Thời gian gần đây, tại các địa phương như đảo Jeju và tỉnh Nam Gyeongsang Hàn Quốc xảy ra hiện tượng ong mật biến mất hoặc chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi ong lấy mật. Nguyên nhân của hiện tượng này được chỉ ra là do sinh vật gây hại và biến đổi khí hậu.
Một trang trại nuôi ong lấy mật ở thành phố Jeju trước đây nuôi hơn 300 tổ ong, nhưng giờ đây số lượng tổ ong đã giảm mạnh do hàng triệu con ong đột nhiên biến mất hoặc chết không rõ lý do. Chủ trang trại cho biết họ đã có kinh nghiệm nuôi ong lấy mật gần 40 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện hiện tượng này.
Gần đây, trong số hơn 500 hộ nuôi ong lấy mật ở đảo Jeju, có tới hơn 280 hộ, chiếm hơn một nửa, bị thiệt hại hơn 20.000 tổ ong. Mỗi tổ ong nuôi khoảng 20.000 con ong. Ước tính đã có khoảng 400 triệu con ong bị "mất tích".
Theo kết quả điều tra do Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (RDA) tiến hành với hơn 90 hộ nuôi ong trên toàn quốc, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng ong mật biến mất là do "mạt", một loài sinh vật gây hại ký sinh trên ong mật. Ngoài ra, việc người nông dân sử dụng quá nhiều thuốc để phòng mạt cũng đã ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của ong mật.
Biến đổi khí hậu cũng được phân tích là một nguyên nhân dẫn tới hiện tượng ong mật biến mất.
Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học nông nghiệp quốc gia Hàn Quốc phân tích nhiệt độ tháng 11 và 12 năm ngoái khá cao, khiến các loài hoa nở sớm. Ong mật chưa kịp lớn đã bay ra ngoài để lấy phấn hoa khiến hệ miễn dịch và thể lực suy giảm, nhiều con kiệt sức và chết khi bay ra ngoài, không về lại tổ được.
Không chỉ tại đảo Jeju, các hộ nông dân nuôi ong ở nhiều địa phương phía Nam khác như tỉnh Nam Jeolla, Nam Gyeongsang cũng bị thiệt hại lớn tương tự. Cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc có kế hoạch hỗ trợ vốn ổn định kinh doanh và thuốc phòng ngừa sinh vật gây hại cho các hộ nông dân bị thiệt hại.