Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Các tổ chức chính trị ở Bắc Triều Tiên

2019-01-17

© YONHAP News

Ở một đất nước dân chủ, nơi nhân dân là người chủ chân chính của đất nước, hệ thống quản lý Nhà nước được chia thành ba nhánh lập pháp, tư pháp và hành pháp. Trong đó, những đại biểu do nhân dân bầu ra lập nên luật lệ tại nhánh lập pháp; Chính phủ điều hành các vấn đề của Nhà nước; và cơ quan thi hành pháp luật hay tòa án thì đưa ra phán quyết dựa trên luật pháp. Thông qua tam quyền phân lập, một quốc gia bảo vệ các quyền cơ bản của người dân thông qua hệ thống kiểm soát và cân bằng (checks and balances). Hãy cùng tìm hiểu về cơ cấu quyền lực và các tổ chức chính trị của Bắc Triều Tiên, một quốc gia đi theo đường lối Xã hội chủ nghĩa.


Hệ thống kế thừa quyền lực độc nhất vô nhị của Bắc Triều Tiên

Sau khi giành độc lập, chính quyền Bắc Triều Tiên được thành lập, dựa trên sự chỉ đạo và ủng hộ của Liên Xô, cường quốc kiểm soát phần phía Bắc bán đảo Hàn Quốc. Giống như các Nhà nước Xã hội chủ nghĩa khác, đảng Lao động ở miền Bắc được thiết kế để nắm giữ mọi quyền hành. Tuy nhiên, sự cầm quyền của một cá nhân là vị lãnh tụ tối cao, và hệ thống kế thừa quyền lực trong suốt ba thế hệ của nước này có thể coi là độc nhất vô nhị.


Ban đầu, tư tưởng cầm quyền của Bắc Triều Tiên dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin, giống như các quốc gia Xã hội chủ nghĩa khác. Nhưng trong Hiến pháp Xã hội chủ nghĩa năm 1972, miền Bắc quy định nước này được dẫn dắt mọi hoạt động dựa trên tư tưởng chủ thể (Juche). Năm 1980, tư tưởng chủ thể của Kim Nhật Thành đã được định nghĩa là tư tưởng điều hành chính thức của quốc gia. Năm 2010, miền Bắc nhấn mạnh cái gọi là “học thuyết Kim Nhật Thành” trong phần giới thiệu của Điều lệ đảng Lao động, vốn được xem như lời tựa của Hiến pháp. Thông qua tư tưởng chủ thể, đảng Lao động đã trở thành cơ quan quyền lực chính trị hàng đầu của Nhà nước.


Đảng Lao động giúp lãnh tụ tối cao nắm mọi quyền lực

Được thành lập năm 1945, đảng Lao động miền Bắc duy trì sự độc quyền về chính trị một cách hợp hiến và hơn 16% dân số Bắc Triều Tiên là đảng viên. Bộ phận ra quyết định chính thức của đảng Lao động là Đại hội đảng. NhưngĐại hội cũng như cuộc họp của đại diện Đảng ít khi được tổ chức. Phần lớn các vấn đề được quyết định bởi Ủy ban trung ương đảng, được tổ chức họp 6 tháng một lần.


Đặc biệt, Ban chỉ đạo tổ chức trung ương thuộc Ủy ban trung ương đảng là cơ quan quan trọng nhất khi đưa ra quyết định hoặc hình thành chính sách. Đây chính là bộ phận đã lập ra đội điều tra nhằm tìm kiếm Jo Song-gil, Đại sứ tạm thời của Bắc Triều Tiên tại Ý đã biến mất thời gian gần đây.


Ông Jo Yong-won, một trong ba quan chức tháp tùng Chủ tịch Kim Jong-un trước khi ông Kim đọc bài diễn văn nhân dịp năm mới ngày 1/1 đầu năm nay, là Phó Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức đầy quyền lực này. Ông Jo được xem như một trong ba quan chức có ảnh hưởng lớn nhất tại miền Bắc, cùng với Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái của Chủ tịch Kim, và Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Chang-son, người được coi là tham mưu trưởng của Chủ tịch Kim. Đương nhiên, hệ thống điều hành đất nước của miền Bắc có ba nhánh: lập pháp, hành pháp và tư pháp, ít nhất là về mặt nguyên tắc.


Khó kỳ vọng vào sự độc lập, trung lập của cơ quan lập pháp và tư pháp

Hội đồng nhân dân tối cao là cơ quan xây dựng luật của Bắc Triều Tiên, Ủy ban Quốc vụ và Nội các thực thi chức năng hành chính, và các thể chế tư pháp đóng vai trò thi hành luật. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả quyền lực được tập trung về đảng Lao động, và các cơ quan Chính phủ chỉ đơn thuần thi hành và xem xét những chính sách đã được quyết định bởi Đảng. Vì vậy, gia nhập đảng Lao động, bộ phận chính trị cốt lõi, chính là lối đi tắt tới địa vị cao nhất. Quyền lực của Đảng thậm chí đã trở nên lớn hơn dưới sự cầm quyền của Chủ tịch Kim Jong-un.


Tăng cường hệ thống lãnh đạo lấy quân sự làm đầu

Trong suốt những năm tháng cầm quyền của cố lãnh tụ Kim Jong-il, nền chính trị lấy quân sự làm đầu (Songun) đã chi phối hệ thống chính trị Bắc Triều Tiên. Thông qua sửa đổi Hiến pháp năm 1998, miền Bắc đã loại bỏ Ủy ban Nhân dân trung ương, vốn từng là văn phòng tối cao trong thời kỳ lãnh đạo của lãnh tụ Kim Nhật Thành. Năm 2009, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước trở thành cơ quan điều hành cao nhất của đất nước. Đứng đầu là Chủ tịch Kim Jong-il, Ủy ban với quyền lực tuyệt đối này chỉ đạo toàn bộ các dự án quốc gia và có thẩm quyền phê chuẩn những hiệp định với nước ngoài, cũng như ra các lệnh ân xá đặc biệt.


Tuy nhiên, nhà lãnh đạo đương đại Kim Jong-un lại nhấn mạnh tầm quan trọng của đảng Lao động. Năm 2016, ông Kim đã loại bỏ Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, thay vào đó thành lập Ủy ban Quốc vụ và đứng đầu cơ quan mới này. Động thái trên là nhằm kiểm soát quân đội hùng mạnh của nước này và báo hiệu sự trở lại của hệ thống lãnh đạo lấy đảng Lao động làm trung tâm.


Vai trò lớn hơn của đảng Lao động dưới thời kỳ cầm quyền của Chủ tịch Kim Jong-un đang thay đổi bản chất của Đảng và quân đội. Tương tự như vậy, một sự thay đổi nữa có thể sẽ điều chỉnh toàn diện hệ thống chính trị tập trung vào đảng Lao động hiện nay. Cùng với sự theo đuổi cải cách và mở cửa của ông Kim, hy vọng rằng một cơ cấu quyền lực bình thường sẽ bắt đầu hình thành tại miền Bắc.

Tin mới nhất