Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Lời ca tiếng hát trong đời sống thường nhật của người Hàn Quốc xưa và nay

#Âm điệu ngàn xưa l 2018-07-11

Âm điệu ngàn xưa


Câu hát của người chèo bè gỗ Ttetgun trên sông Hàn và người tiều phu tỉnh Gyengsang

Thường ngày thì chúng ta vẫn sống với tư duy “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” và bằng lòng với thu nhập của mình. Tuy vậy, cũng có lúc khi hầu bao quá eo hẹp, chúng ta cũng ước ao kiếm được thật nhiều tiền để tiêu pha thỏa thích. Người Hàn Quốc gọi việc kiếm được thật nhiều tiền là “Ttedon” và từ này có nguồn gốc khá thú vị. Thời xưa ở Hàn Quốc các đền đài lăng tẩm trong hoàng cung hay các dinh thự của giới quý tộc ở Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul) đều sử dụng loại gỗ to, chắc sinh trưởng ở vùng rừng cao núi sâu của tỉnh Gangwon. Chính vì vậy, việc vận chuyển chúng về tới kinh thành Hanyang không phải là việc đơn giản. May mắn là có con sông Hàn chảy qua kinh thành Hanyang và tỉnh Gangwon. Người ta đốn cây trong rừng, vận chuyển xuống núi rồi kết bè gọi là Ttetmok thả xuống sông cho xuôi dòng về kinh thành Hanyang. Những người chèo bè, gọi là Ttetgun, đưa gỗ về xuôi phải ăn ở mấy ngày liền trên bè, đôi khi phải đánh đổi cả tính mạng mới có thể đưa được bè gỗ cập bến. Đổi lại chỉ cần đưa được bè gỗ về đến kinh thành Hanyang thì họ sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Tiền này có tên gọi là Ttedon. Ngẫm mới thấy dù là thời xưa hay thời nay thì việc kiếm được nhiều tiền quả không dễ dàng. 


Khúc dân ca “Ttetmok Arari” (Giai điệu Arari bè gỗ) là khúc hát mà những người chèo bè Ttetgun thường ngâm nga để chống lại nỗi sợ hãi và sự cô đơn giữa bốn bề sông nước trên đoạn đường trường trở gỗ về kinh thành Hanyang. Chuyện kể rằng xưa kia ở hai bên bờ sông Hàn có nhiều tửu quán. Không ít người chèo bè Ttetgun đã nướng hết số tiền kiếm được trong những quán rượu này vì rượu, gái và cờ bạc. “Ttetmok Arari” (Giai điệu Arari bè gỗ) là những lời đôi co với người đàn bà bán rượu trong quán. Người xưa đã thật khéo léo mượn hơi men để than vãn về phận mình. Qua đây, chúng ta có thể phần nào hình dung được cuộc sống của những người chèo bè Ttetgun thuở đó. Tiếp nối chuyên mục phát thanh hôm nay, chúng ta sẽ cùng lắng nghe bài hát của những người tiều phu ở khu vực miền núi tỉnh Gyeongsang có tên gọi là Eosayong, hay còn gọi là Eosaei hoặc Chobuga. Thời xa xưa ở Hàn Quốc, tiều phu đa phần là những người đàn ông đã luống tuổi mà vẫn không lấy được vợ, thường là người ăn kẻ ở cho các gia đình quý tộc. Khúc hát Eosayong là những lời than vãn về thân phận hẩm hiu của cánh đàn ông ế vợ. Thế nên người ta truyền nhau rằng khúc hát này chỉ nên hát khi ở một mình và sẽ gây hại nếu để người khác nghe thấy. Câu hát trong lúc nghỉ xả hơi, lau đỡ mồ hôi sau một hồi đốn gỗ vất vả được đánh nhịp bằng chiếc gậy chống khi địu gánh gỗ nặng trên vai. Nó thấm đượm nỗi khổ của bách dân trong xã hội đương thời. 


Niềm đam mê ca múa của người dân Hàn Quốc

Khá nhiều người ở nước ngoài yêu thích chương trình tìm kiếm tài năng hát toàn quốc “Jeonguknoraejarang” được phát sóng vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Chương trình này bắt đầu được khởi chiếu từ năm 1980, tới nay đã được 38 năm, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc và cơ hội tham gia ca múa cho tất cả các tầng lớp, thế hệ ở mọi vùng miền của Hàn Quốc. Người Hàn Quốc ưa thích chương trình văn nghệ quần chúng toàn dân này lâu tới vậy có lẽ là vì bản chất yêu ca múa của dân tộc Hàn đã ăn sâu bén rễ từ xa xưa. Dù ở trên núi hay dưới sông, dù ở một mình hay cùng túm năm tụm bảy, dù vui hay buồn, lúc làm việc hay khi ngơi tay, câu ca tiếng hát luôn đồng hành với cuộc sống thường nhật của người Hàn Quốc. Một bát rượu gạo lên men Makgeolli làm ấm dạ thay cho cơm cháo, một câu hát vừa xua tan nỗi giận hờn, vừa tăng thêm phần phấn khích, những giai điệu dân ca của người Hàn Quốc xưa có thể coi như những trang sử thấm đượm cảnh đời của người dân đương thời.


* Khúc dân ca “Ttetmok Arari”(Giai điệu Arari bè gỗ) / Kim Sang-un
* Khúc hát của người tiều phu tỉnh Gyeongsang “Jige Eosayong” (Khúc hát cái gùi) / Shin Eui-geun 
* Khúc hát “Geomundo Baetnorae” (Khúc hát mạn thuyền) của đảo Geomun (tỉnh Nam Jeolla) / Jeong Gyeong-yong và nhóm phụ họa 

Lựa chọn của ban biên tập