Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên dự kiến nới lỏng phong tỏa biên giới

2021-03-11

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Việc đóng cửa biên giới kéo dài hơn một năm qua nhằm ngăn chặn virus COVID-19 lây lan vào trong nước đã khiến nền kinh tế Bắc Triều Tiên đi xuống. Trao đổi thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của miền Bắc, đã bị phong tỏa hoàn toàn và hàng viện trợ quốc tế không qua được biên giới cũng khiến tình hình trong nước càng thêm nghiêm trọng. Sau đây, tiến sĩ Oh Gyeong-seob đến từ Viện nghiên cứu thống nhất Hàn Quốc sẽ cho chúng ta biết chi tiết về các động thái nới lỏng phong tỏa biên giới của Bắc Triều Tiên.

 

Một số quan chức ngoại giao cư trú tại Bắc Triều Tiên cho biết người dân rất khó mua được nhu yếu phẩm hàng ngày và bị thiếu điện trầm trọng do biên giới đóng cửa. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), do hết vắc-xin bại liệt từ năm ngoái, tỷ lệ tiêm chủng tại miền Bắc dự báo sẽ giảm mạnh. Trong bối cảnh biên giới Trung-Triều bị đóng cửa trong thời gian dài, thương mại song phương đi xuống và việc nhập khẩu nguyên liệu thô cùng các nhu yếu phẩm trở nên khó khăn. Việc này làm gián đoạn hoạt động của nhà máy và suy giảm sinh kế của người dân. Thống kê cho thấy thương mại Trung-Triều đã giảm 80,7%, từ 2,7 tỷ USD vào năm 2019 xuống còn 539 triệu USD vào năm ngoái. Nói cách khác, nền kinh tế miền Bắc đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng kể từ khi biên giới đóng cửa.

 

Sau hơn một năm phong tỏa, Bắc Triều Tiên đã có dấu hiệu nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt từ tháng này. Vào ngày 3/3, cuộc họp toàn thể Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao miền Bắc khóa XIV đã nhất trí thông qua Luật khử trùng hàng nhập khẩu.

 

Luật khử trùng hàng nhập khẩu quy định tất cả hàng hóa nhập khẩu phải được phun thuốc khử trùng kỹ lưỡng và đưa ra biện pháp xử lý nghiêm những người vi phạm nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập vào Bắc Triều Tiên. Đây cũng là một biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu một cách hợp pháp và có hệ thống của Bình Nhưỡng, qua đó tăng cường nhập khẩu hàng hóa để cải thiện nền kinh tế trong nước. Trong bối cảnh trao đổi thương mại trực tiếp mặt đối mặt gặp khó khăn, miền Bắc có thể sẽ mở rộng tăng cường trao đổi hàng hóa qua xuất nhập khẩu.

 

Một điểm gây được nhiều sự chú ý nhất trong cuộc họp toàn thể Ủy ban thường vụ Hội đồng nhân dân tối cao vừa qua là “Kế hoạch tổng thể về xây dựng ở khu vực ven biển phía Đông”. Tuy thông tin chi tiết không được tiết lộ, song được biết bản kế hoạch bao gồm việc phát triển du lịch ở khu vực ven biển phía Đông, nơi tập trung các điểm du lịch chính của Bắc Triều Tiên. Gần đây, giải Marathon quốc tế Bình Nhưỡng 2021 đã bị hủy bỏ, tuy nhiên Koryo Tours, một công ty lữ hành chuyên về du lịch miền Bắc có trụ sở tại Bắc Kinh vẫn chào bán các gói tour đến Bắc Triều Tiên vào tháng 7, khiến một số người dự đoán Bình Nhưỡng có thể sẽ mở lại biên giới vào khoảng thời gian này. Việc Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục bán các gói tour bất chấp tình hình bất ổn cho thấy nước này rất quan tâm đến du lịch và muốn giải quyết những khó khăn kinh tế bằng cách thúc đẩy kinh doanh ngành du lịch, vốn là phương tiện hợp pháp duy nhất thu về ngoại tệ khi các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế vẫn được áp dụng.

Vào ngày 2/3, Hội đồng cung cấp vắc-xin quốc tế (COVAX Facility) cho biết sẽ phân bổ khoảng 1,7 triệu liều vắc-xin AstraZeneca (Anh) cho Bắc Triều Tiên từ tháng 2 đến tháng 5 năm nay. Nhiều người thắc mắc liệu miền Bắc có mở lại biên giới để nhận vắc-xin hay không. Một số ý kiến cho rằng tiêm chủng là bước đầu trong kế hoạch nới lỏng các lệnh đóng cửa biên giới của Bình Nhưỡng.

 

Bắc Triều Tiên sẽ được cung cấp 1.704.000 liều vắc-xin AstraZeneca, đủ để tiêm chủng cho khoảng 852 nghìn người, tương đương 3% tổng dân số miền Bắc, theo chỉ tiêu mỗi người dân hai liều. Vắc-xin có thể sẽ được tiêm cho các quan chức cấp cao của đảng, Chính phủ và quân đội trước tiên. Tôi không cho rằng việc tiêm phòng sẽ góp phần nới lỏng các lệnh phong tỏa biên giới, vì cần ít nhất 70% dân số được tiêm vắc-xin để biên giới có thể mở cửa.

 

Trong khi đó, chính quyền thành phố Đồng Xuyên thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc gần đây đã đưa tin về chuyến thăm nước này của ông Shin Yong-nam, Chủ tịch một doanh nghiệp Nhà nước chuyên về dầu thô thuộc Bộ Công nghiệp hóa chất Bắc Triều Tiên. Báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, cho biết ông Shin là một quan chức yêu nước đã góp công lớn cho sự phát triển độc lập của công nghệ sơn acrylic tại Bắc Triều Tiên. Chuyến thăm hiếm hoi đến Trung Quốc của Chủ tịch một công ty quốc doanh miền Bắc đã cho thấy kế hoạch chuẩn bị nối lại thương mại Trung-Triều của nước này.

 

Có thông tin phái đoàn của Bắc Triều Tiên do ông Shin Yong-nam dẫn đầu đã đến thăm các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, một nhà sản xuất xi măng và một hãng sản xuất gốm sứ ở Trung Quốc. Tôi nghĩ chuyến thăm này liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế của miền Bắc, vốn cần một lượng lớn vật liệu xây dựng. Chuyến thăm diễn ra trong thời gian biên giới hai nước đóng cửa, phản ánh việc Bắc Triều Tiên có ý định cải thiện nền kinh tế thông qua hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung Quốc. Theo tôi, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Bắc Kinh giúp đỡ trong việc nhập khẩu vật liệu xây dựng và công nghệ. Song song với việc đẩy mạnh kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu, miền Bắc có thể sẽ tăng dần lượng nguyên liệu thô và nhu yếu phẩm hàng ngày nhập khẩu từ Trung Quốc.

 

Mặt khác, Bắc Triều Tiên đã bổ nhiệm chuyên gia kinh tế Ri Ryong-nam làm tân Đại sứ tại Trung Quốc vào tháng trước, thể hiện mong muốn hợp tác kinh tế với nước này. Thêm vào đó, chuyến thăm Trung Quốc của một quan chức cấp cao miền Bắc làm tăng thêm triển vọng về việc hai nước sẽ sớm nối lại hợp tác kinh tế.

 

Hiện tại, nền kinh tế Bắc Triều Tiên đang ở trong tình trạng rất khó khăn. Bình Nhưỡng cần thiết phải tăng dần lượng nhập khẩu các nguyên liệu thô và nhu yếu phẩm hàng ngày, mặc dù có thể sẽ không ngay lập tức nối lại hoạt động trao đổi thương mại tư nhân. Cây cầu bắc qua sông Amnok (Áp Lục), nối phía Nam thành phố Sinuiju của miền Bắc với thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã bị đình chỉ xây dựng từ lâu lại có thông tin đang trong quá trình chuẩn bị khánh thành. Nếu được khai thông, cây cầu chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy thương mại song phương. Việc nối lại các hoạt động thương mại sẽ giúp Bắc Triều Tiên tránh được tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, để nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế đang làm suy kiệt nền kinh tế trong nước, Bình Nhưỡng cần thể hiện thái độ thiện chí hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington.

 

Trước khả năng Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị mở cửa biên giới trở lại, một số ý kiến cho rằng các cuộc đàm phán liên Triều và Mỹ-Triều đang bị đình trệ sẽ sớm được thúc đẩy. Chúng ta hãy cùng chờ xem các động thái của miền Bắc có thể ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động ngoại giao liên quan đến bán đảo Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập