Cụ bà Lee Keum-joo, người từng mất chồng do bị quân Nhật bắt đi, và tận tình giúp đỡ những nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, đã từ trần vào ngày 13/12, hưởng dương 102 tuổi. Câu chuyện về hơn 1.200 nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến mà bà Lee ghi chép lại đã trở thành nền móng quan trọng để quy kết sự thật về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến.
Vào năm 1942, thời điểm chiến tranh Thái Bình Dương trong Thế chiến II đang diễn ra khốc liệt nhất, chồng bà bị bắt đi làm nhân viên quân vụ tại Nhật Bản, bỏ lại vợ và đứa con trai vừa mới chào đời. Sau một thời gian chờ đợi trong vô vọng, thứ bà Lee nhận được chỉ là tấm giấy báo tử lạnh lẽo.
Năm 2003, bà Lee chia sẻ chỉ mong muốn được nhận lại hài cốt của chồng, nhưng điều này là không thể, bởi ông đã tử trận tại đảo Tarawa.
Một mình bà nuôi dạy con trai. Tới năm 1988, khi đã 70 tuổi, bà quyết định phải cho toàn thế giới biết câu chuyện của các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến. Bà đã biến nhà riêng thành văn phòng, trực tiếp gặp gỡ 1.273 người là nạn nhân và gia đình từng bị cưỡng ép lao động thời chiến, tự tay viết từng lời làm chứng của họ.
Dựa vào những lời làm chứng này, bà đã 7 lần đâm đơn kiện lên cơ quan tư pháp của Nhật Bản, hơn 80 lần bay sang Nhật Bản. Nhờ những nỗ lực này, những nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến đã được Tòa án tối cao Hàn Quốc tuyên thắng kiện vào năm 2018.
Trong một phát biểu vào năm 1992, cụ bà Lee Keum-joo chia sẻ điều mà bà luôn trăn trở đó là nếu tiếp tục tìm kiếm, liệu có thể phát hiện được danh sách những người thiệt mạng vì bị cưỡng ép lao động hay không.
Bà Lee là người đi đầu về việc xúc tiến lập Luật đặc biệt về các nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, đôn đốc công tác điều tra của Chính phủ.
Đại diện một tổ chức dân sự nhấn mạnh bà Lee đã đóng góp công lao to lớn vào việc lập luật đặc biệt, ra mắt Ủy ban làm sáng tỏ sự thật về vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến, dù muộn nhưng đã trở thành động lực để xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân.
Nhóm người dân đồng hành cùng các cụ bà nạn nhân cưỡng ép lao động thời chiến khẳng định sẽ tìm kiếm phương án để bảo tồn các tài liệu mà bà Lee đã dành cả cuộc đời để thu thập và ghi chép.