Khu di tích lịch sử
thành phố Gyeongju

Đặc trưng

Gyeongju, thành phố nghìn năm

Thành phố Gyeongju có năm khu vực lịch sử tiêu biểu là khu Namsan (núi Nam) với nhiều di tích Phật giáo đa dạng, khu di tích Wolseong (Nguyệt Thành) có nền móng hoàng cung xưa, khu di tích Daeneungwon (Đại Lăng Uyển) tập trung nhiều lăng mộ, chùa Hwangnyong (Hoàng Long) là di tích chùa điển hình và khu di tích Sanseong (Sơn thành) là thành trên núi bao quanh để bảo vệ thành phố.

Khu di tích Namsan

Núi Namsan ở Gyeongju là địa danh lưu lại hơi thở của thời đại Silla, nơi người dân khát khao hướng tới một đất nước Phật giáo.
Trong lịch sử xa xưa, vùng núi Namsan đã được miêu tả là khu vực có “nhiều chùa như sao mọc trên trời”. Núi Namsan đồng hành cùng lịch sử hưng thịnh và suy vong của nhà nước Silla. Ở đây có giếng Najeong (La Tỉnh) là nơi vua Bak Hyeokgeose của triều đại Silla ra đời theo truyền thuyết, đình Poseok (Bào Thạch) là nơi chứng kiến sự kết thúc của vương triều Silla. Trên núi Namsan còn có hơn 100 tượng Phật như tượng Phật đá ngồi ở hẻm núi Mireuk (Di Lặc), tượng phật đá đứng ở phường Baeri, tượng Phật khắc trên vách đá ở am Chilbul (Thất Phật); 100 tháp đá và hơn 150 di tích chùa chiền.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Tượng Phật khắc trên vách đá ở am Chilbul (Thất Phật)

  • Tháp đá ba tầng ở vết tích nền móng chùa Yongjang (Nhung Trường)

Khu di tích Wolseong (Nguyệt Thành)

Wolseong vốn có tên là Banwolseong, tức là thành bán nguyệt. Bên trong thành là không gian rộng rãi, cảnh quan tươi đẹp, địa thế thích hợp để xây dựng cung điện cho vương triều Silla. Nơi đây có khu di tích Gyerim (Kê Lâm) là nơi sinh của Kim Al-ji, ông tổ họ Kim gốc Gyeongju, một trong ba hoàng tộc triều đại Silla; Donggung (Đông Cung), nơi có điện Imhae (Lâm Hải), được xây trong thời kỳ Silla thống nhất; hồ Wolji (Nguyệt Trì) còn được gọi là hồ Anap; và đài Cheomseong (Chiêm Tinh) là công trình thiên văn lâu đời nhất châu Á.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Khu di tích Daeneungwon (Đại Lăng Uyển)

Daeneungwon là nơi tập trung những lăng mộ lớn của triều đại Silla. Tên gọi này vốn được ghi trong Samguksagi (Tam quốc sử ký) trong chi tiết “Vua Michu (Vị Trâu) làm lễ cúng tại Daeneung (Đại Lăng)”.
Tùy theo quyền lực, địa vị từ trên xuống dưới như vua, hoàng hậu, quý tộc mà khu lăng mộ được phân chia làm nhiều khu vực như khu lăng mộ thôn Hwangnam, khu lăng mộ thôn Nodong, khu lăng mộ thôn Noseo… Các hiện vật thu được trong quá trình khai quật lăng mộ gồm có vương miện bằng vàng, Cheonmado (Thiên Mã đồ - bức vẽ thiên mã), chén thủy tinh, các loại bình, đồ sành được cho là vật dụng sinh hoạt của người Silla xưa.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Khu di tích Hwangnyong (Hoàng Long)

Chùa Hwangnyong (Hoàng Long) là ngôi chùa lớn nhất của triều đại Silla. Vào năm 553, trong khi xây cung điện ở phía Đông Wolseong (Nguyệt Thành), vua Jinheung (Chân Hưng) thì nhìn thấy có con rồng vàng bay lên, nên cho đổi thành xây chùa và đặt tên chùa là Hwangnyong (Hoàng Long).
Khu di tích Hwangnyong (Hoàng Long) có di tích nền móng của chùa Hwangnyong xưa và chùa Bunhwang (Phân Hoàng). Trước khi bị cháy do bị quân Mông Cổ tấn công vào năm 1238 (năm thứ 25 đời vua Gojong (Cao Tông) triều đại Goryeo), chùa Hwanyong là ngôi chùa lớn nhất châu Á, được coi là ngôi chùa bảo vệ đất nước trong suốt 700 năm.

Hình ảnh mô phỏng khôi phục chùa Hwangnyong (Hoàng Long)

Khu di tích Sanseong (Sơn thành)

Khu di tích Sanseong (Sơn thành) là công trình phòng thủ chủ chốt của kinh đô, được phỏng đoán là xây dựng từ năm thứ 400 sau Công Nguyên. Thành Myeonghwal (Minh Hoạt) được xây dựng quanh núi Myeonghwal, ở phía Nam hồ Bomun (Phổ Môn), vừa là công trình cố thủ chống giặc ngoại xâm, vừa được sử dụng làm hoàng cung tạm thời khi có biến. Thành bao gồm 5 km thành đất và 4,5 km thành đá.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Thành Myeonghwal (Minh Hoạt)

Đài Cheomseong (Chiêm Tinh)

Đài Cheomseong được xây dựng từ giữa thể kỷ thứ VII thuộc triều đại nữ hoàng Seondeok (Thiện Đức), là nơi để quan sát sự chuyển dịch thiên văn. Trong suốt hơn 1.300 năm qua, Đài Cheomseong vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc hình ống và được ngợi ca là đài thiên văn lâu đời nhất châu Á, phản ánh sự phát triển khoa học vượt bậc của triều đại Silla.

Lăng mộ Thiên mã - Cheonmachong (Thiên Mã trủng)

Dự đoán được xây dựng vào cuối thế kỷ V đến đầu thế kỷ VI, Cheonmachong là lăng tẩm duy nhất tại Daeneungwon được công khai kiến trúc bên trong lăng. Di tích này có tên chính thức là “Lăng mộ số 155”, nhưng trong thực tế khi khai quật, người ta phát hiện một bức tranh trên vỏ cây có vẽ hình ngựa đang bay có gắn vạt yên ngựa (dụng cụ chắn bùn cho người cưỡi ngựa), nên còn gọi lăng mộ này là Cheonmachong (Thiên Mã trủng – Lăng mộ Thiên mã).
Vương miện bằng vàng khai quật trong lăng Cheonmachong cho đến nay vẫn là vương miện có kích thước lớn nhất, tinh xảo và lộng lẫy nhất của triều đại Silla.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Lăng mộ Thiên mã - Cheonmachong (Thiên Mã trủng)

  • Cheonmado (Thiên Mã đồ)

Close