Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

1. Thảm họa chìm tàu Sewol, hồi chuông cảnh báo vấn đề an toàn tại Hàn Quốc

2014-12-23

1. Thảm họa chìm tàu Sewol, hồi chuông cảnh báo vấn đề an toàn tại Hàn Quốc
Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 16/4/2014, tàu khách mang tên Sewol trọng tải 6.825 tấn xuất phát từ cảng Incheon đang trên đường đến đảo Jeju đã bị lệch trọng tâm gây mất cân bằng và chìm dần tại vùng biển gần đảo Byeongpung, huyện Jindo, tỉnh Nam Jeolla.

Trên chiếc tàu định mệnh có tất cả 476 người gồm 325 học sinh trường phổ thông trung học Danwon ở thành phố Ansan (tỉnh Gyeonggi) đang trong chuyến du lịch thực tế, các hành khách khác và thủy thủ đoàn. Ngay khi tai nạn xảy ra đã có 172 người được cứu sống. Tính đến ngày 11/11, khi Chính phủ tuyên bố kết thúc công tác tìm kiếm nạn nhân, có tổng cộng 295 nạn nhân thiệt mạng đã tìm được xác, còn 9 người vẫn chưa được tìm thấy.

Thông qua các cuộc điều tra, nguyên nhân tai nạn được xác định là do tàu bị cơi nới quá mức, chở quá tải, hàng hóa và xe cộ trong các khoang hàng không được giữ cố định chắc chắn, lượng nước dằn tàu bị thiếu, ngoài ra là do người điều khiển bánh lái tàu khi đó thiếu kinh nghiệm đã có hành động bẻ lái đột ngột. Bên cạnh đó, thuyền trưởng đã không ra hiệu lệnh rời tàu đúng lúc khiến hầu hết hành khách ngồi chờ trong khoang đã không kịp thoát ra ngoài. Cuối cùng, công tác cứu hộ của các lực lượng chức năng đã không nhanh chóng, khẩn trương và hậu quả khiến thiệt hại về người của tai nạn này lại càng trầm trọng.

Dù đã thành lập các trung tâm chỉ huy cứu nạn tại các bộ phận khác nhau, nhưng Chính phủ Hàn Quốc vẫn thất bại trong đối phó sớm, để sau đó Bộ chỉ huy cứu trợ và phòng chống tai nạn quốc gia mới đứng ra chỉ huy quá trình cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân.

Viện Kiểm sát đã tiến hành điều tra công ty điều hành tàu khách Sewol là công ty vận tải biển Chonghaejin cũng như chủ sở hữu tàu là cựu Chủ tịch tập đoàn Semo Yoo Byung-eon và gia đình ông này, phát hiện các hành vi phi pháp như biển thủ số tiền lớn. Trong đó, trên đường trốn chạy sự truy lùng của các lực lượng chức năng, ông Yoo Byung-eon được phát hiện đã chết tại một vùng nông thôn thuộc thành phố Suncheon (tỉnh Nam Jeolla). Thi thể được tìm thấy vào ngày 12/6 nhưng phải hơn một tháng sau đó, đến ngày 22/7, cơ quan chức năng mới xác định được đây đúng là xác chủ tàu Sewol. Ngoài ra, tất cả những người có liên quan trực tiếp và gián tiếp đến thảm họa này gồm thuyền trưởng, các thuyền viên trên tàu, lãnh đạo và nhân viên công ty vận tải biển Chonghaejin, con cái ông Yoo và những người thân cận với ông, những công chức Nhà nước có hành động thông đồng, câu kết với những người nói trên đều đã bị khởi tố.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố sẽ xây dựng một đất nước Hàn Quốc an toàn bằng việc đưa ra các biện pháp quyết liệt như giải thể lực lượng cảnh sát biển. Theo đó, Luật sửa đổi bộ máy chính phủ đã được thông qua với nội dung thành lập Cơ quan an toàn quốc dân với người đứng đầu là cấp Bộ trưởng, trực thuộc Văn phòng Thủ tướng, đảm trách bao quát các chức năng của lực lượng cảnh sát biển và Cơ quan quản lý khẩn cấp quốc gia (NEMA) trước đó. Bên cạnh đó, Luật xử lý hành vi che giấu tài sản phi pháp cũng đã được Quốc hội thông qua và được chính thức ban hành.

Trong thời gian sau khi thảm họa chìm tàu Sewol xảy ra, Quốc hội Hàn Quốc đã có 150 ngày với mọi hoạt động bị tê liệt do các nghị sĩ hai phe cầm quyền và đối lập đối đầu căng thẳng. Cùng lúc đó, trong bầu không khí tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa này, dư luận trong nước cũng chia làm nhiều luồng ý kiến, trong đó một số quan điểm cho rằng những yêu cầu mà phía gia đình các nạn nhân đưa ra có phần quá mức. Bầu không khí tang thương ngay sau tai nạn đã khiến tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc đóng băng và tiến trình hồi phục kinh tế chững lại.

Đến ngày 18/11 vừa qua, cùng với việc Bộ chỉ huy cứu trợ và phòng chống tai nạn quốc gia chính thức giải thể, công việc còn lại liên quan đến thảm họa này là điều tra của nhóm công tố viên đặc biệt.

Lựa chọn của ban biên tập