Phần 9: Quần thể lăng tẩm triều đại Joseon

Vào năm 2009, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận toàn bộ quần thể lăng tẩm triều đại Joseon là di sản văn hóa thế giới. Đây là một trường hợp hiếm hoi khi toàn bộ quần thể lăng tẩm của cả một triều đại được chọn là di sản văn hóa thế giới. Quần thể lăng tẩm triều đại Joseon là nơi lưu giữ lịch sử suốt hơn 500 năm của triều đại Joseon. Triều đại Joseon là triều đại cai trị bán đảo Hàn Quốc từ năm 1392 đến năm 1910. Và “Quần thể lăng tẩm triều đại Joseon” được công nhận là Di sản văn hóa thế giới gồm 40 ngôi mộ của 25 đời vua và hoàng hậu, cùng các vương tử và vương phi triều đại Joseon. Trên thực tế, triều đại Joseon có tổng cộng 42 lăng mộ nhưng hai ngôi mộ thuộc địa phận Bắc Triều Tiên không nằm trong danh sách di sản thế giới của UNESCO.

Lấy Nho giáo làm tư tưởng chính trị, đạo đức chủ đạo, triều đình Joseon luôn coi trọng và nỗ lực trở thành tấm gương Hiếu - Lễ trước muôn dân. Mỗi khi một vị hoàng đế băng hà, triều đình đều xây lăng mộ và thực hiện nghi thức cúng tế vô cùng trang trọng. Và việc quan trọng nhất khi xây lăng mộ là lựa chọn vị trí dựng điện thờ chính.

- Tâu bệ hạ, thừa tướng Ha Ryun xin được vào chầu!
- Ha Ryun đấy à? Khanh đã tìm được nơi chôn cất phụ hoàng chưa?
- Thưa bệ hạ, lăng mộ của Thái thượng hoàng điện hạ là lăng mộ đầu tiên của triều đại Joseon ta. Chúng thần đã tìm được mảnh đất tốt lành xung quanh vùng Paju và Goyang là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện tốt nhất đó ạ!
- Đây có phải là vùng Geomam ở Yangju không? Ta đã ra chiếu chỉ phải xây lăng mộ lấy cung Gyeongbok (Cảnh Phúc) làm gốc, trong phạm vi từ 10 đến 100 dặm. Vùng Geomam ở phía Đông Bắc có thích hợp để xây lăng không?
- Tâu bệ hạ, sau khi làm lễ ở cung điện thì có thể diễu hành tưởng niệm đến Geomam trong ngày. Đây cũng là mảnh đất sinh vượng khí, rất phù hợp để xây từ đường chính.

Nếu như cung điện là nơi ở của nhà vua hiện tại thì lăng mộ là nơi yên nghỉ của những vị hoàng đế đã băng hà. Vì vậy, khi người lập nên triều đại Joseon là Thái Tổ Yi Seong-gye băng hà vào năm 1408, vua kế vị Taejong (Thái Tông) đã dốc sức tìm nơi xây lăng mộ thích hợp cho vua cha.
Theo tài liệu “Taejong sillok” (Thái Tông thực lục), khu vực xây lăng phải cách xa các công trình kiến trúc sẵn có và có không gian thiên nhiên khoáng đạt, đồng thời phải đảm bảo chuẩn mực địa lý phong thủy vô cùng khắt khe. Yêu cầu chọn khu lăng mộ trong phạm vi từ 4 đến 40 km từ trung tâm thủ đô để đảm bảo thuận tiện đi lại và tiết kiệm chi phí, công sức trong quá trình hành lễ. Sau khi đã chọn được mảnh đất tốt, việc xây dựng lăng mộ mới chính thức được bắt đầu.

- Công tào phán thư (Phán thư của bộ Công) đã nhận trọng trách xây lăng mộ cho Thái thượng hoàng, vậy xin hãy đưa ra đề xuất dựng lăng tốt nhất.
- Lăng của Thái thượng hoàng điện hạ chẳng phải sẽ là hình mẫu cho những lăng tẩm sau này hay sao? Sau khi tham khảo nhiều tài liệu, tôi nghĩ chúng ta nên chọn cách chia không gian lăng thành các khu dẫn nhập, khu dâng hương và vị trí đặt mộ.
- Ý của ông là phân định không gian thế tục và linh thiêng trong lăng mộ? Đây sẽ là điểm gặp gỡ giữa hoàng đế đời trước và hoàng đế hiện tại. Nhưng ông định phân biệt ba không gian đó bằng cách nào?
- Hay ta dựng một chiếc cầu phân chia cõi thế tục và cõi linh thiêng ở khu dẫn nhập, xây điện thờ làm nơi cử hành lễ thờ cúng, và sẽ cho dựng nhiều bia đá, tượng đá để hộ giá tiên hoàng tại vị trí đặt hài cốt.

Lăng tẩm Joseon có ba không gian cơ bản là không gian dẫn nhập; không gian cúng lễ và không gian đặt lăng mộ là nơi yên nghỉ của linh hồn các hoàng đế. Ba không gian này trong lăng mộ Joseon sẽ được nối kết bằng các công trình như cầu Geumcheon (Kim Xuyên) và cổng Hongsal (Hồng Tiễn) là ranh giới mở ra cõi linh thiêng; gác Jeongja (Đình Tự) là nơi tiến hành các nghi lễ và phía trước mộ bao giờ cũng có các kiến trúc bia đá, tượng đá với nhiều hình thù, kích thước khác nhau.
Một điểm đặc biệt là quy mô quần thể lăng, hình dạng kiến trúc các công trình hay cách dựng bia đá của các lăng tẩm triều đại Joseon có muôn hình vạn trạng, phản ánh tình hình chính trị hay xu hướng nghi thức của thời đại bấy giờ.

"Khi ta chết thì đừng có dựng phòng đá, quách đá hay tường đá trước mộ để thân ta được nhanh chóng tiêu tan."

Vốn là vị vua thanh liêm nên trong di chúc của mình, vua Sejo (Thế Tổ) có dặn dò phải tối giản lăng mộ. Bởi vậy mà nơi hoàng đế yên nghỉ là Gwangneung (Quang Lăng) cũng không có tấm bình phong đá trong khi các bia và tượng đá xung quanh cũng vô cùng đơn giản.
Rất nhiều lăng tẩm khác cũng phản ánh tình hình chính trị, sự phát triển văn hóa, nghệ thuật của từng thời đại trong suốt 500 năm của triều đại Joseon. Có thể kể đến quần thể lăng Donggu (Đông Cửu), nơi tập hợp chín lăng mộ hoàng đế, trong đó có Taejo (Thái Tổ) là vị vua Joseon đầu tiên; Yeongneung (Anh Lăng) - nơi thờ vua Sejong (Thế Tông) và là lăng đầu tiên đặt chung mộ của nhà vua và hoàng hậu; Hongneung (Hồng Lăng) là nơi thờ hoàng đế Gojong (Cao Tông) an nghỉ, mang phong cách kiến trúc độc đáo của cung điện thời Đại Hàn Đế Quốc (1897-1910); Yureung (Dụ Lăng), nơi thờ Sunjong (Thuần Tông), vị vua thứ 27 và vua cuối cùng triều đại Joseon.

Một trong những yếu tố làm nên giá trị lịch sử lâu đời và tăng thêm tính tôn nghiêm cho quần thể lăng mộ Joseon là Sanneungjerye (Tế lễ sơn lăng). Đây là các nghi thức tế lễ được thực hiện trong suốt 600 năm của triều đại Joseon và được hậu thế bảo tồn, tái hiện lại cho đến tận ngày nay. Chính những giá trị lịch sử lâu dài và liên tục này đã trở thành một trong những yếu tố quyết định đưa “Quần thể lăng tẩm triều đại Joseon” trở thành Di sản văn hóa thế giới.
Lăng tẩm triều đại Joseon được xây dựng dựa trên các yếu tố truyền thống như tư tưởng Nho giáo, phong thủy, đồng thời là nơi hiếm hoi trên thế giới đã bảo tồn, duy trì văn hóa tế lễ liên tục trong suốt một thời gian dài. Quần thể lăng tẩm Joseon chính là không gian văn hóa, lịch sử thiêng liêng và là niềm tự hào của văn hóa Hàn Quốc.

Close