Hiệp ước khí hậu Glasgow mà cộng đồng quốc tế vừa đạt được tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Anh dự kiến sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Hàn Quốc, vốn có tỷ trọng lớn các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon.
Một trong số đó là thép, ngành phát thải nhiều carbon tiêu biểu, thải ra 117 triệu tấn carbon mỗi năm, chiếm 30% khí thải carbon ở lĩnh vực công nghiệp. Mặc dù các doanh nghiệp hiện đang phát triển công nghệ sử dụng hydro làm nhiên liệu thay thế cho than đá, nhưng phải tới năm 2050 mới có thể áp dụng vào công đoạn sản xuất.
Ngành phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai là hóa dầu và thứ ba là xi măng cũng đang được phát triển công nghệ không phát thải carbon, nhưng dự kiến sẽ phải mất hơn 20 năm nữa thì những công nghệ này mới có thể thương mại hóa.
Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố với cộng đồng quốc tế về mục tiêu cắt giảm tự nguyện 40% khí nhà kính cho tới năm 2030 so với năm 2018. Đây cũng chính là lý do mà nhiều ý kiến lo ngại rằng cam kết này sẽ có thể ảnh hưởng ngay tới lĩnh vực công nghiệp nặng sử dụng chủ yếu than đá, cũng như tới toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc.
Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai Joo Won phân tích tỷ trọng ngành công nghiệp nặng trong nền kinh tế Hàn Quốc ở mức cao. Nếu áp dụng các quy chế liên quan tới Hiệp ước khí hậu Glasgow thì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới doanh thu hoặc lợi nhuận của lĩnh vực công nghiệp nặng.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng Chính phủ cần ưu tiên phát triển công nghệ mới để giảm thiểu phát thải carbon. Để đạt mục tiêu cuối cùng là trung hòa carbon cho tới năm 2050, Seoul cần phải bắt đầu chuẩn bị xúc tiến loại bỏ dần carbon, nghiên cứu và phát triển công nghệ, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần nỗ lực để cải tổ toàn bộ cơ cấu ngành công nghiệp, hiện đang thiên về công nghiệp nặng.