Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol trước Quốc hội

2022-05-21

Tin tức

ⓒYONHAP News 

Ngày 16/5, tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã lần đầu có bài phát biểu trước Quốc hội, đề nghị chính giới phối hợp để Quốc hội sớm thông qua dự thảo ngân sách bổ sung lần hai năm 2022 quy mô 59.400 tỷ won (46,88 tỷ USD), trong đó bao gồm khoản bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19 cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ và tiểu thương. Tổng thống cũng tuyên bố chính thức về việc tham gia vào sáng kiến “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương” (IPEF), một sáng kiến về an ninh kinh tế được Mỹ xúc tiến với mục đích kìm hãm Trung Quốc.


Nội dung bài phát biểu

Tổng thống Yoon nhấn mạnh nền kinh tế dân sinh đang rơi vào khủng hoảng, Nhà nước có trách nhiệm phải bù đắp cho giới tiểu thương bị thiệt hại vô cùng lớn trong quá trình phối hợp với Chính phủ phòng dịch COVID-19. Điều mà tân Tổng thống nhấn mạnh nhất trong bài phát biểu là sự hợp tác của chính giới. Ông Yoon đề nghị sự phối hợp của đảng đối lập trong quá trình thông qua dự thảo ngân sách bổ sung. Đặc biệt, ông dẫn ví dụ về Nội các liên minh giữa đảng Bảo thủ và đảng Lao động của Anh trong Thế chiến II. Theo tân Tổng thống, mặc dù giá trị chính trị mà mỗi đảng theo đuổi có thể khác nhau nhưng ở thời điểm hiện tại, Hàn Quốc rất cần tới sự hợp tác tương tự như giữa Thủ tướng Winston Churchill của đảng Bảo thủ và Phó Thủ tướng Clement Attlee của đảng Lao động Anh.


Ông Yoon chỉ ra rằng các điều kiện kinh tế trong và ngoài nước đều đang rất khó khăn, thêm vào đó là rủi ro về an ninh, như dấu hiệu chuẩn bị thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tình hình quốc tế ngày càng trở nên bất ổn. Tân Tổng thống tuyên bố chính thức về việc tham gia vào sáng kiến IPEF. Ngoài ra, Tổng thống cũng tái khẳng định về đường lối viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên đối phó với dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh về tính cấp thiết của bài toán cải cách lương hưu, lao động và giáo dục.


Ý nghĩa và triển vọng

Đúng như điều mà Tổng thống nhấn mạnh, Hàn Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng phức tạp gồm di chứng sau đại dịch COVID-19, cuộc cạnh tranh bá quyền Mỹ-Trung, tình trạng lạm phát cao toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, miền Bắc liên tục thị uy sức mạnh quân sự, và hàng loạt các bài toán cải cách trong nước cần phải giải quyết.


Lần này, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã có bài phát biểu trước Quốc hội chỉ 6 ngày sau khi nhậm chức, sớm nhất trong tất cả các Tổng thống tiền nhiệm kể từ sau năm 1987. Bài phát biểu của ông Yoon dài khoảng 15 phút, bằng một nửa so với phát biểu của người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Moon Jae-in. Trong bài phát biểu ngắn này, ông Yoon 10 lần đề cập tới từ “kinh tế”, 9 lần đề cập tới từ “khủng hoảng” và 5 lần nhắc tới từ “hợp tác”. Điều này cho thấy tân Tổng thống nhận thức tình hình hiện nay đang rất nghiêm trọng, khẩn thiết đề nghị sự hợp tác của đảng đối lập.


Bất chấp lời đề nghị của Tổng thống, tình hình chính giới Hàn Quốc lại đang đi theo một chiều hướng khác. Mặc dù các đảng đều có chung nhận định về những nguy cơ trong và ngoài nước, vấn đề cải cách lương hưu, lao động và giáo dục, viện trợ nhân đạo cho Bắc Triều Tiên, ổn định dân sinh; nhưng thay vì thảo luận, chính giới lại chỉ rơi vào tranh cãi và đối đầu. Đảng đối lập Dân chủ đồng hành đang công kích tân Tổng thống về vấn đề bổ nhiệm nhân sự cấp Bộ trưởng. Trong khi đó, phe cầm quyền vẫn quyết định bổ nhiệm những nhân sự mà phe đối lập phản đối, yêu cầu đảng đối lập dừng cản trở công tác điều hành quốc gia của Chính phủ mới. Cho tới nay, Quốc hội vẫn chưa thông qua báo cáo điều trần với ứng cử viên Thủ tướng, nên Nội các Chính phủ mới vẫn chưa được hoàn thiện. Cả đảng đối lập và đảng cầm quyền đều không có bên nào chịu nhượng bộ.


Thái độ này của chính giới được phân tích là do cuộc bầu cử địa phương 1/6 đang tới gần. Đảng đối lập lo ngại sẽ bị đẩy xa khỏi công tác điều hành quốc gia nếu mất đi quyền lực địa phương trong cuộc bầu cử lần này, nối tiếp thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Trong khi đó, đảng cầm quyền lo sợ nếu thất bại sẽ khiến phe cầm quyền bị lao đao bởi đảng đối lập trong suốt nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol.


Tuy nhiên, chỉ có đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân mới có thể phá vỡ tình hình hiện nay. Chính giới đều đang đồng tình về việc thực hiện một nền chính trị thỏa hiệp, hợp tác. Trong thời điểm quan trọng này, tân Tổng thống và đảng cầm quyền cần phát huy được năng lực chính trị bao trùm.

Lựa chọn của ban biên tập