Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trong nước

5 ngày Tết truyền thống Hàn Quốc được chỉ định là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Write: 2023-12-18 13:15:43Update: 2023-12-18 14:16:57

5 ngày Tết truyền thống Hàn Quốc được chỉ định là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Photo : YONHAP News

Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc ngày 18/12 công bố chỉ định 5 ngày Tết truyền thống lớn trong năm là Tết Nguyên đán và Nguyên tiêu, Tết Hàn Thực, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu, Tết Đông chí là "di sản văn hóa phi vật thể quốc gia".

Đây là lần đầu tiên một ngày lễ tết, không phải là một kiến thức hay tài năng truyền thống, được chỉ định là di sản văn hóa quốc gia.

Tết Nguyên đán và Nguyên tiêu là khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 15 tháng 1 Âm lịch, đánh dấu sự khởi đầu của một năm. Từ thời kỳ Samkuk (Tam quốc; từ năm 18 trước Công Nguyên đến thế kỷ VII), Hàn Quốc đã tổ chức các nghi lễ quốc gia để chào đón năm mới, được ghi lại trong các văn kiện lịch sử như "Samguksagi" (Tam quốc sử ký) hay "Samgukyusa" (Tam quốc di sự). Tới thời Goryeo (Cao Ly; thế kỷ X-XIV) bắt đầu có các phong tục như cúng bái tổ tiên, ăn canh bánh gạo Tteokguk.

Tết Hàn thực là một ngày lễ tiêu biểu của mùa xuân, vào ngày thứ 105 sau ngày Đông chí. Vào ngày này, người dân Hàn Quốc tới viếng mộ, dọn dẹp phần mộ tổ tiên, là một nghi thức tưởng nhớ tới thế hệ trước.

Tết Đoan ngọ vào ngày 5/5 Âm lịch là một ngày lễ tết tiêu biểu đón mùa hè, với nhiều phong tục đa dạng như gội đầu, hái lá ngải cứu, cây ích mẫu. Hiện tại, một số lễ hội Tết Đoan ngọ địa phương được chỉ định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó lễ hội Tết Đoan ngọ vùng Gangneung (tỉnh Gangwon) đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Tết Trung thu vào ngày 18/5 Âm lịch là ngày toàn thể các gia đình cùng ngồi nặn bánh gạo Songpyeon, cúng và viếng mộ tổ tiên. Khác với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Nhật Bản làm nghi lễ cúng Mặt trăng vào ngày này, Hàn Quốc lại nhấn mạnh về các nghi thức tưởng nhớ tổ tiên.

Tết Đông chí vào ngày có đêm dài nhất và ngày ngắn nhất trong năm, còn được gọi là "Tết Nguyên đán nhỏ". Vào ngày này, người dân Hàn Quốc ăn món cháo đậu đỏ, mang ý nghĩa khép lại một năm cũ, chuẩn bị cho một năm mới, cổ vũ sự hòa hợp của cộng đồng.

Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc giải thích những ngày Tết truyền thống trên của dân tộc đã được kế thừa qua các gia đình, làng xóm, vùng miền, đóng góp vào tính đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của dân tộc Hàn.

Lựa chọn của ban biên tập