Jongmyo (Tông Miếu)

Đặc trưng

Jongmyo, biểu tượng lễ nghĩa của triều đại Joseon

Sau khi chọn Hanyang (Hán Dương, tên gọi cũ của thủ đô Seoul) làm kinh đô và cho xây cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) làm cung chính, Thái Tổ Yi Seong-gye đã ngay lập tức cho xây dựng Jongmyo (Tông Miếu) và đàn tế lễ Sajik (Xã Tắc).
Jongmyo là từ đường quan trọng nhất của quốc gia, là nơi thờ bài vị của các vị vua và hoàng hậu triều đại Joseon. Còn đàn Sajik (Xã Tắc) là nơi làm lễ cúng thần Lúa và thần Đất, cầu nguyện cuộc sống ấm no, thanh bình cho muôn dân.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Jongmyo (Tông Miếu)

  • Đàn tế lễ Sajik (Xã Tắc)

Cấu trúc của Jongmyo (Tông Miếu)

Công trình quan trọng nhất của Jongmyo là Jeongjeon (Chính điện), nơi thờ 49 bài vị của các bậc đế vương và điện Yeongnyeong (Vĩnh Ninh), nơi đặt bài vị của 34 vị vua chúa và hoàng phi không được đặt bài vị tại Chính điện. Phía trước khu vườn của Jeongjeon là từ đường Gongsin (Công Thần), nơi thờ bài vị của 83 bậc công thần triều đại Joseon.

① Jeongjeon (Chính điện) ② Điện Yeongnyeong (Vĩnh Ninh)

  • Nơi yên nghỉ
    của các bậc đế vương

    Theo quan niệm từ xưa tới nay của người Hàn Quốc, tấm bài vị bằng gỗ có ghi tên người đã khuất là nơi các linh hồn dừng chân nghỉ ngơi.
    Jongmyo là nơi lưu giữ bài vị của các bậc đế vương suốt 519 năm với 25 đời vua Joseon, từ đời vua Taejo (Thái Tổ) đến đời vua Sunjong (Thuận Tông). Hai vị vua bị truất ngôi là Yeonsangun (Yên Sơn Quân) và Gwanghaegun (Quang Hải Quân) không được thờ tại nơi này.

  • Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Jeongjeon (Chính điện),
vẻ đẹp giản dị mà uy nghiêm

Với tổng chiều dài lên tới 101m, Jeongjeon là công trình kiến trúc bằng gỗ dài nhất trên thế giới. Khi mới được xây dựng vào năm 1395, Jeongjeon chỉ có bảy gian thờ, nhưng về sau được cơi nới thành 19 gian như ngày nay.
Vì đây là nơi yên nghỉ của các linh hồn đế vương nên kiến trúc và màu sắc của Jeongjeon tuy không cầu kỳ, rực rỡ nhưng vẫn thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng của một nơi thực hiện các nghi lễ thờ cúng tổ tiên của toàn quốc gia.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Công trình tượng trưng cho đạo hiếu

Trước cửa chính của Tông Miếu là Oedaemun (Ngoại đại môn) có bia “Hama” (Hạ mã), ý chỉ dù là vua thì khi bước vào đây cũng phải xuống ngựa đi bộ, thể hiện sự tôn kính, hiếu thuận với tổ tiên.

Jongmyo Jerye (Tế lễ Tông Miếu),
Jongmyo Jeryeak (Nhạc tế lễ Tông Miếu)

Tế lễ Tông Miếu cho đến nay vẫn được tái hiện lại vào Chủ Nhật tuần đầu tiên của tháng 5 hàng năm. Lịch sử triều đại Joseon tuy đã khép lại, nhưng từng nghi thức và chi tiết chuẩn bị cho lễ tế vẫn được bảo tồn nguyên vẹn theo quy tắc chuẩn mực được quy định từ năm 1462. Chính vì nét độc đáo này mà vào năm 2001, Tế lễ Tông Miếu và Nhạc tế lễ Tông Miếu đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nhạc tế lễ Tông Miếu có sự kết hợp biểu diễn các nhạc cụ, hát và múa với các động tác đơn giản mà trang nghiêm.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Close