Theo dòng thời sự

Bán đảo Hàn Quốc từ A-Z

Cận cảnh Bắc Triều Tiên

Công nghệ thông tin và truyền thông ở Bắc Triều Tiên

2019-01-24

© YONHAP News

Trong chuyến thăm Bình Nhưỡng năm ngoái, Tổng thống Moon Jae-in đã cùng Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-un dự màn đồng diễn thể dục thể thao quy mô lớn với tựa đề “Đất nước huy hoàng” ngày 19/9. Miền Bắc đã cho ra mắt buổi đồng diễn mới mẻ trên sau 5 năm chuẩn bị, với sự hỗ trợ của rất nhiều công nghệ hiện đại ở mức phát triển cao, như đèn laser và nghệ thuật đa phương tiện (media art). Đặc biệt, màn trình diễn sử dụng máy bay không người lái (drone) để chiếu lên cụm từ “Đất nước huy hoàng” chính là điểm nhấn của show diễn, khiến cả thế giới phải sững sờ. Hãy cùng tìm hiểu về trình độ công nghệ thông tin và truyền thông của miền Bắc.


Phát triển máy tính từ những năm 1960

Bởi Bắc Triều Tiên bị coi là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhiều người tưởng rằng trình độ công nghệ thông tin và truyền thông của nước này tụt hậu so với thế giới. Tuy nhiên, miền Bắc đã phát triển máy tính kể từ những năm 1960.


Bình Nhưỡng cũng bắt đầu đầu tư vào ngành công nghệ thông tin và truyền thông rất sớm, từ năm 1998, sau khi chính quyền của cố lãnh đạo Kim Jong-il công bố kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ nhất trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Tiếp đó, Bắc Triều Tiên đặt ra mục tiêu trở thành một cường quốc công nghệ vào năm 2022, và bắt đầu phấn đấu vì mục tiêu này. Kết quả là, miền Bắc giờ đây tự mình sản xuất nhiều máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng, v.v. Đặc biệt, các công nghệ phần mềm của nước này khá phát triển.


Công nghệ phần mềm được đánh giá tầm cỡ thế giới

Bắc Triều Tiên thành lập “Trung tâm thông tin Bình Nhưỡng” năm 1985 và “Trung tâm máy tính Korea” năm 1990 nhằm tập trung phát triển phần mềm. Kết quả là, Eunbyul, trí tuệ nhân tạo do Bắc Triều Tiên tự phát triển, đã được thiết kế để chơi game cờ tướng và giành Quán quân trong cuộc thi cờ tướng trên máy tính quốc tế năm 1998. Eunbyul được cho là được phát triển từ năm 1997.


Phần mềm đặc trưng của Bắc Triều Tiên là hệ điều hành “Red Star” – Ngôi sao đỏ. Được phát triển bởi “Trung tâm máy tính Korea”, công ty liên quan đến máy tính lớn nhất nước, chức năng cơ bản của hệ điều hành này kém xa so với các hệ điều hành của Microsoft. Tuy nhiên, miền Bắc lại lấy làm kiêu hãnh về các chức năng an ninh cực kỳ mạnh mẽ của Red Star, lưu giữ hồ sơ sử dụng của tất cả bàn phím và con chuột.


Các công nghệ thuộc cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Bắc Triều Tiên cũng được cho là đạt tới trình độ ấn tượng. Đó là bởi mục tiêu kinh tế nòng cốt của chính quyền Kim Jong-un hiện nay bao gồm việc xây dựng một nền kinh tế độc lập và trở thành cường quốc kinh tế tri thức dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông.


Chú trọng chính sách khoa học và công nghệ

Năm 2012, Chủ tịch Kim Jong-un đã đưa ra ý tưởng về một cuộc “Cách mạng công nghiệp trong Thế kỷ mới”, công bố kế hoạch xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, trí tuệ, dựa trên kỹ thuật thông qua phát triển công nghệ. Đây là phiên bản Bắc Triều Tiên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát động công tác nghiên cứu nhiều công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), tương tác thực tế tăng cường (AR) và Internet kết nối vạn vật (IoT). Một vài trong số các công nghệ trên đã được đưa vào sử dụng. Tháng 10/2015, miền Bắc công bố sử dụng máy in 3D trong phẫu thuật chỉnh hình và nha khoa. Dịch vụ y tế từ xa (telemedicine) của họ được mở rộng ra tất cả các tỉnh thành năm 2016. Các công nghệ trên không phải tự nhiên mà có, và lại được phát triển bởi chính người dân nước này. Do đó, miền Bắc cũng đang tập trung vào bồidưỡng lực lượng lao động khoa học và kỹ thuật của mình.


Tập trung bồi dưỡng lực lượng lao động IT

Ở Bắc Triều Tiên, học sinh tiểu học được cho là học về mạch điện máy tính, sử dụng hệ điều hành Windows và ngôn ngữ lập trình C. Ở bậc trung học cơ sở, các em học Toán máy tính, lập trình thuật toán An-go-rít và Linux, còn các học sinh trung học phổ thông được dạy về thông tin và mạng lưới máy tính.


Tất nhiên, về tổng thể, giáo dục IT ở miền Bắc thiếu cả cơ sở lẫn nhân lực. Nhưng những học sinh thể hiện năng khiếu đặc biệt được chọn theo học các chương trình máy tính tại trường Trung học cơ sở Keumseong danh giá ở Bình Nhưỡng. Những em tốt nghiệp từ chương trình này sẽ được chuyển lên Đại học Kim Nhật Thành hoặc Đại học Công nghiệp Kim Chaek.


Các tài năng IT được đối đãi đặc biệt

Cho tới năm 2013, khoảng 170.000 người Bắc Triều Tiên làm việc trong ngành công nghệ thông tin, trong đó, khoảng 100.000 người làm việc trong cách lĩnh vực liên quan tới lập trình. Với lực lượng lao động khổng lồ như vậy trong ngành công nghiệp IT, sự phổ biến các thiết bị IT như máy tính bảng đang mau chóng lan rộng.


Con số máy tính lưu hành ở Bắc Triều Tiên nằm ngoài trí tưởng tượng của mọi người. Miền Bắc thành lập Công ty máy tính Blue Sky năm 2014 và đã bán rất nhiều máy tính cá nhân, máy tính xách tay và máy tính bảng. Đặc biệt, máy tính bảng là sản phẩm cần phải có đối với giới trẻ miền Bắc. Bất chấp sự hạn chế của Chính phủ, đây chính là cửa ngõ để họ tiếp cận với các nội dung từ bên ngoài, bao gồm phim truyền hình Hàn Quốc. Năng lực IT ngoài mong đợi của Bình Nhưỡng thậm chí có thể xem là một lĩnh vực hợp tác mới mà cả hai miền Nam-Bắc đều có lợi.

Tin mới nhất