Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Rừng ở Bắc Triều Tiên

2019-04-04

© YONHAP News

Ngày 5/4 là Ngày trồng cây ở Hàn Quốc. Cuộc chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950 đã hủy diệt một phần đáng kể diện tích rừng trên bán đảo Hàn Quốc. Nhưng nhờ các nỗ lực khôi phục rừng trong nhiều thập niên, những quả đồi và cánh rừng ở Hàn Quốc đã tươi xanh trở lại. Vậy miền Bắc có kỷ niệm Ngày trồng cây giống như miền Nam hay không? Hãy cùng tìm hiểu về rừng ở Bắc Triều Tiên.


Kỷ niệm Ngày trồng cây 2/3

Ban đầu, Ngày trồng cây ở Bắc Triều Tiên là ngày 6/4. Nhưng năm 1999, ngày này được chuyển sang 2/3, nhằm kỷ niệm ngày 2/3/1946 khi nhà sáng lập Kim Nhật Thành trèo lên đỉnh núi Moranbong tại Bình Nhưỡng để công bố tầm nhìn về trồng cây gây rừng cho đất nước. Vào ngày 2/3 hàng năm, miền Bắc tổ chức các hoạt động trồng cây một cách hết sức rầm rộ. Năm nay cũng vậy, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đưa tin cả nước đã trồng được khoảng 2,8 triệu cây xanh.


Phân phát cây cho từng vùng miền

Ở Bắc Triều Tiên, Bộ Tài nguyên và môi trường phân phát cây cho từng vùng miền, nơi người dân địa phương trồng các giống cây do Nhà nước chỉ định. Hàng năm, miền Bắc huy động người dân vào các chiến dịch trồng cây trên quy mô lớn, nhưng đồi núi và rừng của nước này vẫn còn rất trơ trọi. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, diện tích rừng của Bắc Triều Tiên đã từng lên tới 8,99 triệu hecta, tức 73% tổng diện tích cả nước. Nhưng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính, diện tích rừng của miền Bắc đã giảm xuống chỉ còn 8,2 triệu hecta năm 1990 và 5 triệu hecta năm 2015. Điều này có nghĩa 4 triệu hecta rừng, tương đương 44% tổng diện tích rừng tại nước này đã biến mất.


Rừng bị tàn phá do khó khăn về kinh tế

Trong thời kỳ “tháng Ba gian khổ”, nhiều người Bắc Triều Tiên tại các khu vực nông thôn đã chặt cây trên những ngọn núi ở gần đó để có nhiên liệu và phát quang đất để làm nông. Các khu vực rừng rú trước đây hoặc là đã tan biến, hoặc là bị cải tạo thành đất canh tác như những “cánh đồng bậc thang”.


Bởi 8 triệu người làm nông đã sống như vậy trong vòng gần ba thập niên, những cánh rừng vốn từng sum suê, rậm rạp, đã bị xóa sổ một cách nhanh chóng. Tàn phá rừng khiến miền Bắc phải hứng chịu nhiều thiên tai như ngập lụt, hạn hán và lở đất. Chẳng hạn, tỉnh Hamgyeong ở phía Đông Bắc đã bị một trận lụt lớn càn quét trong cơn siêu bão năm 2016. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đã đẩy mạnh các chiến dịch trồng cây gây rừng kể từ khi lên lãnh đạo đất nước.


Chủ tịch Kim Jong-un nhấn mạnh trồng cây gây rừng

Trong bài diễn văn chúc mừng năm mới năm 2015, Chủ tịch Kim Jong-un đã chỉ thị các quan chức phủ xanh tất cả các quả núi trên cả nước trong vòng 10 năm tới. Nhân Ngày trồng cây năm nay, nhà lãnh đạo miền Bắc đã tự mình trồng một cây xanh và lập ra một kế hoạch tái trồng rừng chi tiết. Theo kế hoạch này, Bình Nhưỡng sẽ tăng gấp đôi tổng số cây giống con cho tới năm 2017, tập trung vào trồng cây gây rừng cho tới năm 2022 và nghiên cứu các khu vực không được phủ rừng cho tới năm 2024, để có được nhiều biện pháp hợp lý. Trường Khoa học lâm nghiệp thuộc Đại học Kim Nhật Thành đã mở tới 30 lớp chỉ chưa đầy ba tháng sau khi thành lập.


Bắc Triều Tiên cũng đang tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cho nỗ lực tái sinh rừng của mình. Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 4 năm 2018, dự án hợp tác song phương đầu tiên đã được Chính phủ xúc tiến nhằm phủ xanh các quả đồi trọc ở miền Bắc. Hơn nữa, tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 cùng năm, hai miền Nam-Bắc cũng đã nhất trí hợp tác về lâm nghiệp.


Chuẩn bị cho thời kỳ hợp tác liên Triều về lâm nghiệp

Ngay sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Liên hợp quốc kết luận rằng không thể hồi sinh mảnh đất bị tàn phá nặng nề trên bán đảo Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã khôi phục rừng một cách thành công thông qua chính sách trồng cây gây rừng mạnh mẽ và liên tục, và đang sẵn sàng hợp tác với Bắc Triều Tiên về lâm nghiệp. Seoul dự định cho ra đời 1 triệu cây con mỗi năm tại một trang trại cây giống ở thị trấn vùng biên Goseong, tỉnh Gangwon, sẽ được hoàn tất xây dựng trong năm nay. Song song với tiến triển trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Hàn Quốc, hy vọng rằng hợp tác lâm nghiệp giữa hai miền Nam-Bắc sẽ thu về trái ngọt, để rừng trên khắp bán đảo sẽ ngày một tươi xanh, khỏe mạnh hơn.

Tin mới nhất