Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá lương thực thế giới tháng 7 đạt 140,9 điểm, giảm 8,6% so với tháng trước, mức giảm sâu nhất trong vòng 14 năm kể từ sau tháng 10/2008.
Chỉ số giá lương thực thế giới từng tăng vọt lên 159,7 điểm, mức cao kỷ lục, vào tháng 3 năm nay, ngay sau khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine, sau đó hạ dần từng chút một, rồi giảm mạnh vào tháng 7.
Bộ Nông lâm, công nghiệp chăn nuôi và lương thực Hàn Quốc cho biết chỉ số giá lương thực thế giới giảm do ảnh hưởng từ việc Ukraine nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen, và sản lượng lúa mì ở các nước sản xuất lớn khả quan kéo giá lúa mì giảm mạnh.
Tuy nhiên, sẽ mất một khoảng thời gian để xu hướng giảm giá lương thực quốc tế được phản ánh vào giá nhập khẩu ngũ cốc trong nước.
Viện nghiên cứu kinh tế nông thôn Hàn Quốc nhận định trong quý III, giá nhập khẩu ngũ cốc sẽ tăng khoảng 16% so với quý II. Đó là bởi ngũ cốc được ký sẵn hợp đồng nhập khẩu từ 3-6 tháng, nên giá nhập khẩu trong quý III sẽ không phản ánh xu hướng giảm giá gần đây, mà sẽ phản ánh theo giá ngũ cốc của quý II, thời điểm mức giá cao nhất. Giá nhập khẩu ngũ cốc quý IV sẽ giảm đi so với quý III, nhưng được dự báo sẽ vẫn cao hơn quý II.
Viện nghiên cứu phân tích chi phí nguyên liệu chiếm hơn một nửa cho tới tối đa 78,4% giá thành sản xuất của các doanh nghiệp thực phẩm trong nước. Do vậy, gánh nặng giá nhập khẩu ngũ cốc tăng sẽ có thể là yếu tố khiến các doanh nghiệp nâng giá các mặt hàng thực phẩm.