Phần 6: Khu di tích lịch sử thành phố Gyeongju

Vào năm 2000, Khu di tích lịch sử thành phố Gyeongju được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Gọi là “khu di tích lịch sử” bởi toàn bộ thành phố Gyeongju (tỉnh Bắc Gyeongsang) là một bảo tàng khổng lồ, bảo toàn nguyên vẹn những giá trị lịch sử và văn hóa huy hoàng của triều đại Silla. Gyeongju là kinh thành của triều đại Silla từ năm 57 trước Công nguyên đến năm 935 sau Công nguyên. Bởi vậy thành phố Gyeongju không chỉ lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia của Hàn Quốc mà còn có rất nhiều di tích văn hóa, lịch sử đa dạng. Dựa theo tính chất các di sản, khu di tích lịch sử thành phố Gyeongju được chia làm năm khu vực.

Khu di tích đầu tiên nằm ở khu vực núi Namsan, là bảo tàng mỹ thuật Phật giáo của triều đại Silla.
Núi Namsan nằm ở phía Nam thành phố Gyeongju, tuy chỉ là ngọn núi có độ cao khoảng 494m so với mực nước biển, nhưng do có thung lũng sâu và các vách núi biến hóa diệu kỳ nên trước thời điểm Phật giáo du nhập, người dân Silla đã tin rằng có vị thần thiêng ngự trên núi Namsan để bảo vệ bách tính.
Sau khi Phật giáo được chính thức công nhận là quốc giáo trong triều đại Silla, xung quanh núi Namsan mọc lên rất nhiều ngôi chùa, trên đỉnh núi có tháp đá và nhiều vách đá được đẽo gọt, điêu khắc hình tượng Phật. Cho đến nay, tại khu vực núi Namsan đã phát hiện được vết tích của 150 ngôi chùa, 100 tháp đá và hơn 100 tượng Phật. Đây là một bảo tàng nghệ thuật lưu lại những di tích Phật giáo vô giá.

Khu di tích thứ hai của Gyeongju là Wolseong (Nguyệt Thành), là nơi lưu giữ vết tích đền đài, cung điện của triều đại Silla ngàn năm.
“Năm thứ 22 đời vua Pasa (Bà Sa), nhà vua thứ năm của vương triều Silla. Mùa xuân (tháng 2 âm lịch) bắt đầu cho xây thành và đặt tên là Nguyệt Thành. Đến mùa thu (tháng 7 âm lịch) thì nhà vua chuyển vào ở trong Nguyệt Thành.”
Theo Samguksagi (Tam quốc sử ký), sử liệu ghi chép về ba quốc gia Silla, Goguryeo và Baekje của học giả Kim Bu-sik, thì Wolseong (Nguyệt Thành) đã được xây vào năm 101, đóng vai trò là cung điện chính cho tới tận khi nhà nước Silla bị diệt vong vào năm 935.
Tại Wolseong, trung tâm chính trị của vương quốc Silla, có rừng Gyerim (Kê Lâm), nơi hạ sinh vua Kim Al-ji, ông tổ họ Kim gốc Gyeongju, một trong ba họ tộc hoàng gia của triều đại Silla; có dấu tích nền móng của cung điện biệt lập Imhae (Lâm Hải); có đài Cheomseong (Chiêm Tinh), điểm quan sát thiên văn đầu tiên tại châu Á.

Khu di tích thứ ba trong thành phố Gyeongju là Daereungwon (Đại Lăng Uyển) là khu vực lăng mộ của vua, hoàng hậu và các quý tộc triều đại Silla.
Tên Daereungwon (Đại Lăng Uyển) xuất phát từ sử ký ghi chép rằng “Đã cử hành tang lễ vua Michu (Vị Trâu), vua thứ 13 của Silla, tại Daereung (Đại Lăng).” Trong khuôn viên của Đại Lăng Uyển có tới 23 lăng mộ lớn nhỏ khác nhau, trong đó có những lăng lớn nổi bật như Lăng mộ của vua Michu - Michuwangneung; Lăng mộ lớn Hwangnam (Hoàng Nam) - Hwangnamdaechong; và Cheonmachong (Thiên mã trủng) - ngôi mộ có bức vẽ thiên mã.
Các hiện vật được khai quật bên trong lăng mộ như vương miện bằng vàng, Thiên mã đồ (bức tranh vẽ thiên mã), chén thủy tinh, là những tư liệu vô cùng quý giá, phản ánh phong tục tập quán cũng như giai đoạn phát triển cực thịnh của vương quốc Silla trong thế kỷ V và VI.

Khu di tích lịch sử thứ tư của Gyeongju là chùa Hwangnyong (Hoàng Long), địa điểm khởi nguồn của Phật giáo triều đại Silla.
"Những bậc thang nối vòng quanh như rồng thăng thiện
Phóng tầm mắt nhìn xuống vạn con sông và nghìn dãy núi
Dưới kia là những mái nhà san sát
Như những tổ ong, nằm yên bình trong thành phố Gyeongju."


Đây là bài thơ được chấp bút bởi văn sĩ Kim Geuk-ki của triều đại Goryeo vào thế kỷ thứ XI, trong một lần viếng thăm chín tầng tháp gỗ ngự trên chùa Hwangnyong (Hoàng Long). Chùa Hwangnyong được xây dựng từ năm 553 và hoàn thành vào năm 645 với vai trò là ngôi chùa bảo hộ cho nhà nước Silla. Tuy chùa đã bị quân xâm lược Mông Cổ đốt cháy năm 1238, nhưng nền móng, vết tích của ngôi chùa vẫn được lưu giữ trên diện tích hơn 66.000m2, với tháp gỗ chín tầng cao 82m, chuông lớn nặng 108 tấn, đủ khiến hậu thế hình dung ra quy mô hoành tráng của ngôi chùa và thế lực oai hùng một thời của vương quốc Silla.


Khu di tích thứ năm, cũng là khu di tích cuối cùng của thành phố Gyeongju, chính là khu Sanseong (Sơn thành), công trình quân sự phòng vệ chính của cả thành phố cổ Gyeongju trong quá khứ.

- Này tướng quân, biên giới của chúng ta giáp với Goguryeo, Baekje; ngoài biển thì giặc Nhật lúc nào cũng ngấp nghé xâm lăng. Chẳng phải chúng ta nên xây thành chống giặc sao?
- Tướng quân nói chí phải! Đất nước Silla của ta tứ phía đều có núi bao quanh. Hay là ta xây thành trên núi? Nếu ta xây thành bên ngoài khu thủ đô Seorabeol (Gyeongju) thì chắc chắn sẽ bảo vệ được hoàng cung.

Trong thời đại giao tranh quyền lực giữa ba nước Silla, Goguryeo, Baekje trên bán đảo Hàn Quốc, Silla đã xây các đoạn tường thành Myeonghwal (Minh Hoạt), tường thành Seohyeong (Tây Huynh), tường thành núi Namsan và tường thành Bukhyeong (Bắc Huynh). Trong đó, tường thành Myeonghwal (Minh Hoạt) được cho là đã xây vào năm thứ 400 sau Công Nguyên, có chu vi 6 km, vẫn lưu giữ được kiến trúc hai lớp chắn vô cùng kiên cố. Những dãy tường thành này đã đóng vai trò là tấm bình phong vững chãi, giúp bảo vệ kinh thành Gyeongju của nhà nước Silla.

Quả không sai khi ví cả thành phố Gyeongju như một bảo tàng ngoài trời khổng lồ. Những công trình, di tích đa dạng, phong phú tại đây như đưa ta trở về với quá khứ, giúp ta cảm nhận hơi thở thiêng liêng, hào hùng của vương triều Silla thống nhất.

Close