Phần 4: Cung diện Changdeok (Xương Đức)

Với vẻ đẹp hài hòa giữa kiến trúc và tự nhiên, Cung điện Changdeok (Xương Đức) đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997.
Đây là cung điện duy nhất tại Hàn Quốc được bầu chọn là di sản thế giới và cũng là cung điện được các vị vua Joseon yêu quý nhất.

Cung Changdeok (Xương Đức) được xây dựng như một cung điện phụ vào đời vua Taejong (Thái Tông) năm thứ năm (1405).
Trong thời Joseon, nơi nhà vua sinh hoạt, lâm triều được gọi là pháp cung (cung điện chính) và nơi nhà vua lánh nạn khi có biến cố được gọi là di cung (cung điện phụ). Trong lịch sử 500 năm của triều đại Joseon, các vị vua đã sử dụng cung phụ Changdeok (Xương Đức) trong vòng 258 năm.

Ngoài lý do cung điện chính Gyeongbok (Cảnh Phúc) bị đốt cháy trong thời kỳ Imjinwaeran (Biến loạn Nhâm Thìn) năm 1592, cung Changdeok còn được yêu thích bởi vẻ đẹp vừa sống động lại vừa gần gũi, cách bài trí không gian thanh thoát nương theo chân núi và địa hình tự nhiên xung quanh.




Đi qua cổng chính hai tầng, mặt trước có năm gian là cổng Donhwa (Đôn Hóa), không gian bên trong cung mở ra với chiếc cầu đá hình cầu vồng Geumcheon (Cẩm Xuyên), điện Injeong (Nhân Chính) trấn giữ phía Nam; điện Seonjeong (Tuyên Chính) là nơi làm việc của nhà vua; điện Daejo (Đại Tạo) là nơi nghỉ ngơi của hoàng hậu.

Các tòa nhà trong cung Changdeok được bố trí theo địa hình gấp khúc của mạch núi, mỗi một công trình tưởng như đã hiện diện sẵn cùng núi rừng tự nhiên, thể hiện những tính toán khoa học ưu việt trong xây dựng của người xưa.

- Không, không làm theo cách này được. Chúng ta phải hiểu mệnh lệnh “phải làm nổi bật sự tôn nghiêm của điện hạ khi dựng sân điện Injeong (Nhân Chính)” như thế nào đây?
- Đúng vậy, điện Injeong (Nhân Chính) đâu phải là nơi bình thường? Đây là nơi các quan đại thần dâng tấu lên vua và nghênh tiếp sứ thần các nước. Phải làm thế nào để long nhan tỏa sáng vừa oai phong, vừa tôn nghiêm đây?
- Ta đã tính kỹ rồi. Để làm sáng long nhan theo mọi hướng thì chúng ta phải đặt vật có thể phát sáng ở khu Woldae (Nguyệt Đài), gần chỗ ngự của điện hạ.
- Phát sáng? Vậy đá trắng có được không? Ánh nắng mặt trời phản chiếu lên đá này, sẽ khiến những phần gồ ghề của đá trở nên lấp lánh, tỏa sáng theo mọi hướng, và làm cho sân điện Injeong (Nhân Chính) rực rỡ lên.


Đá trắng ở đây là loại đá hoa cương có vân mây, trộn cùng thạch anh trắng - thành phần chính khi làm kính. Khi dùng đá trắng lát sân điện, đá này sẽ phản xạ ánh sáng đa chiều và có tác dụng như đèn chiếu, làm rạng rỡ khuôn mặt của nhà vua.

Điện Injeong (Nhân Chính) còn được thiết kế đặc biệt nhằm khuếch tán âm thanh. Mái vòm của điện hơi vểnh lên so với các tòa nhà khác, có tác dụng truyền dẫn lời của nhà vua ngự trên Woldae (Nguyệt Đài) vang vọng xuống tận sân điện. Đằng sau công trình có thiết kế khoa học với địa thế hài hòa cùng tự nhiên này là một không gian cũng độc đáo và ấn tượng không kém.



Huwon (Hậu Viên) nằm ở nơi sâu nhất, phía Bắc cung Changdeok, là nơi nghỉ ngơi của vua và hoàng thất.
Khu hậu viên chiếm tới 60% trên tổng diện tích 430.000m2 của toàn cung, với hơn 160 loài cây trồng.
Sâu trong hậu viên có rất nhiều không gian ngắm cảnh tinh tế, hài hòa với tự nhiên, như hồ Buyong (Phù Dung);
hồ Aeryeon (Ái Liên), đình Gwanram (Quan Lãm) có mái hình dẻ quạt nhìn xa trông giống như một chiếc thuyền đang neo đậu trên bến sông; đình Chwihan (Thúy Hàn) với rừng thông bao phủ xung quanh.
Hơn 290.000 cây trong hậu viên đều do bàn tay con người vun trồng, chăm sóc. Các hồ và đình ngắm cảnh cũng là những công trình được xây dựng, đẽo gọt tỉ mỉ. Bàn tay nghệ nhân tạo nên những công trình này quá khéo léo và tinh tế, khiến ta có cảm giác như đang đi vào sâu trong núi rừng, bất chợt bắt gặp những tuyệt tác của tự nhiên có từ hàng trăm năm trước.

- Thế tử, mặt trời đã lặn từ lâu rồi, mà sao con vẫn ở đình Soyo (Tiêu Diêu), nơi sâu nhất trong Hậu viên?
- Thưa phụ hoàng, con cứ mải ngắm suối Okryu (Ngọc Lưu), ngỡ như mình đang tan chảy cùng thiên nhiên, nên quên mất cả thời gian trôi.
- Haha, con hiểu được triết lý con người hòa mình vào thiên nhiên là giỏi lắm. Nhưng có một điều thái tử phải nhớ lấy!
- Là gì ạ, thưa phụ hoàng?
- Làm vua thì cũng phải hòa mình với cuộc đời, với bách tính, giống như Hậu viên này được dựng nên theo nguyên lý của đất trời. Có như thế thì bách tính mới được bình an.



Hậu viên không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là không gian gửi gắm tình thương dân; và cung Changdeok (Xương Đức) cũng là nơi bao đời vua Joseon dừng chân, hòa mình vào thiên nhiên, suy ngẫm về một nền chính trị chân chính, vì dân, vì nước. Quả không sai khi nói cung Changdeok chính là sự thăng hoa của triết học và tâm hồn của hoàng gia triều đại Joseon.

Close