Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tranh cãi xung quanh việc Hàn Quốc chưa phê chuẩn 4 Công ước trọng tâm của ILO

2019-05-23

Tin tức

Tranh cãi xung quanh việc Hàn Quốc chưa phê chuẩn 4 Công ước trọng tâm của ILO

Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố xúc tiến phê chuẩn 3 trong 4 Công ước trọng tâm của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà Seoul vẫn chưa thông qua gồm Công ước số 87 về “Tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức”, Công ước số 98 về “Quyền tổ chức và thương lượng tập thể” và Công ước số 29 về “Xóa bỏ lao động cưỡng bức”. 


Công ước số 105 

Một Công ước mà Hàn Quốc tạm thời kết luận không xúc tiến là Công ước số 105 với nội dung nghiêm cấm hành vi cưỡng bức lao động gồm các biện pháp xử phạt thể hiện quan điểm chính trị, huy động lao động để phát triển kinh tế, phương thức kỷ luật lao động, xử phạt người tham gia đình công, phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc và tôn giáo. Nếu thông qua Công ước này, hệ thống xử phạt hiện hành của Hàn Quốc buộc phải đổi từ hình thức phạt cải tạo lao động sang cải tạo không lao động. Ngoài ra, nội dung Công ước này có điều trái với Luật An ninh quốc gia. Do đó, Chính phủ Hàn Quốc cho biết trước mắt khó có thể xúc tiến thông qua Công ước số 105.


Công ước số 87 về “Tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức”

Trong ba Công ước được Seoul xúc tiến thông qua, Công ước số 87 về “Tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức” dự kiến gây nhiều tranh cãi nhất. Công ước này có nội dung đảm bảo việc tự thành lập và tham gia các tổ chức, tự do hoạt động và bầu người đại diện tổ chức. Nội dung tranh cãi lớn nhất là Điều 2 của Luật Lao động có thể sẽ được hiểu thành hạn chế người bị sa thải và người thất nghiệp tham gia vào công đoàn lao động. Điều khoản về cơ chế khai báo thành lập công đoàn lao động trong Luật Lao động và thông tư thi hành luật cũng là nội dung tranh cãi.

Trong đó, cơ chế thông báo đối với công đoàn lao động hoạt động ngoài khuôn khổ pháp luật cũng là vấn đề tranh luận chính liên quan tới Công ước số 87. Cơ chế này cho phép Chính phủ có thể quy kết những công đoàn lao động hoạt động ngoài pháp luật. Nếu bị chỉ định là công đoàn lao động hoạt động ngoài pháp luật, tổ chức đó sẽ mất tư cách là công đoàn lao động hợp pháp. Ví dụ điển hình là Công đoàn Liên đoàn giáo viên toàn quốc đã bị Bộ Tuyển dụng và lao động không công nhận là công đoàn hợp pháp vào cuối năm 2013 do tổ chức này kết nạp những giáo viên bị sa thải. Cùng với đó, Luật Công đoàn lao động công chức Nhà nước, giới hạn phạm vi thành lập công đoàn lao động đối với công chức Nhà nước tùy vào cấp bậc và chức vụ, cũng là một vấn đề tranh cãi. Hiện tại, có 32 trên tổng số 187 nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế, trong đó có Hàn Quốc và Mỹ, vẫn chưa thông qua Công ước số 87.


Công ước số 98 về “Tự do liên kết và bảo vệ quyền tổ chức”

Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế có nội dung trọng tâm là bảo vệ người lao động trong lúc đang thực hiện quyền liên kết, bảo vệ người lao động trước những hành vi chống công đoàn lao động, không can thiệp lẫn nhau giữa các công đoàn lao động, khuyến khích thương lượng tập thể một cách tự chủ. Điểm tranh cãi của Công ước này chính là điều khoản của Luật Lao động về cấm chi trả tiền lương và hành vi tranh chấp đòi tiền lương cho người đang đảm nhận công việc của công đoàn lao động trong công ty nhưng không làm việc tại công ty. Hiện tại, 21 quốc gia thành viên của ILO trong đó có Hàn Quốc chưa phê chuẩn Công ước số 97.


Công ước số 29 về “Lao động cưỡng bức”

Công ước số 29 có nội dung cấm lao động cưỡng bức, nghiêm cấm mọi hình thức lao động không tự nguyện do bị đe dọa, xử phạt. Công ước này chỉ loại trừ những công việc mang tính chất quân sự thuần túy căn cứ theo Luật nghĩa vụ quân sự. Hiện có 9 nước thành viên ILO chưa phê chuẩn Công ước này. Có một số quy định có thể mâu thuẫn với Công ước số 29 như chế độ nghĩa vụ thay thế, bao gồm cả trường hợp được đặc cách làm nhân viên phục vụ công ích, một hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng không thể xem toàn bộ quy định của chế độ này phạm vào Công ước, do Công ước số 29 có nội dung chính là cấm lao động cưỡng bức nhằm mục đích phát triển kinh tế.



Lựa chọn của ban biên tập