Cung điện Changdeok (Xương Đức)

Đặc trưng

Cung Changdeok (Xương Đức),
vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc và tự nhiên

Khác với kiến trúc điển hình của các cung điện xưa, cung Changdeok (Xương Đức) nằm bên chân núi Bukhan (Bắc Hán) có kết cấu không gian phóng khoáng, hài hòa với địa hình tự nhiên xung quanh.
Nổi tiếng là cung điện hài hòa nhất với thiên nhiên, kiến trúc cung Changdeok hạn chế tối đa các tác động lên thiên nhiên, làm nổi bật quan niệm coi trọng sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ của người xua.

Điện Injeong (Nhân Chính),
biểu tượng của cung Changdeok

Qua chiếc cầu đá hình cầu vồng lâu đời nhất của thủ đô Seoul là cầu Geumcheon (Cẩm Xuyên), không gian bên trong cung mở ra với điện Injeong. Đây chính là tòa nhà quan trọng nhất của cung Changdeok, là nơi nhà vua làm lễ lên ngôi, các quan đại thần dâng tấu và nghênh tiếp sứ thần các nước.
Phía trước điện Injeong (Nhân Chính) là sân đá ẩn giấu bí mật xây dựng độc đáo. Sân được lát đá trắng, phản chiếu ánh mặt trời khiến long nhan của nhà vua khi ngự tại đây thêm lẫm liệt, oai phong. Bên cạnh đó, khu vườn phía trước điện Injeong có hình thang thay vì hình chữ nhật thông thường, thể hiện một trong những kỹ thuật xây dựng thân thiện với môi trường tự nhiên.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Điện Seonjeong (Tuyên Chính) và Hijeongdang (Hy Chính đường), nơi nhà vua bàn bạc chính sự

Điện Seonjeong (Tuyên Chính) nằm ở phía Đông của điện Injeong, nổi bật với mái ngói màu xanh, và là nơi vua vừa kết hợp sinh hoạt và xem xét việc triều chính. Bên cạnh tòa nhà này là Hijeong (Hy Chính đường), mang vẻ ngoài là kiểu nhà truyền thống Hanok nhưng bên trong lại có kiến trúc phương Tây. Trước đây gian nhà này còn có cả gian phụ đặt giường cho vua nghỉ ngơi nhưng về sau được sử dụng như phòng họp để các quan đại thần tiếp kiến và bàn quốc sự với nhà vua.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Bên ngoài điện Seonjeong (Tuyên Chính)

  • Bên trong điện Seonjeong (Tuyên Chính)

  • Bên ngoài Huijeongdang (Hy Chính đường)

  • Bên trong Huijeongdang (Hy Chính đường)

Điện Daejo (Đại Tạo),
không gian riêng của hoàng hậu

Điện Daejo (Đại Tạo) là nơi nghỉ ngơi của vua và hoàng hậu, chính giữa có đại sảnh và ở hai bên có phòng ngủ của hoàng hậu ở phía Tây gọi là Seoondol và phòng ngủ của nhà vua ở phía Đông gọi là Dongondol.
Phía sau điện Daejo là khu vực sắp đặt hoa có kiến trúc hình bậc thang. Ở giữa tòa nhà có kiến trúc hình chữ U là một khu vườn nhỏ, nơi các loài cây xanh bốn mùa như cây thông, cây bụi thấp được trồng xen kẽ với các khối đá nằm rải rác trong vườn.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Phía trước điện Daejo (Đại Tạo)

  • Phía sau điện Daejo (Đại Tạo)

Huwon (Hậu Viên), nơi gửi gắm tình yêu của nhà vua

Huwon (Hậu Viên hay Hậu Uyển) là công trình tiêu biểu cho kiến trúc vườn đậm chất truyền thống Hàn Quốc với sự hài hòa, thay đổi không gian uyển chuyển từ triền đồi thoai thoải đến thung lũng và khu rừng xanh bát ngát, tất cả tạo nên vẻ đẹp đơn sơ, thuần khiết tựa như chưa từng có dấu tay con người.
Khu hậu viên chiếm tới 60% trên tổng diện tích 430.000m2 của toàn cung. Đây chính là nơi sâu nhất ở phía Bắc của cung Changdeok, là nơi nghỉ ngơi, thư giãn của nhà vua và hoàng thất. Khu vực này còn là nơi diễn ra các kỳ thi, các buổi chiêu đãi yến tiệc, và các cuộc săn bắn.
Xung quanh hậu viên còn có nhiều hồ sen lâu đời như hồ Buyong (Phù Dung); hồ Aeryeon (Ái Liên), hồ Jondeok (Tôn Đức); và các kiến trúc khác như đình Buyong (Phù Dung), đình Jondeok (Tôn Đức) và đình Gwanram (Quan Lãm). Các hồ và đình ngắm cảnh cũng là những công trình được xây dựng, đẽo gọt tỉ mỉ, thể hiện sự tinh tế và tình yêu thiên nhiên sâu sắc của người xưa.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Hồ Buyong (Phù Dung)

  • Đình Jondeok (Tôn Đức)

Close