Theo báo cáo xu hướng giá tiêu dùng tháng 4 do Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố ngày 3/5, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng trước đạt 106,85 điểm (mức tiêu chuẩn 100 điểm năm 2020), tăng 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008 (4,8%). Tỷ lệ tăng giá tiêu dùng có xu hướng tăng ở ngưỡng 3% trong 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 10 năm ngoái (3,2%), sau đó tăng lên 4,1% từ tháng 3 năm nay và tiếp tục tăng thêm 0,7% sau một tháng.
Giá các mặt hàng công nghiệp như dầu mỏ và thực phẩm chế biến leo thang kéo chỉ số tăng giá tiêu dùng tháng 4 tăng theo. Các sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản cũng tăng giá nhẹ.
Bộ Kế hoạch và tài chính Hàn Quốc giải thích chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khiến giá dầu duy trì ở ngưỡng cao và tiếp tục có xu hướng tăng. Giá nông sản tăng nhẹ do giá nhập khẩu tăng mặc dù nguồn cung vẫn ổn định.
Theo mặt hàng, giá mặt hàng công nghiệp tăng 7,8% so với một năm trước, đặc biệt giá dầu mỏ tăng 34,4%, mức cao nhất. Cụ thể, giá xăng tăng 28,5%, giá dầu diesel tăng 42,4%, dầu hỏa 55,4%, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tăng 29,3%. Giá thực phẩm chế biến tăng 7,2%, đặc biệt giá bánh mỳ tăng 9,1%.
Tỷ lệ tăng giá mặt hàng nông sản, chăn nuôi và thủy sản là 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với một tháng trước. Giá thịt bò nhập khẩu tăng 28,8%, thịt lợn 5,5%, nho 23%; ngược lại, hành lá giảm 61,4%, táo giảm 23,4%, hành tây giảm 39,1%, ớt bột giảm 14,6%, khoai lang giảm 26,5%.
Giá điện, gas đô thị, nước sinh hoạt tăng 6,8%, do giá điện tăng 11%. Giá dịch vụ tăng 3,2%, gồm dịch vụ công tăng nhẹ 0,7%, dịch vụ cá nhân tăng 4,5%. Đặc biệt, giá dịch vụ ăn ngoài tăng 6,6%. Giá thuê nhà tăng 2%, giá thuê nhà theo hình thức jeonse (đặt cọc trọn gói và không phải trả tiền thuê nhà hàng tháng) tăng 2,8%, nhiều hơn giá thuê nhà theo tháng (1%).
Chỉ số giá sinh hoạt, thể hiện cảm nhận thực tế về vật giá, tăng 5,7% so với một năm trước, mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2008.
Chỉ số vật giá cơ bản, phản ánh dòng chảy chung của vật giá (chỉ số giá tiêu dùng trừ mặt hàng nông sản và các loại xăng, dầu), cũng tăng 3,6%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12 năm 2011 (3,6%).
Cục Thống kê quốc gia nhận định tỷ lệ tăng giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,7% so với một tháng trước là do mức tăng giá dầu mỏ, điện và khí đốt mở rộng. Khả năng cao là vật giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, chưa thấy yếu tố nào có thể kiềm lại xu hướng tăng giá tiêu dùng.