Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Chế độ khiếu nại ở Bắc Triều Tiên

2021-11-11

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Bắc Triều Tiên có chế độ khiếu nại (chế độ sinso) cho phép người dân lên tiếng khi quyền lợi bị xâm phạm bởi các hành vi vi phạm của cơ quan hoặc cán bộ Nhà nước. Chế độ này được coi là phiên bản hiện đại của miền Bắc thay cho việc đánh trống kêu oan dưới triều đại Joseon ngày xưa. Sau đây, nhà nghiên cứu Hong Min đến từ Phòng nghiên cứu Bắc Triều Tiên thuộc Viện nghiên cứu thống nhất sẽ cho chúng ta biết chi tiết về chế độ này của Bắc Triều Tiên.

 

Chế độ khiếu nại cho phép người dân miền Bắc gửi đơn kiến nghị lên các đơn vị liên quan hoặc các quan chức cụ thể khi bị xâm phạm quyền lợi, hay khi nhận được các yêu cầu vô lý hoặc phải chịu uất ức do các hành vi bất chính của cán bộ trong cơ quan, tổ chức hoặc đảng Lao động mà khó có thể giải quyết nội bộ. Về nguyên tắc, chế độ này đảm bảo giấu kín danh tính người khiếu nại, đồng thời xử lý nhanh chóng và minh bạch nội dung khiếu nại. Tuy nhiên, khác với mục đích ban đầu, chế độ khiếu nại của Bắc Triều Tiên theo thời gian đã bị biến tướng thành một hình thức lợi dụng quyền lực để trục lợi cá nhân hoặc cho mục đích thống trị.

 

Tại cuộc họp Bộ Chính trị Ủy ban trung ương đảng Lao động vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã nghiêm khắc chỉ trích các cán bộ, một điều hiếm thấy trước đây. Thời điểm đó, truyền thông nước này đưa tin cuộc họp đã diễn ra với mục đích thảo luận nhằm nhổ tận gốc các hành vi phi xã hội chủ nghĩa sau sự kiện phạm tội nghiêm trọng của đảng ủy Đại học y Bình Nhưỡng khi không xử lý đơn khiếu nại của phụ huynh của một nữ sinh viên tự sát vì bị hãm hiếp bởi 4 nam sinh viên cùng trường. Quá uất ức, cha mẹ nữ sinh này đã khiếu nại lên cơ quan các cấp cao hơn nhưng cũng không được giải quyết nên đã tiếp tục gửi đơn lên Ủy ban trung ương đảng Lao động. Cuối cùng vụ việc đã được báo cáo lên Chủ tịch Kim Jong-un, và khoảng 60 cán bộ liên quan đến vụ việc đã bị giáng chức.

Vụ việc trên đã được nhắc lại tại Đại hội đảng Lao động Bắc Triều Tiên lần thứ 8 vào tháng 1 năm nay nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của chế độ khiếu nại. Bên cạnh đó, Chủ tịch Kim Jong-un còn ra lệnh cho Ủy ban trung ương đảng phải trực tiếp giám sát quản lý và cho thành lập Ban điều tra quy luật để giải quyết hiệu quả các khiếu nại.

 

Vụ việc tại Đại học y Bình Nhưỡng có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị đối với người dân Bắc Triều Tiên. Nếu vụ án bị ém nhẹm, người dân sẽ cho rằng Nhà nước áp dụng “nền chính trị chủ nghĩa nhân dân là trên hết” nhưng lại để những cán bộ đầy quyền lực “đè đầu cưỡi cổ” người dân. Tuy nhiên, động thái xử lý nghiêm minh của Chủ tịch Kim Jong-un đã cho thấy nhân dân là chủ nhân đất nước và quan chức làm sai thì sẽ phải trả giá. Hiểu được sự quan trọng của chế độ khiếu nại về mặt chính trị, ông Kim đã kêu gọi các quan chức củng cố chế độ này không chỉ về mặt hình thức mà còn trên thực tế, đặc biệt không được phớt lờ tình trạng lộng quyền, chủ nghĩa quan liêu và hiện tượng con ông cháu cha, đồng thời tuyên bố sẽ nhổ tận gốc tư tưởng đặc quyền và tuyên chiến với các hành vi bất chính.

 

Trước khi Luật khiếu nại được Bắc Triều Tiên ban hành vào năm 1998, Hiến pháp ban hành năm 1948 của nước này cũng quy định rằng công dân có quyền gửi kiến nghị và khiếu nại đến các cơ quan quyền lực Nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ của nhân viên Nhà nước và có quyền được bồi thường cho những tổn thất do hành vi đó gây ra.

 

Vào những năm đầu khi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành mới thành lập chính quyền, sách và tài liệu chính thức của Bắc Triều Tiên chủ yếu tập trung vào những thành tựu của cố Chủ tịch Kim nhằm lấy được sự ủng hộ của người dân đối với Chính phủ và để tăng cường đoàn kết nội bộ. Với ý nghĩa nhà lãnh đạo luôn lắng nghe tiếng nói của nhân dân, chế độ khiếu nại đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cai trị, đồng thời giúp củng cố an ninh quốc gia khi chỉ ra những đối tượng thân Nhật hay có hành vi gián điệp. Nếu có khiếu nại phát hiện ra những đối tượng này, Nhà nước sẽ tập trung điều tra và thanh trừng tận gốc. Vào thời kỳ này, chế độ khiếu nại đã trở thành phương tiện quan trọng để cố Chủ tịch Kim Nhật Thành củng cố quyền lực. Chính sách này đã được người kế nhiệm là cố Chủ tịch Kim Jong-il tiếp thu, sau đó trở thành căn cứ trên danh nghĩa của các cuộc thanh trừng lớn.

 

Tuy nhiên, trên thực tế chế độ khiếu nại của Bắc Triều Tiên không hoạt động hiệu quả như dự kiến do quá trình xử lý cầu kỳ và phức tạp. Hầu hết các khiếu nại đều không được giải quyết hợp lý nên không có nhiều người dân khiếu nại khi gặp phải hành vi bất chính.

 

Theo nguyên tắc, một khi có khiếu nại, cơ quan Nhà nước phải vào cuộc điều tra và trừng phạt những người liên quan tùy theo kết quả điều tra, có thể là cách chức hoặc trục xuất. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân đã chọn không khiếu nại vì lo sợ hậu quả hoặc không đến trình diện vì sợ hãi. Các đơn khiếu nại tại miền Bắc cũng không được xử lý đúng theo các quy tắc. Ví dụ, bản khiếu nại về một đơn vị có thể bị phớt lờ và không được chuyển lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn, thay vào đó, người khiếu nại lại có thể bị tạo áp lực và chịu thiệt hại. Do đó, có thể thấy đây là một chế độ không hiệu quả.

 

Truyền thông miền Bắc gần đây nhấn mạnh Chủ tịch Kim Jong-un là trung tâm của thể chế một nhà lãnh đạo, đồng thời cho rằng năm 2021 sẽ là năm tỏa sáng nhất trong 10 năm cầm quyền của ông Kim. Có phân tích cho rằng chế độ khiếu nại đóng vai trò nhấn mạnh “nền chính trị chủ nghĩa nhân dân là trên hết” và cũng là trọng tâm trong chính sách lãnh đạo của Chủ tịch Kim. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu chế độ này phát huy hiệu quả đến đâu trong việc tăng cường đoàn kết nội bộ bằng cách thu phục lòng dân và giải quyết các hành vi bất chính.

 

Trước bối cảnh lòng dân sẽ nguội lạnh nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục lún sâu vào khó khăn, Chủ tịch Kim Jong-un cần đưa ra các chính sách vì lợi ích của nhân dân. Vì vậy, ông Kim đã tăng cường củng cố chế độ khiếu nại để tránh các trường hợp gây oán hận trong nhân dân, cũng như trực tiếp lắng nghe tiếng nói của người dân, trong đó có đảng viên, thay vì áp dụng chính sách thống trị dựa vào quân đội như trước đây. Tuy chế độ khiếu nại có ý nghĩa bổ trợ cho nền thống trị tập trung vào đảng Lao động, miền Bắc sẽ khó có thể giải quyết toàn bộ các vấn đề nếu chỉ áp dụng chế độ này mà không thực hiện chủ nghĩa pháp trị và tôn trọng quyền con người về mặt pháp lý và văn hóa. Nếu miền Bắc không cải tổ triệt để về văn hóa chính trị, chế độ khiếu nại sẽ khó có thể đứng vững trên nền tảng dân chủ và nhân quyền.

 

Như mọi năm, năm nay nghị quyết về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên lại một lần nữa được đệ trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, bày tỏ quan ngại sâu sắc về những hành vi vi phạm nhân quyền liên tiếp của miền Bắc và dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực tới việc viện trợ nhân đạo cho nước này. Bộ Ngoại giao Bắc Triều Tiên chỉ trích nghị quyết là một âm mưu thù địch và nhấn mạnh “nền chính trị chủ nghĩa nhân dân là trên hết” tại nước này. Thiết nghĩ, tương tự chế độ khiếu nại, miền Bắc cũng nên lắng nghe những quan ngại của quốc tế về tình hình nhân quyền nước này.

Lựa chọn của ban biên tập