Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Con người

Giám đốc Bảo tàng tư liệu mỹ thuật Kim Dal-jin – cuốn từ điển sống về mỹ thuật

2017-01-10

“Kết thúc công việc tại Mỹ, tôi ghé thăm nước Ý, Roma và Pari cùng vợ chồng Wan. Đến Ý và được nhìn ngắm lại những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, một lần nữa khiến tôi thêm cảm phục tài năng thiên phú của hai họa sĩ Michelangelo và Leonardo de Vinci. Hai nhà hội họa thiên tài cùng quá trình nỗ lực không mệt mỏi của họ khiến tôi thêm hổ thẹn với trời đất. Trời mưa lất phất, khung cảnh hiu quạnh càng khiến kẻ lang thang thêm u sầu”

Đó là nội dung tấm bưu thiếp mà họa sĩ Kim Ki-chang, hiệu Unbo (Vân Phủ) gửi vợ chồng họa sĩ Shim Kyung-ja trong chuyến du lịch châu Âu vào năm 1979. Nội dung thể hiện sự khiêm nhường của danh họa Hàn Quốc khi được ngắm nhìn những kiệt tác của các danh họa nổi tiếng châu Âu và tự ngẫm lại chính mình.
Giờ đây, công chúng có dịp được chiêm ngưỡng bản gốc tấm bưu thiếp này tại Bảo tàng tư liệu mỹ thuật Kim Dal-jin, được thành lập vào năm 2008. Triển lãm mang tên “Con đường nghệ thuật: Họa sĩ và những tài liệu lưu trữ” không chỉ trưng bày tấm bưu thiếp của họa sĩ Kim Ki-chang, mà còn giới thiệu đến khách tham quan các tài liệu về những câu chuyện chưa bao giờ được kể của các danh họa nổi tiếng như thư, ảnh, bài tùy bút, thư mời dự triển lãm mỹ thuật, tờ truyền đơn, bản lý lịch viết tay, hay danh sách khách dự triển lãm của các họa sĩ cận hiện đại nổi tiếng của Hàn Quốc. Nhà quản lý tổ chức triển lãm Lee Sun-ryeong của Bảo tàng tư liệu mỹ thuật cho biết: “Chúng tôi chủ yếu trưng bày các tác phẩm từ những năm 1940 đến 1970. Khách tham quan không những được chiêm ngưỡng tác phẩm của các họa sĩ hiện đại nổi tiếng của Hàn Quốc như Lee U-fan, Kim Whan-ki mà còn có cơ hội được nhìn thấy những trang nhật ký, bản thảo, những bức thư do chính tay họ viết.”



Các tài liệu trưng bày bao gồm cả thư mời đến dự lễ truy điệu tưởng niệm một tháng sau khi họa sĩ Lee Jung-seop mất, do họa sĩ Kim Whan-ki và nhà thơ Kim Kwang-gyun làm chủ lễ. Nửa thế kỷ trôi qua, những trang giấy ấy nay đã trở thành những chứng tích quan trọng về cuộc đời của những họa sĩ vang bóng một thời. Nhìn ngắm từng trang tài liệu trưng bày tại triển lãm, khách tham quan không khỏi thốt lên đầy thán phục. Họ chia sẻ: “Tôi từng nghĩ công chúng chỉ có thể tiếp cận các họa sĩ thông qua các tác phẩm hội họa. Thật thú vị khi những khán giả như chúng tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về những họa sĩ mà mình yêu mến qua những tài liệu tưởng như vô giá trị.” “Những tài liệu trưng bày tại triển lãm không đơn thuần chỉ có những tờ bướm, tờ truyền đơn, mà còn có bằng khen của các họa sĩ. Việc thu thập và bảo quản những tài liệu này là không hề dễ dàng và việc đem chúng ra trưng bày tại triển lãm đã cho khách tham quan một cơ hội hiếm có được ngắm nhìn những tác phẩm hội họa cũng như tài liệu ghi chép quý giá. Đặc biệt, tôi có thể cảm nhận được những tâm tư tình cảm của tác giả qua bức thư họ viết hay khám phá thêm nhiều điều mới qua những tấm thiệp mời.”

Đam mê sưu tập ảnh mỹ thuật
Người lên kế hoạch triển lãm, trưng bày những tài liệu vô giá ấy chính là Giám đốc Bảo tàng tư liệu mỹ thuật Kim Dal-jin. Ông Kim Dal-jin được ví như kho tài liệu sống của giới mỹ thuật, người đã lục tìm khắp các phòng tranh trên cả nước để thu thập những tư liệu về mỹ thuật cận hiện đại của Hàn Quốc trong suốt 46 năm qua. Ông cũng là người đã cho ra mắt tạp chí mỹ thuật và dành nhiều năm nghiên cứu về giới họa sĩ Hàn Quốc. Với niềm yêu thích hội họa, ông thu lượm các tài liệu mỹ thuật, gom những bài báo liên quan, và tới thăm các phòng tranh ở khắp mọi nơi để thu thập, lưu giữ, phân tích các tài liệu về mỹ thuật. Kim Dal-jin được gọi là kho tài liệu sống, là tài sản văn hóa vô giá của giới hội họa. Nhà báo chuyên về lĩnh vực mỹ thuật Jo Mu-hwa cho biết: “Với tôi, Giám đốc bảo tàng Kim Dal-jin được coi như một bảo vật của quốc gia. Ông trân trọng và lưu giữ từng mẩu báo của tận năm, sáu năm về trước và tập hợp chúng lại thành một triển lãm như bây giờ. Ông là tài sản văn hóa, là nhân chứng sống của sử liệu mỹ thuật và là người luôn nỗ lực bền bỉ vì sự phát triển của nền mỹ thuật Hàn Quốc cũng như của tư liệu mỹ thuật Hàn Quốc.”

Giám đốc Bảo tàng tư liệu mỹ thuật Kim Dal-jin thích thu thập tài liệu mỹ thuật từ những năm còn là học sinh cấp hai. Với sở thích sưu tầm cả những thứ đơn giản trong đời sống hàng ngày, ông còn thu thập vỏ cao su, vỏ hộp thuốc lá, tem, áp phích phim điện ảnh, cho đến một ngày, một bức họa nổi tiếng được giới thiệu trên tạp chí phụ nữ đập vào mắt ông. Ông nói: “Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy các bức tranh gốc của họa sĩ người Pháp Jean-François Millet tại các trung tâm nghệ thuật, nhưng khoảng 40 năm về trước, điều đó là không thể. Công nghệ in ấn thời đó chưa phát triển nên những bản in màu cũng rất hiếm. Tất cả thường chỉ là những bản in đen trắng. Một ngày, tôi tình cờ nhìn thấy tranh màu trên tờ tạp chí dành cho phụ nữ có tên gọi Đời sống nội trợ. Đó là bức tranh nàng Mona Lisa của Leonardo de Vinci cùng các tác phẩm của Renoir và Picasso. Tôi mừng rỡ và lập tức lấy kéo cắt chúng để giữ lại. Kể từ đó, tôi chủ yếu cắt và thu thập tranh của các họa sĩ phương Tây.”

Ông Kim Dal-jin mua tạp chí chỉ vì muốn có được bức tranh in trong đó. Ông đã có lúc dốc hết số tiền dành dụm được trong suốt một thời gian dài để mua bằng được một cuốn sách mỹ thuật. Trong quá trình sưu tầm các bức họa nổi tiếng, ông biết nhiều hơn về các nhà hội họa cũng như dòng chảy lịch sử của mỹ thuật phương Tây. Ông sắp xếp các bức tranh theo giai đoạn rồi đem dán lại thành một cuốn album. Ông Kim Dal-jin tâm sự: “Tôi đem những bức tranh sưu tầm được phân chia theo thời kỳ như thời Phục Hưng thế kỷ XV-XVI, nghệ thuật Baroque, Rococo thế kỷ XVIII, trường phái ấn tượng thế kỷ XIX và trường phái dã thú, trường phái biểu hiện của thế kỷ XX, rồi đem dán vào 10 cuốn khác nhau. Thông qua 10 album sưu tầm đó, tôi có thể chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh về lịch sử mỹ thuật phương Tây.”

Mải mê với mỹ thuật phương Tây, bước sang những năm học cấp ba, Kim Dal-jin bắt đầu hứng thú với nền mỹ thuật cận đại Hàn Quốc sau khi tới xem triển lãm “60 năm mỹ thuật cận đại Hàn Quốc” được tổ chức tại Bảo tàng mỹ thuật đương đại quốc gia, khi đó còn nằm bên trong cung Gyeongbok (Cảnh Phúc). Ông Kim Dal-jin chia sẻ: “Đó là triển lãm do Chính phủ đứng ra tổ chức, giới thiệu đến công chúng các tác phẩm mỹ thuật thời cận đại từ năm 1900 đến năm 1960, khắc họa nỗi đau của người dân trong thời kỳ đế quốc Nhật chiếm đóng bán đảo Hàn Quốc và chiến tranh Triều Tiên. Tại triển lãm này, tôi cảm nhận được sự vĩ đại của nền mỹ thuật nước nhà, được tìm hiểu tài liệu về các danh họa như Park Soo-keun, Lee Jung-seop. Tôi được biết rằng còn rất nhiều các họa sĩ khác cũng đã có đóng góp cho nền mỹ thuật quốc gia nhưng những tài liệu về họ không còn nhiều. Vì thế, bên cạnh tài liệu về các họa sĩ nổi tiếng, tôi quyết tâm sưu tầm tài liệu về cả các tác giả mỹ thuật thời kỳ cận hiện đại của Hàn Quốc. Tôi chủ yếu tập trung tìm kiếm ở các phòng tranh tại phường Insa và gần suối Cheonggye.”

Cống hiến trọn đời cho đam mê hội họa
Mở rộng phạm vi sưu tầm từ mỹ thuật phương Tây đến mỹ thuật Hàn Quốc, chàng thanh niên Kim Dal-jin nuôi mơ ước được làm công việc liên quan đến hội họa. Kim Dal-jin khi đó đã gửi thư đến những người làm trong ngành mỹ thuật là chủ phòng tranh, họa sĩ hay nhà phê bình mỹ thuật với nội dung giới thiệu về bản thân là nhà sưu tầm tư liệu mỹ thuật, cùng mong ước được làm công việc này suốt đời. Trong vô vàn những bức thư ông gửi đi, ông nhận được thư trả lời của ông Lee Kyung-sung, khi đó là Giám đốc Bảo tàng Đại học Hongik. Kim Dal-jin mang 10 cuốn album ảnh của mình tìm đến ông Lee Kyung-sung. Ông Kim Dal-jin chia sẻ: “Tôi tìm đến bảo tàng của trường Đại học Hongik trong sự hồi hộp. Tôi cúi chào Giám đốc Lee Kyung-sung và giở 10 cuốn album trước mặt ông. Sau khi nhìn thấy chúng, ông thốt lên đầy ngạc nhiên rằng không ngờ một học sinh cấp ba lại có niềm đam mê tìm hiểu lịch sử mỹ thuật phương Tây và sưu tầm một lượng lớn tác phẩm của tất cả các họa sĩ từ thời kỳ Phục Hưng đến trường phái trừu tượng của thế kỷ XX. Có lẽ ông ấy đã cảm nhận được sự nhiệt huyết trong tôi và nói rằng những bản in tranh là tài liệu quan trọng để tìm hiểu về mỹ thuật phương Tây.”



“Cậu đã làm được việc lớn”, câu nói ấy đã tiếp thêm dũng khí cho ông Kim Dal-jin, người đã mạnh dạn tìm đến giám đốc tờ nguyệt san “Giới triển lãm”, chuyên đăng các nội dung liên quan đến triển lãm mỹ thuật. Ông Kim Dal-jin kể lại: “Tôi bày tỏ nguyện vọng được làm việc tại tòa soạn và được giám đốc chấp thuận. Tôi đến các triển lãm để lấy tin và đăng bài dài kỳ giới thiệu về những tác phẩm của các họa sĩ quá cố. Đến năm 1980, tôi được bổ nhiệm chức vụ Tổng biên tập và có cơ hội học hỏi thêm về ngành tạp chí.”

Với vai trò là nhân viên của tạp chí mỹ thuật, ông Kim Dal-jin có cơ hội đến thăm các phòng tranh và gặp gỡ nhiều họa sĩ. Đáng tiếc là sau hai năm, ông phải từ bỏ công việc này do tạp chí ngừng xuất bản. Với Kim Dal-jin, đó luôn là quãng thời gian quý giá giúp ông hiểu hơn về quá trình ra đời của một cuốn tạp chí.

Miệt mài tìm kiếm, tổng hợp những nguồn tư liệu quý giá
Trong lúc tưởng như phải từ bỏ tất cả, ông nghe tin Giám đốc bảo tàng trường Đại học Hongik Lee Kyung-sung được bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng đương đại quốc gia. Ông tìm đến giáo sư và trở thành nhân viên làm thêm ăn lương theo ngày tại bảo tàng. Công việc của ông Kim Dal-jin tại Bảo tàng mỹ thuật đương đại quốc gia là thu thập tài liệu về mỹ thuật. Cứ mỗi thứ Sáu hàng tuần, ông lại xách túi đến phường Insa, phường Sagan và phường Dongsung (quận Jongno), nơi tập trung các phòng trưng bày tranh, và được mọi người quý mến đặt cho biệt danh “Người đàn ông thứ Sáu”. Ông tâm sự: “Mỗi lần đến phòng tranh thu thập tài liệu, tôi thường mang theo hai chiếc túi để đựng. Tôi không chỉ sắp xếp tài liệu mà còn viết bài về mỹ thuật. Tôi viết rất nhiều, ví dụ như giới thiệu về 60 cuộc thi hội họa của Hàn Quốc, sự ra đời của các giải thưởng mỹ thuật tại Hàn Quốc, thời điểm mỹ thuật Hàn Quốc lấn sân ra quốc tế, hay thời gian Hàn Quốc bắt đầu tham gia triển lãm Biennale quốc tế. Một số lượng lớn bài viết của tôi từ năm 1980 đến năm 1990 có đăng trên các tờ báo hay được sử dụng làm tài liệu tham khảo và trích dẫn.”

Trong hơn 10 năm dồn sức thu thập, chỉnh lý và phân tích tài liệu, đã có lúc cổ ông mọc khối u do quá trình mang vác đống tài liệu nặng trong suốt thời gian dài. Dù vậy, ông vẫn quyết không từ bỏ công việc mình yêu thích. Bản thân ông hiểu rõ hơn ai hết rằng một trang giấy cũng là ghi chép quý giá, và nhiều ghi chép gộp lại sẽ tạo nên lịch sử. Sau 15 năm công tác tại Bảo tàng mỹ thuật đương đại quốc gia, ông chuyển sang đảm nhận vị trí trưởng phòng tư liệu của Trung tâm nghệ thuật Gana, và trở thành chuyên gia tư liệu mỹ thuật trong suốt năm năm liền. Đến năm 2001, ông thành lập Viện nghiên cứu mỹ thuật Kim Dal-jin, sau đó xuất bản nguyệt san Cẩm nang nghệ thuật Seoul vào năm 2002, chuyên tổng hợp các triển lãm mỹ thuật. Ông cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn để đưa ấn phẩm của mình trở thành tạp chí được phát hành 30.000 cuốn mỗi tháng. Ông cho biết: “Do phải thu lợi nhuận từ quảng cáo để có thể duy trì tạp chí, tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu xuất bản cuốn nguyệt san. Sau khoảng ba, bốn năm, tờ tạp chí của chúng tôi trở thành một thị trường mới tiềm năng do không có nhiều người khai thác. Nhiều họa sĩ cần quảng bá tên tuổi khi tổ chức triển lãm nhưng số họa sĩ được chọn để đăng tin trên các tờ báo phát hành hàng ngày lại chỉ là con số nhỏ. Tôi chớp thời cơ khai thác thị trường này và xuất bản cuốn cẩm nang mỹ thuật bỏ túi dễ dàng mang theo người. Dần dần, chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng quảng cáo.”

Thành quả đó là sự đền đáp cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông Kim Dal-jin. Con người dễ nản chí trước khó khăn, trở ngại, nhưng cuốn từ điển của ông Kim Dal-jin không bao giờ có từ bỏ cuộc. Nhà quản lý tổ chức triển lãm Lee Sun-ryeong của Bảo tàng tư liệu mỹ thuật nói: “Giám đốc Kim Dal-jin không hề biết mệt mỏi trong công việc. Tôi ngưỡng mộ ông bởi lòng nhiệt huyết và sự chân thành. Cho đến bây giờ, ông vẫn ngày đêm miệt mài thu thập và sắp xếp tài liệu. Nhiều họa sĩ thời chiến hoặc sống trong thời kỳ nhiều biến động lịch sử nay chỉ còn được biết đến qua một số ít tác phẩm còn sót lại, qua những tài liệu mà ông Kim Dal-jin thu thập được, được người đời ghi nhớ rõ hơn.”

Bức tranh lịch sử mỹ thuật từ những mảnh ghép
Nhờ kho tài liệu của ông Kim Dal-jin, danh mục những họa sĩ nổi tiếng đầu tiên của Hàn Quốc đã được xuất bản năm 2010. Đây là cuốn sách đầu tiên tổng hợp lý lịch của 4.900 họa sĩ Hàn Quốc ra đời sau năm 1850. Ông Kim Dal-jin vẫn liên tục cập nhật danh sách sau khi sách được xuất bản và hiện 7.800 họa sĩ đã được cập nhật thông tin trên trang web Daljin.com. Anh Kim Jung-hyun, nhân viên Bảo tàng tư liệu mỹ thuật, cho biết: “Giám đốc Kim Dal-jin không chỉ có thế mạnh thu thập tài liệu đơn thuần mà còn có tài quản lý, lưu giữ và tận dụng tối đa các tài liệu đó. Những tài liệu ông thu thập đã trở thành căn cứ để giải quyết các vụ sao chép tranh hay những tranh cãi về lịch sử mỹ thuật gần đây. Qua đó, tôi càng cảm nhận được tầm quan trọng của công việc mà ông đang làm.”

Với tâm niệm “Ghi chép ngày hôm nay sẽ trở thành lịch sử của ngày mai”, trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, ông Kim Dal-jin vẫn luôn không ngừng tìm đến các phòng trưng bày, thu thập những tờ truyền đơn, thư mời, vé dự triển lãm và những tờ áp phích, với mong muốn kể cho công chúng sau này những câu chuyện thú vị về lịch sử mỹ thuật Hàn Quốc. Ông cho biết: “Một tờ áp phích cũng có thể chứa đầy đủ mọi thông tin về tác phẩm tiêu biểu của một tác giả trong triển lãm nào đó, hay thông tin về giá vé, đơn vị tổ chức. Tôi không đặt ra mục tiêu nhất định nào để thực hiện, chỉ đơn giản cảm nhận được tầm quan trọng của các tư liệu trong quá trình tìm kiếm, thu thập tài liệu.”

Lựa chọn của ban biên tập