Phần 2: Janggyeong Panjeon ở chùa Haein, nơi lưu giữ Đại trường Kinh thời Goryeo

Cùng với chùa Bulguk (Phật Quốc); động Seokgul (Thạch Quật) và Jongmyo (Tông Miếu), Đại trường Kinh thời Goryeo tại chùa Haein (Hải Ấn), thuộc huyện Hapcheon, tỉnh Nam Gyeongsang đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995.
Nơi lưu giữ bản kinh khắc gỗ đầu tiên trên thế giới này chính là Janggyeong Panjeon (Điện Tàng kinh bản), thư viện lưu giữ thư kiện khắc gỗ lâu đời nhất thế giới.

Palmandaejanggyeong (Bát vạn đại trường kinh) là tuyển tập 80.000 bản kinh khắc trên gỗ lời dạy của Phật, thể hiện tấm lòng đồng tâm thỉnh Phật của những Phật tử thời đại Goryeo, giúp đất nước chiến đấu chống lại quân xâm lược Mông Cổ trong thế kỷ XIII.

- Các khanh, hàng ngàn quân Mông Cổ lại đang tràn vào bờ cõi nước ta. Chiến tranh kéo dài khiến quân đội ta mệt mỏi, bách tính phải chịu lầm than, loạn lạc. Theo các khanh thì chúng ta phải làm thế nào?
- Tâu bệ hạ, Vua Thái tổ đã lập nên nhà nước Goryeo là quốc gia lấy đạo Phật làm quốc giáo. Người cũng đã từng răn dạy rằng 'Hãy sống theo lời dạy của đức Phật'.
- Ý khanh là muốn làm đại trường kinh lưu lại lời dạy của đức Phật đúng không? Cũng phải, cách đây hai trăm năm, chúng ta cũng đã từng chiến thắng sự xâm lăng của dân tộc Khiết Đan khi khắc bộ Chojodaejanggyeong (Sơ điêu đại tàng kinh).
- Đúng vậy, tâu hoàng thượng. Tuy bộ Chojodaejanggyeong đã bị quân Mông Cổ đốt cháy, chúng thần nghĩ rằng lần này chúng ta cũng có thể đuổi được quân địch với sức mạnh của Phật pháp.

Vậy là để đánh đuổi quân Mông Cổ, giữ gìn bờ cõi non sông, vua Gojong (Cao Tông) triều đại Goryeo đã cho khắc kinh Phật lên các bản khắc gỗ vào năm 1236.
Tuy nhiên bộ Palmandaejanggyeong (Bát vạn đại trường kinh) phải mất 16 năm, tức đến năm 1251, mới được hoàn thành.
Để giữ gìn tuổi thọ lâu dài cho bộ kinh, các nghệ nhân phải đốn cây trong mùa đông rồi ngâm gỗ trong nước biển liên tục trong vòng hai năm, sau đó phơi khô trong suốt một năm.

Những nghệ nhân làm mộc, nhà thư pháp, nhà sư được tuyển chọn trên toàn quốc để thực hiện bộ kinh. Cứ mỗi khi khắc một chữ, những người này lại quỳ và lạy ba lạy để bày tỏ tấm lòng thành kính, tôn nghiêm trong suốt quá trình thực hiện.
Mỗi bản gỗ có chiều dài 70 cm, chiều ngang 25 cm, độ dày 3,5 cm và có thể khắc 644 chữ; và những nghệ nhân thực hiện phải lạy 1.900 lần mới có thể hoàn thành một bản kinh.

Bộ Palmandaejanggyeong(Bát vạn đại trường kinh) đã được đưa vào danh sách Ký ức thế giới của UNESCO năm 2007 không chỉ bởi đây là bộ đại trường kinh lâu đời nhất mà còn bởi kỹ thuật khắc gỗ tinh xảo, thể hiện trình độ khắc gỗ vượt bậc của thời đại Goryeo.

Tuy nhiên, bộ kinh quý giá này sẽ không thể tồn tại đến ngày nay nếu không có khu bảo tồn Janggyeong Panjeon (Điện Tàng kinh bản) nằm trong chùa Haein (Hải Ấn).

- Thưa thầy, khu nhà bảo tồn “Bát vạn đại trường kinh” ở mặt trước có cửa sổ dưới lớn hơn cửa sổ trên, mặt sau có cửa sổ trên lớn hơn cửa sổ dưới, có phải không ạ?
- Đúng vậy. Đây là công việc vô cùng quan trọng, nhờ ông làm kỹ cho.
- Dạ vâng thưa thầy, nhưng tôi làm mộc đã hơn 50 năm nhưng chưa từng làm kiểu cửa sổ như thế này. Có lý do gì đặc biệt không ạ?
- Đại trường kinh khắc trên gỗ nên nếu độ ẩm cao quá thì dễ mọt, mà khô quá thì lại dễ nứt. Nên nếu ta trổ nhiều cửa sổ với kích thước khác nhau thì sẽ giúp thông gió, duy trì nhiệt độ thích hợp để bảo tồn các bản kinh tốt hơn.

Palmandaejanggyeong - Đại trường kinh trong thời Goryeo được bảo quản tại chùa Seonwon (Thiền Nguyên) (nay thuộc đảo Ganghwa, thành phố Incheon), nhưng về sau được chuyển về chùa Haein (Hải Ấn) vào năm 1398, đời vua Thái Tổ thứ 7 thuộc triều đại Joseon.
Để đón nhận trọng trách thiêng liêng là lưu giữ bộ kinh Phật quý giá này, chùa Haein đã hoàn thành việc xây dựng công trình kiến trúc có thiết kế đặc biệt với chế độ thông gió tự nhiên vào năm 1488.
Janggyeong Panjeon (Điện Tàng kinh bản) là tòa nhà gỗ hình chữ nhật với hai khu chứa lớn, mặt trước chia thành 15 gian, mặt bên có hai gian.

Những ô cửa sổ có được thiết kế với kích thước khác nhau giúp cho luồng gió tự nhiên được lưu thông một cách tối đa.
Sàn nhà được nện từ hỗn hợp muối, than hoa, đất hoàng thổ, sẽ hút nước khi ẩm và phả hơi nước khi không khí khô, giúp điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ vô cùng hiệu quả.
Một yếu tố đóng góp không nhỏ cho quá trình lưu giữ bộ kinh là vị trí của chùa Haein (Hải Ấn), nằm ở lưng chừng núi Gaya có độ cao 655m, một địa thế vô cùng khô ráo và thoáng mát.

Chính nhờ hệ thống thông gió tự nhiên vô cùng khoa học nên trong hơn 700 năm qua, những bản kinh gỗ được bảo tồn trong điều kiện tốt nhất, không hề bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời gian hay tự nhiên.
Janggyeong Panjeon (Điện tàng kinh bản) của chùa Haein (Hải Ấn) thật xứng đáng là di sản văn hóa thế giới không chỉ vì vẻ đẹp của kiến trúc mà còn bởi kiến trúc kết hợp hài hòa các yếu tố tự nhiên và khoa học.
Đây chính là không gian hội tụ trí tuệ và tinh thần của thời đại, là nơi tôn vinh bộ kinh Phật quý giá nhất mọi thời đại - Palmandaejanggyeong.

Close