Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

8. Bài học từ trận động đất ở Pohang

2017-12-31

Bài học từ trận động đất ở Pohang





Trận động đất xảy ra tại Pohang đã gây ra thiệt hại có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Vào hồi 2 giờ 29 phút chiều hôm 15/11, một trận động đất mạnh 5,4 độ richter đã xảy ra tại khu vực quận Buk, thành phố Pohang, tỉnh Bắc Geongsang. Đây là trận động đất mạnh thứ hai trong lịch sử, sau trận động đất kỷ lục 5,8 độ richter xảy ra ở thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, vào ngày 12/9/2016. Tuy nhiên, tâm chấn của trận động đất Pohang nằm ở độ sâu từ 3 đến 7 km, nông hơn nhiều so với tâm chấn của trận động đất Gyeongju là từ 11 đến 16 km nên rung chấn do trận động đất Pohang gây ra cũng lớn hơn nhiều. Các địa phương trên toàn Hàn Quốc đều cảm nhận được sự rung lắc do động đất. Quy mô thiệt hại của trận động đất lần này cao hơn gấp năm lần so với trận động đất Gyeongju. Đã có tổng cộng 27.300 công trình bị hư hại do động đất, tổng thiệt hại lên tới 55,1 tỷ won (50,9 triệu USD). Trong đó, có 331 nhà dân bị phá hủy hoàn toàn, 228 căn nhà bị hư hại một nửa. Tổng thiệt hại các công trình tư nhân là 29,4 tỷ won (27,16 triệu USD). Trong khi đó, quy mô thiệt hại các công trình công cộng như trường học, bến cảng là 25,7 tỷ won (23,74 triệu USD). Trước đó, tổng thiệt hại của trận động đất Gyeongju là 11 tỷ won (10,16 triệu USD). May mắn là không có người nào thiệt mạng do động đất, nhưng có hơn 10 người bị thương, hơn 1.800 người dân phải sơ tán. Sau đó, liên tục xảy ra nhiều đợt dư chấn khác khiến người dân địa phương không khỏi bất an.



Trận động đất Pohang xảy ra một ngày ngay trước thềm kỳ thi tuyển sinh đại học niên khóa 2018. Do đó, Chính phủ đã quyết định dời lịch thi đại học sang ngày 23/11 để đảm bảo an toàn. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc lùi lịch thi đại học kể từ khi áp dụng chế độ thi tuyển sinh đại học vào năm 1993. Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã chỉ định Pohang là “Khu vực thảm họa đặc biệt”, hỗ trợ ngân sách quốc gia để giúp địa phương này khắc phục hậu quả động đất. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng mở rộng việc áp dụng nghĩa vụ thiết kế chống chịu động đất để phòng chống thiệt hại từ các trận động đất khác có thể xảy ra trong tương lai.

Lựa chọn của ban biên tập