Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Đón năm mới ở Bắc Triều Tiên

2019-01-03

© YONHAP News

Năm 2018 đã mang lại một bước ngoặt quan trọng trong các nỗ lực hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc. Lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc đã gặp nhau tới ba lần, và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên trong lịch sử đã diễn ra. Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày một tăng của Bắc Triều Tiên trên diễn đàn ngoại giao quốc tế, sự quan tâm chú ý tới đất nước vẫn bị coi là “vương quốc bí ẩn” này cũng ngày một lớn hơn. Từ năm 2019, chuyên mục mới “Cận cảnh Bắc Triều Tiên” sẽ cung cấp thông tin về xã hội miền Bắc, giúp chúng ta hiểu hơn về đất nước này. Để bắt đầu, hãy cùng tìm hiểu về cách người dân Bắc Triều Tiên đón năm mới.


Bắt đầu năm mới bằng một sự kiện chính trị

Trong khi người dân Hàn Quốc chào đón năm mới bằng lễ đánh chuông lúc nửa đêm ngày cuối cùng của năm cũ, người dân Bắc Triều Tiên lại bắt đầu năm mới bằng một sự kiện chính trị. Vào ngày đầu tiên của năm mới, người dân miền Bắc thường tới viếng tượng đài của các vị lãnh tụ quá cố Kim Nhật Thành và Kim Jong-il theo nhóm hoặc cá nhân. Sau đó, họ theo dõi bài phát biểu chào mừng năm mới của Chủ tịch Ủy ban quốc vụ Kim Jong-un trên TV hoặc radio.


Ý nghĩa của “kỳ nghỉ lễ” ở hai miền Nam-Bắc cũng khác nhau

Tại Hàn Quốc, kỳ nghỉ lễ truyền thống thường là các kỳ nghỉ lễ dân gian, như Tết Nguyên đán Seolnal, Tết Đoan Ngọ Dano và Tết Trung thu Chuseok. Trong khi đó, ở Bắc Triều Tiên, các kỳ nghỉ lễ truyền thống bao gồm cả nghỉ lễ dân gian, các ngày lễ quốc gia và nhiều dịp kỷ niệm khác. Ngoài nghỉ lễ vào các ngày lễ quốc tế như Quốc tế Lao động 1/5 và Quốc tế Thiếu nhi 1/6, miền Bắc có những kỳ nghỉ lễ lớn nhất là sinh nhật của các cố lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il, phản ánh hệ thống xã hội chủ nghĩa của nước này.


Năm 1967, Bắc Triều Tiên bãi bỏ kỳ nghỉ lễ truyền thống theo chỉ thị của lãnh tụ Kim Nhật Thành nhằm loại bỏ các tàn dư của chế độ phong kiến. Nhưng năm 1986, miền Bắc phát động chính sách “kinh tế là ưu tiên hàng đầu” nhằm nhấn mạnh sự ưu việt của dân tộc Hàn. Để phù hợp với chính sách trên, kỳ nghỉ lễ truyền thống là Tết Trung thu Chuseok đã được khôi phục năm 1988, sau đó, Tết Nguyên đán và Tết Đoan Ngọ được chỉ định là kỳ nghỉ lễ chính thức vào năm 1989.


Sự giống nhau của Tết Nguyên đán Seolnal giữa hai miền

Tết Nguyên đán Seolnal giữa hai miền không có nhiều sự khác biệt. Vào ngày đầu tiên của năm mới Nguyên đán, các thành viên trong gia đình tập hợp lại để cùng nhau thưởng thức đồ ăn ngon, thực hiện nghi lễ cúi chào thành kính và nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Họ đều thích thú với các trò chơi dân gian truyền thống như thả diều, đá cầu hay đánh quay. Khi chào hỏi, người miền Nam thường nói “Chúc mọi điều tốt đẹp trong năm mới”, còn người miền Bắc thì nói “Chúc mừng năm mới.” Khác biệt lớn nhất giữa hai miền dịp Tết Nguyên đán chính là hiện tượng người dân đổ dồn về thăm quê.


Khác với miền Nam, người miền Bắc không đổ dồn về thăm quê

Thật không dễ để di chuyển giữa các vùng miền ở Bắc Triều Tiên, bởi sự khó khăn trong việc có được một giấy phép thông hành, điều kiện giao thông nghèo nàn và tình trạng khó khăn về kinh tế mà nước này đã phải hứng chịu từ những năm 1990. Điều kiện giao thông đã phần nào được cải thiện trong những năm gần đây dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng dù vậy, giao thông vẫn chưa thực sự tốt. Đó là lý do vì sao phần lớn người dân Bắc Triều Tiên tiến hành nghi lễ truyền thống thờ cúng tổ tiên trong khu vực mình sinh sống, chứ không về thăm quê hương vào các dịp lễ tết. Thêm vào đó, người miền Bắc không thực sự cảm thấy cần phải di chuyển quãng đường dài, bởi trong rất nhiều trường hợp, họ hàng của họ sống ngay ở các khu vực lân cận.


Những thay đổi gần đây trong văn hóa đón Tết Nguyên đán ở miền Bắc

Trước đây, Chính phủ Bắc Triều Tiên cung cấp thực phẩm, rượu, dầu ăn, bánh kẹo cho người dân nhân dịp Tết Nguyên đán. Sử dụng trợ cấp của Nhà nước, các gia đình ở miền Bắc có thể làm các mâm cơm ngày Tết tại nhà. Tuy nhiên, hiện nay, ngày càng có nhiều người dân tới các nhà hàng và những địa điểm vui chơi giải trí như phòng hát karaoke hay phòng chơi bi-a. Điều này cho thấy văn hóa Tết Nguyên đán tại miền Bắc đang thay đổi, phù hợp với số lượng ngày một tăng những người Bắc Triều Tiên đã đạt được sự độc lập về tài chính.


Dù vậy, ý nghĩa truyền thống của Tết Nguyên đán vẫn còn nguyên vẹn. Với người dân miền Bắc vốn phải chịu đựng một mùa đông dài, khắc nghiệt, kỳ nghỉ lễ này chắc chắn là một dịp đặc biệt để dành thời gian với gia đình, thưởng thức đồ ăn ngon và gửi trao nhau những lời chúc tốt đẹp. Hy vọng rằng người dân ở cả hai miền Nam-Bắc bán đảo sẽ cùng nhau mừng kỳ nghỉ lễ truyền thống này với nhiều kỳ vọng cho năm mới.

Tin mới nhất