Phần 11: Tường thành Namhansanseong(Nam Hán Sơn Thành)

Vào năm 2014, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận tường thành Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) thuộc thành phố Gwangju, tỉnh Gyeonggi, là di sản văn hóa thế giới.
Namhansanseong tận dụng địa hình núi rừng tự nhiên hiểm trở, vừa là thành trì phòng vệ của triều đại Joseon, vừa là kinh thành tạm thời của đất nước trong trường hợp có biến cố. Đây là di tích phản ánh toàn bộ sự phát triển của kỹ thuật xây thành từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIX.
"Năm vua Munmu thứ 12, đời Silla thứ 30. Xây thành Jujang (Trú Trường) ở vùng Hansan (Hán Sơn) phía Nam sông Hàn. Chu vi thành lên tới 4.360 bộ. (Đơn vị đo chiều dài thời xưa, không chính xác: một bộ là sáu thước hoặc sáu thước bốn tấc)"
Samgukyusa (Tam quốc di sự) do ông Kim Bu-sik soạn thảo có ghi chép vào thế kỷ VII, triều đại Silla đã cho xây thành Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) ở lưu vực sông Hàn, nhằm ngăn chặn sự xâm lược của nhà Đường, Trung Quốc.

Tường truyền đời thủy tổ của vương triều Baekje là Onjo cũng đặt thủ đô bên trong thành Nam Hán. Namhansanseong có độ cao khoảng 500m so với mực nước biển, chu vi 8km, trỉa dài theo địa thế núi hiểm trở, và là một trong những thành lũy quân sự vô cùng đắc địa. Trên thực tế, tường thành Namhansanseong chạy dọc theo vách núi và thung lũng, khiến quân địch rất khó nhận ra đây là tường thành. Namhansanseong được đặt ở vị trí cửa ngõ tiến vào thủ đo Seoul, đóng vai trò là tấm bình phòng bảo vệ thủ đô dọc theo lưu vực sông Hàn.
Ngày nay ở Namhansanseong vẫn có vết tích các phiến đá xây thành, nền thành, và kho chứa đồ từ thời tam quốc với ba quốc gia là Silla, Goguryeo và Baekje. Sau khi được xây dựng, Namhansanseong vẫn tiếp tục được gia cố và mở rộng. Vào thời Silla thống nhất, đây là cứ điểm phòng thủ quan trọng ở phía Bắc của nhà nước Silla, và vào triều đại Goryeo thế kỷ XIII, đây là thành lũy giúp đánh đuổi quân xâm lược Mông Cổ. Đặc biệt, vào đời vua thứ 16 triều đại Joseon là vua Injo (Nhâ Tổ) đầu thế kỷ XVII, Namhansanseong đã được thi công toàn diện để có được hiện trạng như ngày nay.

- Các khanh hãy nghe đây!
- Dạ, thưa bệ hạ!
- Chúng ta đang bị thế lực phía Đông Bắc Trung Quốc đe dọa từ bên ngoài, trong nước lại vừa dẹp bạo loạn do Yi Gwal gây ra. Đây chẳng phải là lúc cần mở rộng thành Nam Hán Sơn Thành hay sao?
- Muôn tâu bệ hạ, lời bệ hạ quả là rất đúng ạ. Nam Hán Sơn Thành là "thiên tác chi thành", là tấm áo giáp trời ban. Chi bằng nhân dịp này, ta hãy xây dựng một ngôi thành vừa tiện lợi cho sinh hoạt bên trong, lại khó phát hiện và quan sát từ bên ngoài.
- Ý khanh là muốn ận dụng địa hình hiểm trở của núi bao quanh và địa hình lòng chảo bằng phẳng, rộng rãi bên trong phải không?
- Dạ đúng, thưa bệ hạ. Chỉ cần củng cố thêm các điểm phòng thủ, xây hành cung là nơi bệ hạ nghỉ ngơi khi có biến, ta sẽ có thể chủ động trước mọi tình huống và vượt qua thách thức một cách dễ dàng.
- Đúng vậy, nếu biến Nam Hán Sơn Thành thành một cứ điểm an toàn cho hoàng thất và bách tính lánh nạn thì chúng ta sẽ thực hiện được cùng lúc các hoạt động hành chính và quân sự. Hãy cho thi hành ngay!

Kế hoạch tu bổ và mở rộng Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) được thực hiện từ năm 1624 và hai năm sau đó, Namhansanseong đã có tới 1897 Yeojang (Nữ tường), là dải tường thấp được xây lên trên tường thành, có tác dụng vừa công, vừa thủ; 125 trạm gác trấn thành; 16 Ammun (Ám môn), cửa bí mật vận chuyển kho lương và di chuyển binh lực; ba Ongseong (Ủng thành), lớp thành phụ bên ngoài có hình bán nguyệt. Bên trong thành còn có 80 chiếc giếng, 45 ao hồ, và hành cung là nơi nhà vua điều hành nhà nước trong trường hợp có biến.
Với tổng chiều dài được mở rộng thành 11,7km, thành Namhansanseong là thành phố hành chính, quân sự chiến lược vừa đảm nhiệm vai trò là thủ đô dự bị, vừa là thành lũy vững chắc trên núi có một không hai của triều đại Joseon.
Tuy nhiên, thành Namhansanseong cũng phải đương đầu với nhiều biến cố, đặc biệt khi nhà Thanh, Trung Quốc, tấn công xâm lược triều đại Joseon lần thứ hai, từ tháng 12 năm 1636 đến tháng 1 năm 1637, mà người Hàn gọi là biến loạn Bính Tý (Byeongjahoran).

- Tâu bệ hạ, nhà Thanh đã đem hơn 100.000 quân tiến vào thủ đô Hanyang như vũ bão. Xin bệ hạ hãy mau lánh nạn!
- Quân Thanh đã đánh chiếm con đường nối với Ganghwa ở Gimpo rồi. Nhà ngươi bảo ta phải lánh nạn ở đâu?
- Bệ hạ đã quên Nam Hán Sơn Thành rồi sao? Cách đây 10 năm, thành này đã được tu bổ và mở rộng, trang bị đầy đủ quân đội và lương khố bên trong. Bệ hạ hãy mau chóng lánh nạn đến Nam Hán Sơn Thành.

Vào tháng 12 năm 1636, vua Injo (Nhân Tổ) đã dẫn toàn bộ triều đình đến thành Namhansanseong lánh nạn. Quân Thanh bao vây hàng hàng lớp lớp quanh thành, liên tục bắn đại pháo vào bên trong, nhưng hơn 1.400 binh sĩ Joseon vẫn kiên cường chống trả suốt 45 ngày từ bên trong thành Namhansanseong vững chãi.
Tuy nhiên, do chời mãi mà không thấy quân cứu viện tới, đảo Ganghwa cũng rơi vào tay giặc. Vào tháng 1 năm 1637, vua Injo đã buộc phải mở cửa thành đầu hàng.

Chứng kiến nỗi đau hàng phục quân xâm lược, nước mất nhà tan, Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) vẫn là nơi lưu truyền và tiếp nối tinh thần yêu nước qua các đời vua Joseon. Vào cuối thế kỷ XVII, đời vua Sukjong (Túc Tông), thành Namhansanseong được gia cố và xây cao hơn, đủ kiên cố để chống lại sức tấn công của hỏa pháo.
Vào thế kỷ XVIII, vua Yeongjo (Anh Tổ), và Jeongjo (Chính Tổ) cho làm thêm hệ thống lỗ châu mai dành cho pháo trên tường thành và Ongseong (Ủng Thành) để bắn hỏa pháo. Vua Sukjong cho xây thêm Joajeon (Tỏa điện), có chức năng như điện thời Jongmyo (Tông Miếu) và Usil (Hữu thất) là nơi đặt đàn tế lễ Sajik (Xã Tắc); vua Sunjo (Thuận Tổ) xây thêm Jwaseungdang (Tọa thắng đường) làm nơi thực hiện các công việc chính sự của Lưu thủ phủ Gwangju, tức cơ quan chính quyền Gwangju.
Như vậy, công cuộc gia cố thêm các công trình phòng thủ, lánh nạn cho thành Namhansanseong đã kéo dài đến thế kỷ XIX để đạt dáng vẻ hoàn thiện như ngày nay.

Namhansanseong (Nam Hán Sơn Thành) là cứ điểm quân sự quan trọng bảo vệ bán đảo Hàn Quốc từ thế kỷ VII, đồng thời cũng là nơi vua và dân lánh nạn trong trường hợp có biến cố. Đây là công trình thể hiện một cách tổng hợp sự phát triển về kỹ thuật quân sự, vũ khí theo từng thời đại, và là thành địa thiêng liêng, tôi luyện và hun đúc tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất, tự cường của dân tộc Hàn Quốc.

Close