Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đến chính sách Bắc Triều Tiên của Washington

2020-10-29

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Ngày 20/10, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng cầm quyền Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên đảng đối lập Dân chủ Joe Biden đã có một phiên tranh luận cuối cùng trên truyền hình trước thềm bầu cử Tổng thống 3/11 tới. Tại đây, hai ứng cử viên đã có màn tranh luận sôi nổi về chính sách Bắc Triều Tiên của Washington. Hàn Quốc đang rất chú ý đến kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bởi lo ngại sẽ ảnh hưởng tới tình thế trên bán đảo Hàn Quốc. Sau đây, nhà bình luận chính trị Choi Young-il sẽ giải thích về phương hướng chính sách đối với Bắc Triều Tiên của từng ứng cử viên.


Khác với buổi tranh luận đầu tiên, lần này chính sách đối với Bắc Triều Tiên đã trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Ông Trump nhấn mạnh rằng chính quyền cựu Tổng thống Obama đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến miền Bắc và ông đã ngăn chặn nguy cơ chiến tranh giữa hai nước nhờ ba lần trực tiếp gặp gỡ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden gọi ông Kim là “kẻ bạo lực” và chỉ trích ông Trump đã "hợp pháp hóa" Bắc Triều Tiên. Mặc dù vậy, Joe Biden vẫn khẳng định sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un với điều kiện Bình Nhưỡng đồng ý cắt giảm năng lực hạt nhân.


Nhằm điều kiện cho việc phi hạt nhân hóa miền Bắc, Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ tiếp tục chính sách ôn hòa với Bắc Triều Tiên. Ngược lại, ông Biden dự kiến sẽ thực hiện chính sách “cây gậy và củ cà rốt”, chiến lược hứa hẹn lợi ích đi kèm với răn đe. Ngoài cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và bất ngờ tại Bàn Môn Điếm, ông Trump đã hai lần hội đàm thượng đỉnh với ông Kim Jong-un, cũng như thường xuyên trao đổi thư từ với nhà lãnh đạo miền Bắc. Tổng thống Trump cũng coi việc Bắc Triều Tiên dừng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) là thành tựu ngoại giao quan trọng của mình. Với cam kết sẽ giải quyết vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng trong cuộc bầu cử lần này, chính quyền Tổng thống Donald Trump rất có khả năng sẽ xúc tiến tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ ba nếu tái đắc cử.


Nếu Tổng thống Donald Trump thắng cử, nhiều khả năng ông sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ thứ hai nhằm gây áp lực lớn hơn lên miền Bắc để đẩy nhanh quá trình phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, ông Trump có thể sẽ thúc đẩy tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên hoặc xúc tiến ký hiệp ước hòa bình thông qua các cuộc trao đổi thư tay hoặc các cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Kim Jong-un. Bình Nhưỡng cũng sẽ hoan nghênh chiến thắng của ông Trump, vì đây có thể là cột mốc xúc tiến quan hệ song phương Mỹ-Triều theo chính sách ngoại giao từ trên xuống.


Trong khi đó, nếu ứng cử viên Joe Biden có khả năng sẽ kế thừa chính sách của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và tăng cường các biện pháp trừng phạt lên Bắc Triều Tiên. Ông Biden chỉ trích Tổng thống Trump vì đã để miền Bắc chế tạo nhiều vũ khí và tên lửa hơn mà không đưa ra đối sách gì. Theo đó, ứng cử viên Joe Biden có thể sẽ áp dụng chính sách thù địch với miền Bắc. Tuy nhiên, do tình hình hiện đã thay đổi, ông Biden có thể sẽ buộc Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán bằng cách để Trung Quốc và Nga gây sức ép lên nước này, thay vì áp dụng “chiến lược kiên nhẫn” của chính quyền cựu Tổng thống Obama. Dù vậy, Chính phủ Biden sẽ không xúc tiến hội đàm với Bắc Triều Tiên khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.


Tuy phương thức khác nhau, cả Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden đều có cùng mục tiêu là phi hạt nhân hóa và thiết lập quan hệ hòa bình với Bắc Triều Tiên. Không áp dụng cách tiếp cận từ trên xuống của Tổng thống Trump, ông Biden cho biết sẽ gặp ông Kim Jong-un với điều kiện ông Kim đồng ý thúc đẩy phi hạt nhân hóa miền Bắc. Tuy nhiên, để có được điều này thì hai nước Mỹ-Triều trải qua các cuộc tiếp xúc gay gắt hơn ở cấp chuyên viên. Trong quá trình này, vai trò hòa giải của Hàn Quốc là rất quan trọng. Nếu đắc cử, ông Biden cũng có thể sẽ áp dụng một chiến lược mới kết hợp tinh tế phong cách của cựu Tổng thống Obama và Tổng thống Trump.


Chính phủ Hàn Quốc đang tập trung dự đoán, phân tích kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vì nó có thể ảnh hưởng đến vai trò làm “đầu tàu” trong các vấn đề trên bán đảo Hàn Quốc mà Tổng thống Moon Jae-in đang theo đuổi.

Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, đây sẽ là một bước tiến tích cực cho chính quyền Tổng thống Moon Jae-in, vốn ủng hộ chính sách Bắc Triều Tiên. Ngược lại, chính sách tiếp cận “từ dưới lên” bằng các cuộc đàm phán cấp chuyên viên của ứng cử viên Joe Biden có thể đi ngược kế hoạch của Tổng thống Moon trong việc xúc tiến tổ chức các cuộc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều và liên Triều trong tương lai.

Tuy nhiên, trrong trường hợp ứng cử viên Biden đắc cử, Mỹ và Hàn Quốc sẽ một lần nữa có điểm chung là đều được dẫn dắt bởi đảng cầm quyền Dân chủ, như thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng khá ăn ý nhau trong các chính sách với miền Bắc. Do đó, đây cũng có thể là một tin tốt đối với Hàn Quốc, vì dự thảo nghị quyết về tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên của Quốc hội Mỹ được hầu hết các nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ.


Tổng thống Donald Trump từng cam kết đặt ưu tiên hàng đầu cho việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên nếu ông tái đắc cử. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực giúp chính quyền Trump cải thiện quan hệ Mỹ-Triều trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, Chính phủ Seoul có thể sẽ trải qua một sự thay đổi chính sách lớn nếu ứng cử viên Biden thắng cử.

Trong lịch sử, quan hệ Hàn-Mỹ rất khăng khít dưới thời các Tổng thống của đảng Dân chủ. Ví dụ, dưới sự ủng hộ của chính quyền Clinton tại Mỹ, chính quyền cựu Tổng thống Kim Dae-jung khi đó đã xúc tiến thành công “Chính sách Ánh dương” với chủ trương hòa giải với Bắc Triều Tiên. Tương tự, Chính phủ Mỹ do ông Biden đứng đầu được cho là sẽ có định hướng tương tự chính sách của đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành tại Hàn Quốc. Trên thực tế, liên minh Hàn-Mỹ thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn bởi Tổng thống Trump thường xuyên gây sức ép yêu cầu đồng minh Hàn Quốc chi trả nhiều hơn chi phí quân sự cho quân đội Mỹ đồn trú. Do đó, nếu ứng cử viên Joe Biden đắc cử, vấn đề này được dự đoán có thể sẽ được cải thiện hơn.


Trong khi đó, Bắc Triều Tiên vẫn giữ thái độ bàng quang về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với tuyên bố bên nào thắng không quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán nếu ông Trump tái đắc cử, miền Bắc sẽ tích cực thúc đẩy các cuộc trao đổi thư từ cấp thượng đỉnh và một Hội nghị thượng đỉnh song phương khác. Mặt khác, nếu ông Biden lên nắm quyền, Bình Nhưỡng có thể sẽ cố gắng cải thiện quan hệ liên Triều để tạo đòn bẩy cho các cuộc đàm phán với Mỹ. Nếu phương pháp này không hiệu quả, Bắc Triều Tiên có thể dùng đến các hành động khiêu khích vũ trang để nâng cao khả năng thương lượng của mình.


Nếu ông Trump tái đắc cử, Chủ tịch Kim Jong-un có thể sẽ gửi thư và thậm chí là một phái đoàn tới Mỹ để chúc mừng, tạo nên không khí đối thoại tự nhiên giữa hai nước. Mặt khác, nếu ông Biden lên làm Tổng thống, Bình Nhưỡng có thể sẽ tiết chế lại vì sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên, đồng thời khôi phục lòng tin và đảm bảo với Washington về cam kết phi hạt nhân hóa. Nếu quan hệ song phương trở nên căng thẳng, Bắc Triều Tiên có thể sẽ thực hiện các động thái khiêu khích quân sự và Mỹ sẽ không bỏ qua.


Không quá lời khi nói rằng tương lai các cuộc đàm phán Mỹ-Triều phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tuần tới. Cho dù người đắc cử là ai, điều quan trọng là chính quyền Seoul phải củng cố hơn nữa liên minh Hàn-Mỹ và thiết lập hệ thống hợp tác an ninh giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản, nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa miền Bắc. Hàn Quốc cũng cần hợp tác với Chính phủ mới của Mỹ để đưa ra các chính sách Bắc Triều Tiên hiệu quả của riêng mình.

Lựa chọn của ban biên tập