Tường thành Namhansanseong
(Nam Hán Sơn Thành)

Đặc trưng

Thủ đô dự phòng của triều đại Joseon

Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) là thành trì quốc phòng của triều đại Joseon, là công trình thể hiện một cách tổng hợp sự phát triển về kỹ thuật quân sự, vũ khí theo từng thời đại của khu vực Đông Á. Đây đồng thời là kinh thành tạm thời của đất nước trong trường hợp có biến cố.
Tường thành Namhansanseong được xây dựng trên dải núi cách thủ đô Seoul 25 km về phía Đông Nam, với quy mô diện tích đất bên trong thành tương đương với một thành phố, đủ để nhà vua và bách tính có thể lánh nạn khi cần.
Khu vực hành cung bên trong thành là nơi duy nhất có cả không gian thờ bài vị các đời vua Joseon là Jongmyo (Tông Miếu) lẫn không gian lập đàn tế lễ thần Thổ địa và Thần mưa, Sajik (Xã Tắc). Namhansanseong không chỉ là công trình quân sự mà còn đóng vai trò quan trọng là thủ đô dự phòng của triều đại Joseon.

Kiến trúc xây thành điển hình của Hàn Quốc

Namhansanseong có độ cao trung bình 480m so với mực nước biển và có chu vi 11 km trải dài theo địa thế núi hiểm trở, rất khó tiếp cận và tiến công kể cả khi có lượng binh lực lớn. Bên trong thành có địa hình bằng phẳng, rộng rãi chứa hơn 80 giếng nước, 45 ao hồ, hoàn toàn đủ không gian để chứa hàng vạn quân binh.
Công trình này được xây dựng lần đầu tiên từ đầu thế kỷ VII. Trong giai đoạn từ thế kỷ XVI đến thể kỷ XVIII, cùng với sự phát triển của các loại vũ khí mới, thành cũng liên tục được nâng cấp, cải tạo để đối phó hiệu quả với pháo và vũ khí tầm xa. Có thể khẳng định Namhansanseong là công trình tiêu biểu cho lịch sử, phương pháp và kỹ thuật xây thành của Hàn Quốc.

① Thời kỳ trước triều đại Joseon - Xếp những viên đá được đẽo tròn trịa xung quanh như hạt ngô
② Thời Injo (Nhân Tổ; đầu thế kỷ XVII), Wonseong (Nguyên Thành) - Xếp đá đã được gia công thành khối chữ nhật bằng phẳng
③ Thời Sukjong (Túc Tông; cuối thế kỷ XVII), Thành Hanbong (Hán Phong) - Xếp những viên đá nhỏ vào giữa những khối đá to và đá tảng
④ Thời Yeongjo (Anh Tổ; giữa thế kỷ XVIII), Thành Sinnam (Tân Nam) - Xếp vững chãi, vừa vặn theo từng góc cạnh, mép đá

Trí tuệ xây thành

  • Yeojang (Nữ tường), khu vực vừa công vừa thủ
    Nữ tường (tường hoa, lan can) là dải tường thấp được xây lên trên trường thành, vừa là không gian ẩn náu, vừa có những lỗ châu mai. Theo tài liệu ghi lại thì Namhansanseong có khoảng 1.944 đoạn nữ tường.
  • Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Ammun (Ám môn), cửa bí mật vận chuyển kho lương và di chuyển binh lực
    Namhansanseong có 16 cửa bí mật, được bố trí ở những địa điểm địch khó quan sát và trong trường hợp bị địch bao vây, có thể bí mật nhờ viện trợ hay vận chuyển lương thực vào thành qua những cửa này.
  • Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Ongseong (Ủng thành), nơi bố trí Ammun và nòng pháo
    Lớp thành được xây bên ngoài lớp thành chính, có hình giống như một nửa chiếc chum (bán nguyệt) được gọi là Ongseong (Ủng thành) hay thành bán nguyệt, có nhiệm vụ bảo vệ cửa thành và ngăn cản đợt tấn công đầu tiên của quân địch. Namhansanseong có năm thành bán nguyệt và cuối mỗi điểm thành này đều có chỗ đặt nòng pháo.
  • Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Nghi thức tế lễ

Tế lễ Namhansanseong là nghi thức tế lễ vẫn được bảo tồn và duy trì từ triều đại Joseon. Vào ngày 5 tháng 9 âm lịch hàng năm, nghi thức tế lễ được thực hiện ở điện Sungnyeol (Sùng Liệt) nhằm tưởng nhớ vua Onjo (Ôn Tộ), vị vua đầu tiên của triều đại Baekje, và Yi Seo là người chịu trách nhiệm xây thành thời kỳ đầu dưới thời đời vua Injo (Nhân Tổ), triều đại Joseon. Đền Hyeonjeol (Hiển Tiết) trong thành cũng là nơi thờ ba vị nghĩa sĩ là Yun Jip, Hong Ik-han, Oh Dal-je vào ngày 10 tháng 9 âm lịch hàng năm. Khi nhà Thanh của Trung Quốc tấn công xâm lược triều đại Joseon lần thứ hai vào năm Bính Tý (được gọi là Byeongjahoran, từ tháng 12 năm 1636 đến tháng 1 năm 1637), ba nghĩa sĩ này đã kiên quyết không chịu đầu hàng địch, bị bắt sang Trung Quốc và cuối cùng bị xử tử.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Close