Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

4. Ngoại giao thời Tổng thống Park Geun-hye

2014-12-23

4. Ngoại giao thời Tổng thống Park Geun-hye
Nối tiếp 37 cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2013, năm đầu nhiệm kỳ Tổng thống, đến năm 2014, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nâng tổng số cuộc gặp với nguyên thủ các nước lên 70. Riêng trong năm thứ hai này của nhiệm kỳ, Tổng thống Park đã sáu lần công du nước ngoài, thăm chính thức 14 nước.

Chuyến đi đầu tiên của bà Park là từ ngày 15/1 đến ngày 22/1, khi đó bà đã lần lượt thăm các nước Ấn Độ và Thụy Sĩ, tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 tại Davos (Thụy Sĩ).

Tiếp đó, Tổng thống Hàn Quốc đã thăm Hà Lan và Đức trong tháng 3, tham dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở Hague (Hà Lan) và nhóm họp với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề sự kiện này. Những hoạt động này của bà Park đều tập trung xoay quanh vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên và thống nhất bán đảo Hàn Quốc. Đặc biệt, trong chuyến thăm thành phố Dresden ở Đức, Tổng thống Park Geun-hye đã đưa ra Sáng kiến Dresden, chính là Sáng kiến thống nhất hòa bình đán đảo Hàn Quốc, với ba nội dung là giải quyết vấn đề nhân đạo, thịnh vượng chung và khôi phục lại tính đồng nhất của hai miền Nam-Bắc để cùng xây dựng nền tảng thống nhất một cách hòa bình.

Trong hai ngày 20 và 21/5, bà Park Geun-hye đã có chuyến thăm ngắn đến Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, dự lễ lắp đặt lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân số 1 theo mô hình Hàn Quốc do tổ hợp các công ty Hàn Quốc mà Tổng công ty điện lực (KEPCO) đứng đầu thực hiện. Tổng thống đã hội đàm thượng đỉnh với Thái tử Mohammed bin Zayed Al Nahyan về hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực như công nghiệp, quốc phòng, an ninh, y tế phúc lợi và giáo dục. Chuyến đi này được đánh giá là thành công ngoại giao của Seoul trong lĩnh vực nhà máy điện hạt nhân.

Tiếp đó, ngày 16/6, bà Park đã lên đường đi thăm ba quốc gia Trung Á là Uzbekistan, Kazakhstan và Turkmenistan với lịch trình sáu ngày năm đêm. Chuyến đi này đã mở ra con đường để các doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập thị trường Trung Á, không chỉ về tài nguyên mà còn sang cả các lĩnh vực đường sắt, nhà ở, môi trường, công nghiệp quốc phòng, công nghệ thông tin và truyền thông.

Về các hoạt động ngoại giao đa phương của Tổng thống Park Geun-hye trong năm 2014, có thể kể đến Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) tại Milan (Ý) vào tháng 10, chuyến công du Trung Quốc, Myanmar, Úc và tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3, tức các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và G20. Cuối cùng là Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn-ASEAN nhân kỷ niệm 25 năm hai bên chính thức thiết lập quan hệ đối thoại tại Busan hôm 11/12.

Bên cạnh đó, phải kể đến các cuộc tiếp đón và hội đàm thượng đỉnh với nguyên thủ các nước đến thăm Hàn Quốc như Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo các nước Canada, Úc, Bồ Đào Nha, Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Hà Lan, Qatar và Hungary.

Đường lối ngoại giao của Tổng thống Park Geun-hye tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Nhờ đó, Hàn Quốc đã củng cố vững chắc hơn sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với các chính sách về an ninh cũng như thống nhất bán đảo. Còn về kinh tế, chỉ riêng năm 2014, Hàn Quốc đã hoàn thành đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với một loạt nước như Trung Quốc, New Zealand, Việt Nam, mở rộng thêm “lãnh thổ kinh tế FTA”, tức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc cộng với GDP của các nước đối tác FTA.

Lựa chọn của ban biên tập