịch của các nước. Chính phủ phân tích năng lực đối phó với dịch bệnh của Hàn Quốc đã ảnh hưởng tích cực tới kết quả xếp hạng năm nay. Trong khi các cường quốc xung quanh như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều tụt hạng, chỉ duy nhất Hàn Quốc thăng hạng tới 5 bậc, cho thấy Seoul vẫn có thể phát huy năng lực cạnh tranh trong khi gồng mình khắc phục “di chứng” từ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thành quả kinh tế là một hạng mục đáng lo ngại do vẫn giậm chân tại chỗ về thứ hạng so với năm ngoái. Trên thực tế, kể từ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp trong nước - chủ thể đóng vai trò quan trọng trong thành quả kinh tế - đã rút gọn quy mô, giảm lợi nhuận kinh doanh, tăng tỷ lệ nợ. Do đó, bài toán cấp thiết nhất hiện nay là Chính phủ phải điều chỉnh hài hòa giữa chính sách và hoạt động của doanh nghiệp, từ đó duy trì và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Lựa chọn của ban biên tập