Pháo đài Hwaseong (Hoa Thành)

Đặc trưng

Nơi gửi gắm tấm lòng hiếu thảo
của vua Jeongjo (Chính Tổ)

Sau khi lên ngôi, vua Jeongjo (Chính Tổ) đã giải oan cho cha mình là Thái tử Sado (Tư Điệu, 1735-1762) bằng cách phong cho cha hiệu của vua là Jangjo (Trang Tổ), di dời mộ cha về núi Hwasan thuộc thành phố Suwon, nơi được cho là mảnh đất tốt lành nhất lúc bấy giờ, và đặt tên cho khu vực này là Hwaseong (Hoa Thành).
Pháo đài Hwaseong được xây dựng từ năm Jeongjo thứ 18 (năm 1794) và hoàn thành vào năm 1796. Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng hiếu nghĩa, Hwaseong còn thể hiện tâm nguyện của vua Jeongjo muốn củng cố ngôi vị, thiết lập một nền chính trị vững mạnh và phát triển mũi nhọn quân sự ở khu vực phía Nam thủ đô.

Nguồn: Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc

Nguồn: Sách Uigwe (Nghi Quỹ) ghi chép về việc di dời mộthái tử Jangheon (Trang Hiến), thân sinh vua Jeongjo (Chính Tổ)

Tinh hoa kỹ thuật xây thành của thế giới

Pháo đài Hwaseong (Hoa Thành) là kết quả rực rỡ nhất của đường lối Silhak (Thực học) cuối triều đại Joseon.
Thực học phê phán sự cứng nhắc và hình thức của Nho giáo, đồng thời coi trọng các môn khoa học có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.
Học giả bậc nhất của Joseon khi đó là Jeong Yak-yong đã nghiên cứu tài liệu giới thiệu thành trì phương Tây, vận dụng các ưu điểm xây thành Đông Tây, phát minh máy Geojunggi (Cử trọng cơ) và ròng rọc để vận chuyển những tảng đá lớn. Chính nhờ các thiết bị tiên tiến này mà thời gian xây thành đã được rút ngắn từ 10 năm xuống chỉ còn hai năm chín tháng.

  • Máy Geojunggi (Cử trọng cơ)

  • Ròng rọc

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Công trình quân sự ưu việt của thế kỷ XVIII

Pháo đài Hwaseong hội tụ năng lực phòng vệ quân sự tiên tiến. Kiến trúc của Hwaseong vừa tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, vừa mang tính khoa học cao. Bốn cửa thành bên ngoài được xây dựng theo cấu trúc thành kép, với thành chính bên trong được bảo vệ bởi lớp tường thành hình bán nguyệt gọi là Ongseong (Ủng thành) ở bên ngoài.
Khu vực đài quan sát hình trụ Gongsimdon (Không Tâm Đôn) được xây bằng đá, chỉ có thể quan sát từ trong ra mà không thể nhìn từ bên ngoài vào, có rất nhiều lỗ châu mai đặt sẵn súng và pháo, đảm bảo có thể vừa phòng thủ vừa tấn công từ trong thành. Không chỉ thế, đá trong thành được xếp theo hình zích zắc, giúp thành thêm kiên cố trước sự tấn công của đạn, pháo từ bên ngoài.

Khu vực đài quan sát hình trụ Gongsimdon (Không Tâm Đôn)

Vua Jeongjo (Chính Tổ), nhà quân chủ đổi mới

Sau khi xây dựng Hwaseong (Hoa Thành) như một thành phố đổi mới chuẩn mực, vua Jeongjo đã thí điểm mô hình nông trang quốc doanh phục vụ sản xuất ở bên ngoài thành và lập khu chợ quy mô lớn phục vụ nhu cầu giao dịch trong và ngoài nước ở bên trong thành. Thêm một điểm đặc biệt khi xây Hwaseong, khác với kiểu quân dịch bắt buộc thông thường, vua ban bố chế độ làm bao nhiêu hưởng công bấy nhiêu để huy động lực lượng hỗ trợ từ phía nhân dân. Đây là một điểm mới, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử xây thành.

Vua Jeongjo (Chính Tổ), vị vua thứ 22 triều đại Joseon

Kết cấu kiến trúc hài hòa cùng tự nhiên

Đúng như ý nghĩa tên gọi “thành của hoa”, thành Hwaseong có kiến trúc tận dụng tối đa điều kiện địa hình xung quanh, nối kết hài hòa với suối, với núi, như một phần vốn có của tự nhiên.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • “Hwaseong songyeok uigwe” - Nghi Quỹ ghi chép về pháo đài Hwaseong, bản báo cáo tổng hợp về kiến trúc thành Hwaseong

    Toàn bộ quá trình xây dựng thành Hwaseong đã được ghi lại trong Uigwe (Nghi Quỹ). “Hwaseong songyeok uigwe” là cuốn sách ghi lại tỉ mỉ những chi tiết cùng các phần minh họa quá trình xây dựng pháo đài Hwaseong như số lao động được huy động từ khâu thiết kế đến khánh thành, nơi xuất thân của những lao động này, tổng chi phí xây dựng, xuất xứ của loại gỗ và đá sử dụng, các máy móc được sử dụng hay phương pháp xây thành... Thư tịch này được hoàn thiện sau khi xây xong thành, tức vào năm 1801, và vào năm 2007 được UNESCO công nhận là Ký ức thế giới.

  • Nguồn: Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc

Close