Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Nhật Bản xúc tiến đề cử mỏ Sado trở thành di sản thế giới

2022-01-29

Tin tức

ⓒYONHAP News

Nhật Bản được cho là đang xem xét đề cử mỏ Sado, nơi từng cưỡng ép lao động người Joseon (người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) trong thời chiến, trở thành di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Tuy nhiên, việc Tokyo có ý định loại bỏ lịch sử cưỡng ép lao động thời chiến tại di tích này nếu đề cử lên UNESCO đang làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các nước láng giềng, trong đó có Hàn Quốc.


Mỏ Sado

Mỏ Soda nằm ở đảo Sado, thành phố Sado, tỉnh Niigata. Nơi này từng phát hiện được mỏ vàng vào năm 1601. Vào thời kỳ hoàng kim nhất, sản lượng khai thác tại mỏ Sado mỗi năm đạt khoảng 440 kg vàng, và 400.000 tấn bạc. Mỏ Sado được khai thác dưới sự quản lý trực tiếp của Mạc Phủ, chính quyền tối cao thời kỳ Edo, từ đầu thế kỷ XVII tới giữa thế kỷ XIX, đóng vai trò là một nguồn ngân khố quốc gia quan trọng. Tới năm 1896, mỏ Sado được bán cho tư nhân, nhưng do lợi nhuận giảm nên việc khai thác vàng bị dừng lại. Sau khi chiến tranh Thái Bình Dương trong Thế chiến II nổ ra, nơi này tiếp tục được sử dụng như một mỏ khai thác vật tư cho chiến tranh như đồng, sắt, kẽm. Nhật Bản đã cưỡng ép huy động nhân lực để lao động khổ sai tại đây. Hiện tại, mỏ Sado được chỉ định là di tích lịch sử, trở thành một địa điểm du lịch. Tại khu mỏ này có tuyến du lịch tái hiện lại quang cảnh khai thác quặng trong một đoạn đường hầm dài 300m trên tổng chiều dài các đường hầm là 400 km, bố trí các bức tượng mô phỏng lao động khai thác quặng. Tại khu làng gần đó cũng có nhiều di tích đa dạng giúp khách thăm quan có thể hiểu được cuộc sống sinh hoạt thời kỳ đó.


Vấn đề đặt ra

Nhật Bản xúc tiến đề cử mỏ Sado trở thành di sản thế giới, nhưng chỉ giới hạn thời gian lịch sử là thời kỳ Edo, nêu bật giá trị rằng đây là nơi sản xuất ra vàng chất lượng cao với công nghệ độc đáo từ đầu thế kỷ XVII, một sự thật lịch sử không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một sự thật lịch sử khác không thể không nhắc tới, đó là việc nước này từng cưỡng ép lao động người Joseon làm việc tại mỏ trong thời kỳ chiến tranh Thái Bình Dương.

Năm ngoái, giáo sư danh dự Đại học Fukuoka Hirose Teizo trong một bài diễn thuyết trực tuyến liên quan tới vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến đã công bố kết quả nghiên cứu, trong đó phỏng đoán Nhật Bản từng huy động khoảng 2.300 người lao động Joseon làm việc tại mỏ Sado. Theo báo cáo này, từ tháng 2/1940 tới tháng 3/1942, số lao động người Joseon bị cưỡng ép làm việc tại mỏ Sado là 1.519 người. Dữ liệu từ tháng 4/1942 tới tháng 3/1944 bị thiếu, nhưng nếu dựa trên thời gian làm việc bình quân và xu hướng bố trí lao động mới, thì ước tính có khoảng 2.379 người Joseon đã bị cưỡng ép lao động tại đây. Đặc biệt, theo số liệu tháng 5/1943, có 709 lao động người Nhật và 584 lao động người Joseon làm việc tại mỏ Sado, tỷ lệ lao động người Joseon chiếm 45,2%. Trong đó, người Joseon được bố trí làm các công việc nguy hiểm trong đường hầm, như vận chuyển, đào đất đá. Sự phân biệt đối xử này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới một số vụ tranh chấp lao động.


Xúc tiến đề cử?

Nhật Bản đang làm điều tương tự như khi nước này xúc tiến công nhận di sản thế giới với đảo Quân hạm (đảo Hashima) vào năm 2015. Khi đó, Tokyo thiết lập thời gian lịch sử với đảo Quân hạm là cho tới trước năm 1910, nhằm “che đậy” sự thật về việc cưỡng ép lao động ở hòn đảo này trong thời chiến. Tuy nhiên, UNESCO đã khuyến nghị Nhật Bản phải có biện pháp để làm rõ được toàn bộ lịch sử của đảo Quân hạm. Nhật Bản đã chấp nhận khuyến nghị này, và đảo Quân hạm được công nhận là di sản thế giới. Nhưng sau đó, nước này đã không thực thi đúng cam kết.

Việc Tokyo xúc tiến đề cử mỏ Sado một lần nữa làm dấy lên tranh cãi từ hai nước Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Đài Phát thanh và truyền hình Nhật Bản (NHK) ngày 28/1 lại đưa tin Chính phủ Nhật Bản đã quyết định xúc tiến đề cử mỏ Sado lên UNESCO. Để được xét công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm sau, Tokyo sẽ phải chính thức đề cử di tích này lên UNESCO cho tới ngày 1/2.

Lựa chọn của ban biên tập