Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Kỷ niệm một năm Tuyên bố chung Bình Nhưỡng

2019-09-19

Vì một bán đảo thống nhất

© YONHAP News

Tròn một năm kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un ký tuyên bố chung tại Bình Nhưỡng, còn gọi là Tuyên bố chung 19/9. Vào ngày 19/9/2018, hai nhà lãnh đạo đã bắt tay nhau, thống nhất phi hạt nhân hóa hoàn toàn và cam kết chấm dứt các hành động thù địch. Cho dù quan hệ liên Triều năm nay vẫn đang trong tình trạng bế tắc, song nhiều dấu hiệu gần đây về việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều, khiến sự chú ý đang đổ dồn vào việc liệu bầu không khí tích cực đó có giúp phá vỡ bế tắc trong quan hệ hai miền Nam-Bắc hay không. Hôm nay, hãy cũng tìm hiểu về triển vọng của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều, cũng như tác động của nó đến quan hệ liên Triều, qua phần phân tích của ông Jeong Young-tae, Giám đốc Viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên.

 

Tuyên bố chung Bình Nhưỡng không chỉ bao gồm các nguyên tắc mơ hồ, mà cả các vấn đề hòa bình cụ thể sẽ được thực thi. Ví dụ như hai miền Nam-Bắc đã thông qua một thỏa thuận quân sự để thực hiện Tuyên bố Bàn Môn Điếm và nhất trí kích hoạt một Ủy ban quân sự chung liên Triều. Hai bên cũng cam kết tiến hành kết nối đường sắt và đường bộ xuyên biên giới, khôi phục hoạt động khu công nghiệp Gaesung và dự án du lịch núi Geumgang. Ngoài ra, Tuyên bố chung cũng thống nhất giải quyết vấn đề gia đình ly tán và thúc đẩy trao đổi xuyên biên giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Quan trọng hơn, Tuyên bố chung cam kết kiềm chế căng thẳng quân sự trên bán đảo Hàn Quốc và cùng tiến bước trên con đường mới, hướng tới hòa bình, vượt qua sự chia rẽ.

 

Vào khoảng thời gian này năm ngoái, bầu không khí hy vọng tràn ngập bán đảo Hàn Quốc. Trong Hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra trong hai ngày 18 và 19/9/2018 tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim đã nhất trí loại bỏ nguy cơ chiến tranh trên toàn bán đảo, cam kết xóa bỏ thù địch quân sự vốn tồn tại từ Hiệp định đình chiến chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), để viết nên một trang sử mới. Tuyên bố chung bao gồm các thỏa thuận trong 5 lĩnh vực, song chỉ một số ít các nội dung đã được thực thi.

 

Một tháng sau Tuyên bố chung Bình Nhưỡng, hai miền Nam-Bắc đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm cấp cao để thảo luận về hợp tác kết nối đường sắt và đường bộ, lâm nghiệp, y tế và thể thao. Hai bên đã thu xếp lịch trình cho các cuộc đàm phán bổ sung ở từng khu vực để hiện thực hóa Tuyên bố. Một số cuộc họp cấp tiểu ban cũng như lễ khởi công kết nối và hiện đại hóa tuyến đường sắt, đường bộ đã diễn ra trên thực tế. Tuy nhiên, đối thoại song phương đã bị đình trệ kể từ cuộc họp về hợp tác thể thao vào tháng 12 năm ngoái.

 

Trong một nỗ lực hiện thực hóa thỏa thuận quân sự liên Triều 19/9 về chấm dứt thù địch quân sự cả trên đất liền, trên không và trên biển, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng xung quanh Đường phân giới quân sự liên Triều. Tuy nhiên, dự án kết nối đường sắt và đường bộ bị tạm ngưng sau lễ khởi công. Cũng chưa có tiến triển rõ rệt nào trong các dự án nhân đạo, như công tác khai quật chung hài cốt liệt sĩ ở Khu phi quân sự liên Triều hay chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán do chiến tranh. Rõ ràng, khi các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ-Triều lâm vào bế tắc, các hoạt động hợp tác trao đổi liên Triều cũng bị đình trệ theo.

 

Tôi nghĩ rằng thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội đã gây bất lợi cho việc cải thiện quan hệ liên Triều. Bắc Triều Tiên có lẽ đã có ý định thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Mỹ không tiến triển như mong muốn, cũng ít nhiều kìm hãm tiến trình cải thiện quan hệ liên Triều. Giới phân tích cho rằng chính quyền Kim Jong-un đang khá cảnh giác với việc mở cửa với Hàn Quốc thông qua trao đổi song phương, vì lo ngại điều này có thể uy hiếp an ninh quốc gia. Miền Bắc có thể chủ ý gây căng thẳng quân sự để tăng cường đoàn kết nội bộ và cải thiện quan hệ với Mỹ theo ý đồ của mình.

 

Bắc Triều Tiên đã khá thờ ơ với Hàn Quốc có lẽ vì không hài lòng về việc không thể tự mình dẫn dắt mối quan hệ liên Triều trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế khắc nghiệt vẫn tồn tại. Đặc biệt, kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội thất bại hồi tháng 2 năm nay, Bình Nhưỡng đã từ chối đối thoại với Seoul và tập trung vào phát triển vũ khí. Bắc Triều Tiên đã phóng các tên lửa tầm ngắn hơn 10 lần trong năm nay, song đồng thời vẫn thể hiện mong muốn đàm phán trực tiếp với Mỹ.

 

Tôi cho rằng miền Bắc nhận thấy điều quan trọng nhất là phải cải thiện mối quan hệ với Mỹ, trước khi giải quyết bất kỳ vấn đề khu vực nào. Chướng ngại vật lớn nhất trên hành trình này chính là liên minh Hàn-Mỹ và lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Chính vì lẽ đó, mục tiêu cuối cùng của Bắc Triều Tiên là quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. Nhưng đồng thời, Bình Nhưỡng phải tập trung vào cải thiện quan hệ với Washington để giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế đang ngày càng gia tăng. Đó là lý do tại sao miền Bắc đặt ưu tiên vào việc cải thiện quan hệ với Mỹ tại thời điểm hiện nay.

 

Sau thất bại của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, Bắc Triều Tiên đã đưa ra những lời lẽ đầy cứng rắn nhằm vào Hàn Quốc, và cực lực lên án cuộc tập trận quân sự chung Hàn-Mỹ. Tuy vậy, miền Bắc vẫn cố gắng giữ đà đối thoại với Mỹ. Về phần mình, Washington đã liên tục bày tỏ hy vọng sẽ sớm có cuộc hội đàm với Bình Nhưỡng.

Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ-Triều đang có dấu hiệu hồi sinh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang chuẩn bị sẵn sàng để hỗ trợ cho tiến trình đối thoại này. Tổng thống Moon phát biểu hôm 16/9 rằng Hàn Quốc sẽ thực hiện mọi việc cần thiết để thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều. Theo kế hoạch, Tổng thống Moon sẽ đến Mỹ vào tuần tới để tham dự khóa họp 74 Đại hội đồng Liên hợp quốc và họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giờ đây, sự chú ý đang đổ dồn vào việc liệu Tổng thống Hàn Quốc có thể tiếp tục giữ vai trò trung gian của mình trong đối thoại Mỹ-Triều hay không.

 

Hàn Quốc tin rằng quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện thì quan hệ liên Triều cũng sẽ khởi sắc. Chính vì lẽ đó, Seoul rất quyết tâm hỗ trợ thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều. Tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sắp tới, Tổng thống Moon dự kiến sẽ nhấn mạnh việc cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều nhằm giảm bớt căng thẳng và đảm bảo hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, nên đối thoại Mỹ-Triều cần được nối lại càng sớm càng tốt.

 

Một năm sau Tuyên bố chung Bình Nhưỡng 19/9, hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc chắc hẳn đã nhận ra hành trình phi hạt nhân hóa khó khăn và chông gai đến thế nào. Quan hệ liên Triều vốn luôn song hành với các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều. Bởi vậy, cần phải chờ xem Tổng thống Hàn Quốc có thể đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy đàm phán Mỹ-Triều, để tạo ra những thành quả thiết thực hơn trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập