Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Văn hóa

Cuộc đời và âm nhạc của người phụ nữ trên đảo Jeju

#Âm điệu ngàn xưa l 2020-08-26

Âm điệu ngàn xưa


Người phụ nữ trên đảo Jeju

Ở Hàn Quốc, đảo Jeju còn được gọi là Samdado (Tam đa đảo) vì có nhiều đá, nhiều gió và nhiều đàn bà. Ở các làng chài ven biển, chuyện đàn ông bỏ mạng vì nghề đánh bắt cá là khó tránh khỏi, nhưng tại sao đảo Jeju lại được đặc biệt nhấn mạnh là có nhiều phụ nữ? Phải chăng điều đó có nghĩa là đa phần những người hoạt động xã hội và kinh tế trên đảo là phụ nữ, khác hẳn với lục địa, nơi phụ nữ bị hạn chế hoạt động kinh tế thời xưa? Đến tận bây giờ ở đảo Jeju, những người phụ nữ vẫn tiếp tục đóng vai trò trụ cột kinh tế gia đình. Họ xuống biển mò lặn bắt hải sản đem bán lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình và việc học tập của con cái. Công việc này đã trở thành nếp sống truyền thống của phụ nữ trên đảo Jeju. Tại đây, những người phụ nữ làm nghề mò lặn hải sản dưới biển được gọi là Haenyeo (Hải nữ). Họ sống độc lập, không phụ thuộc vào ai nên tới giờ vẫn duy trì được nét văn hóa độc đáo, và được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nói đến dân ca đảo Jeju thì không thể không nhắc tới khúc ca Ieodosana. Đây chính là khúc ca những nữ thợ lặn Haenyeo hay hát khi chèo thuyền ra biển tìm hải sản. Dấn thân ra khơi là chạm trán với Tử thần luôn thường trực dưới đáy thuyền. Thường xuyên đối mặt với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, nhưng những người phụ nữ đảo Jeju vẫn luôn nhìn đời với con mắt lạc quan qua câu ca tiếng hát. Âm nhạc của các nữ thợ lặn Haenyeo đảo Jeju tới giờ vẫn được lưu truyền và biến tấu đa dạng. 


Nét độc đáo của âm nhạc truyền thống ở đảo Jeju

Dưới cái thời nam nữ thụ thụ bất thân, ở Hàn Quốc, mọi hoạt động của đàn ông và đàn bà trong xã hội đều tách biệt từ công việc đến vui chơi giải trí. Phụ nữ vùng Jeolla khi vui chơi thường vỗ trống nước Muljanggu và Hwalbanggu rồi cùng nhau hát khúc Dungdangae Taryeong. Trống nước Muljanggu được làm từ âu vỏ bầu Hamjibak, đổ đầy nước, úp một cái âu vỏ bầu khác lên trên. Nếu dùng tay vỗ lên vỏ bầu, nhạc cụ này sẽ phát ra âm thanh “Dung Dung”, còn nếu dùng que gõ thì âm thanh sẽ đanh hơn và có phần giống với âm thanh của trống phong yêu Janggu mặt gõ thanh gõ Chae. Còn để làm nhạc cụ Hwalbanggu, người ta dùng gáo bầu Bagaji úp vào bên trong âu bầu Hamjibak, rồi lấy dụng cụ bật bông là cái que căng dây giống hình cung tên gõ lên gáo bầu tạo âm thanh. Xưa kia ở Hàn Quốc, bật bông và may vá là công việc của phụ nữ. Lúc nghỉ ngơi, các dụng cụ lao động trong tay họ được sử dụng như nhạc cụ để ngân nga vài ba câu hát. Khúc hát “Dungdangae Taryeong” được đặt tên như vậy là do có đoạn điệp khúc “Dungdangaedeong Dungdangaedeong”. Đây chính là âm thanh phỏng theo nhạc cụ Muljanggu và Hwalbanggu. Nỗi oán trách cuộc sống làm dâu cực nhọc, mong muốn được ăn mặc chải chuốt nuột nà để rong chơi được các mẹ, các chị đưa vào từng câu hát, và khúc ca kết thúc bằng phần điệp khúc. Có lẽ sau một hồi cùng ca hát giãi bày, mọi nỗi nhọc nhằn oán trách sẽ tiêu tan và các mẹ, các chị lại quay về với cuộc sống thực tại. 

Làn điệu dân ca “Nanani Taryeong” mà các bà, các chị vùng Incheon thường hát là những lời than vãn về nỗi nhọc nhằn phận làm dâu của người đàn bà vùng ven biển. Sau trăm công nghìn việc gia đình, các mẹ, các chị lại mải miết cào ngao nhặt hến theo con nước, đem ra chợ bán để thêm thắt đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Không những vậy, các bà, các mẹ còn luôn đau đáu ngóng ra biển khơi, trong lòng cầu khấn cho trời quang mây tạnh, sóng gió thuận hòa để người chồng an toàn cập bến. Lời ca tiếng hát cũng làm vơi nỗi lo và sự nhọc nhằn cho họ. Khi hát “Nanani Taryeong”, họ cũng rộn ràng cùng tiếng trống nước Muljanggu và câu nói đế “Eolssigu! Eoi!”. Câu đầu tiên của ca khúc cũng ẩn chứa tình yêu thương, nỗi buồn biệt ly và nỗi nhọc nhằn của phận làm dâu nhà người. 


* Giai điệu dân ca Ieodosana của đảo Jeju / nhóm nhạc truyền thống nữ Soreum

* Khúc hát “Dungdangae Taryeong” của huyện Haenam tỉnh Nam Jeolla / cụ Park Gye-sin và các bô lão 

* Nhạc phẩm “Nanani Taryeong” của vùng Incheon / bà Cha Yeong-nyeo (người kế thừa văn hóa phi vật thể số 3 của vùng Incheon là các khúc hát mạn thuyền Baetnorae)

Lựa chọn của ban biên tập