Phần 5: Pháo đài Hwaseong (Hoa Thành)

Với những giá trị khoa học, lịch sử, chính trị, và triết học sâu sắc, pháo đài Hwaseong (Hoa Thành) ở thành phố Suwon, tỉnh Gyeonggi, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. Kiến trúc của pháo đài này được khen ngợi là vừa thông minh, hiệu quả, lại vừa uyển chuyển, khác hẳn so với các pháo đài quân sự khác.

Pháo đài Hwaseong (Hoa Thành), là công trình thể hiện tấm lòng hiếu thảo của vua Jeongjo (Chính Tổ) đối với cha của mình là Thái tử Sado (Tư Điệu, 1735-1762). Thái tử Sado bị chính cha mình là vua Yeongjo (Anh Tổ, 1694-1776) vị vua thứ 21 của Joseon, nhốt trong thùng gạo và bỏ đói ở đó cho đến chết. Lúc đó, tức năm 1762, Jeongjo mới chỉ 11 tuổi. Ngay khi trở thành vị vua thứ 22 của Joseon vào năm 1776, vua Jeongjo đã giải oan cho cái chết của cha bằng cách đổi tên hiệu Thái tử Sado (nghĩa là “nghĩ mà buồn”) thành Thái tử Jangheon (Trang Hiến). Năm 1798, ông di dời mộ cha về núi Hwasan thuộc thành phố Suwon, nơi được cho là mảnh đất tốt lành nhất lúc bấy giờ, và đặt tên cho khu vực này là Hwaseong.
Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng cho tấm lòng hiếu nghĩa của vua Jeongjo (Chính Tổ), Hwaseong còn chứa đựng nhiều giá trị to lớn để trở thành một di sản văn hóa thế giới.

- Thưa bệ hạ, bệ hạ tới thăm chúng thần ạ?
- Ơ hờ! Nhà ngươi vẫn chưa giải được bài toán ta đưa cho sao? Jeong Yak-yong, thiên tài số một của Joseon mà cũng lúng túng thế này, chứng tỏ việc xây thành Hwaseong quả là gặp nhiều khó khăn.
- Kính mong bệ hạ lượng thứ. Thành Hwaseong là một bài toán nan giải nhất hiện nay. Thần trộm nghĩ, hơn cả việc thể hiện lòng hiếu nghĩa, Hwaseong phải là nơi dẹp bỏ tận gốc những tư tưởng đảng phái tranh giành nắm quyền quyết định vận mệnh tương lai quốc gia, cũng như khẳng định một thể chế chính trị mới nghiêm minh, vững mạnh. Bởi vậy nên thần vẫn đắn đo, không biết nên thiết kế thế nào để có thể lột tả trọn vẹn những tư tưởng, tinh thần đó.
- Bởi khó như vậy nên ta mới giao cho một học giả thực học như khanh đảm nhiệm. Phải làm sao để dựng thành kiên cố, đảm bảo đời sống bình an, tiện lợi cho nhân dân trong thành. Có thế thì bách tính mới tin tưởng và đi theo ta. Khanh hãy dốc lòng tập trung hơn nữa vào việc xây thành.

Thời Joseon phổ biến hai kiểu thành là thành ấp, thành bao quanh địa bàn sinh hoạt của người dân, và thành núi, là thành để lánh nạn khi gặp chiến tranh. Thành Hwaseong là nơi hội tụ đặc điểm của cả hai kiểu thành nói trên. Với mong muốn cùng cố ngôi vị, thiết lập một nền chính trị vững mạnh, vua Jeongjo đã cho xây dựng Hwaseong như một thành phố mới, có vai trò là trung tâm của nền chính trị, và cũng làmột trong những mũi nhọn phát triển quân đội, nông nghiệp và thương nghiệp của triều đại Joseon.
Để thực hiện tâm nguyện của vua Jeongjo, học giả bậc nhất của Joseon khi đó là Jeong Yak-yong đã tham khảo kỹ thuật kiến trúc các đời vua Joseon trước đó, kiến trúc của Trung Quốc, và các kiến thức khoa học phương Tây trong quá trình thiết kế thành Hwaseong.



- Muôn tâu bệ hạ, sau khi đã tìm hiểu và khảo sát kỹ càng, thần xin được đề xuất tám giai đoạn xây dựng thành gồm chuẩn bị vật liệu, xác định quy mô thành, đào đường hào, xây móng, chuẩn bị đá, làm đường vận chuyển, làm xe kéo và xếp tường thành. Vật liệu xây thành Hwaseong phải là loại đá cứng, được chia thành ba loại là to, vừa và nhỏ. Đá to sẽ xếp ở dưới cùng, càng lên cao thì đá được xếp sẽ có kích thước nhỏ dần giúp tường thành thêm kiên cố. Tuy nhiên, vì đá rất nặng nên thần đã chế tạo ra máy Geojunggi (Cử trọng cơ) giúp vận chuyển những tảng đá lớn dễ dàng hơn. Mong bệ hạ xem xét!

Vào tháng 2 năm 1794, pháo đài Hwaseong chính thức được khởi công, dựa trên bản thiết kế đầy khoa học và sáng tạo của kỹ sư Jeong Yak-yong.
Tường thành Hwaseong có chiều cao từ 4 đến 6m, chu vi 5.744m, bao quanh 130 ha diện tích thành phố mới và đồng ruộng. Xung quanh thành còn có hơn 48 công trình lớn nhỏ khác nhau như bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc; vọng gác, pháo lũy…Việc xây dựng thành Hwaseong là một sự kiện trọng đại trong lịch sử vương triều Joseon. Quá trình này đòi hỏi một cuộc tổng huy động sức người, sức của trên toàn quốc.

Kiến trúc của Hwaseong vừa tận dụng tối đa địa hình tự nhiên, vừa phối hợp một cách hài hòa, khoa học nhiều công trình kiến trúc như hành cung là đầu não trung tâm, ủng thành - lớp thành bán nguyệt để bảo vệ cổng thành, pháo lũy là nơi đặt nòng pháo, vọng gác để theo dõi động thái quân địch.
Đặc biệt hơn, không thể không nhắc đến những trang bị khoa học được áp dụng trong quá trình xây dựng thành như xe đẩy có hai bánh bằng để vận chuyển đá, và ròng rọc dài 11m để xếp đá vào vị trí định sẵn. Chính nhờ các thiết bị tiên tiến này mà thời gian dự tính xây thành đã rút ngắn từ 10 năm xuống chỉ còn hai năm chín tháng.
Có thể khẳng định pháo đài Hwaseong chính là một trong những kiệt tác kiến trúc nổi bật trên thế giới, góp phần ca ngợi bàn tay và khối óc ưu việt của con người.

Pháo đài Hwaseong không chỉ là công trình hội tụ những thành tựu khoa học kỹ thuật nổi bật của triều đại Joseon thế kỷ XVIII, mà còn là nơi gửi gắm nhiều hoài bão và khát vọng về một nền chính trị chân chính của vua Jeongjo. Đúng như ý nghĩa tên gọi “thành của hoa”, thành Hwaseong là đóa hoa kiến trúc rực rỡ nhất của giai đoạn cuối thời Joseon.

Close