Di tích mộ đá ở huyện Gochang,
Hwasun và Ganghwa

Đặc trưng

Mộ đá của người tiền sử trên bán đảo Hàn Quốc

Mộ đá ở huyện Gochang, Hwasun và Ganghwa là di tích phản ánh tập tục, tín ngưỡng ma chay của người tiền sử trong thời đại đồ đồng sớm năm 1.000 trước Công Nguyên; đồng thời thể hiện sự phát triển của kỹ thuật và xã hội thời kỳ tiền sử. Đông Bắc Á vốn là một trong những khu vực tập trung nhiều mộ cổ nhất trên thế giới và Hàn Quốc chính là trung tâm của nền văn hóa “cự thạch” với hơn 30.000 ngôi mộ cổ, nằm rải rác trên toàn quốc.

Các loại mộ đá

Mộ đá có nhiều loại hình dạng như mộ hình bàn có tảng đá to đặt trên các trụ đá; mộ hình bàn cờ vây, phía dưới là hầm mộ, bên trên phủ nền đá và trên cùng là phiến đá phẳng; mộ hình phản có tảng đá lớn phủ lên hầm mộ dưới lòng đất. Hàn Quốc có cả ba loại mộ đá trên với nhiều kích thước đa dạng được xây dựng từ xa xưa và phân bổ trên nhiều khu vực khác nhau.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

  • Mộ đá hình bàn

  • Mộ đá hình bàn cờ vây

  • Mộ đá hình phản

Phương pháp dựng mộ đá

Bước đầu tiên là bước chọn các phiến đá phù hợp hoặc tách đá từ các vách đá lớn. Nếu lấy đá từ vách đá thì phải đào những rãnh sâu lựa theo khe hở trên vách đá, sau đó luồn cọc gỗ và ngâm đá trong nước. Đá sau khi tách sẽ được di chuyển bằng những thân gỗ lớn lót phía dưới, được dựng theo thứ tự là cắm trụ đá sâu trong lòng đất rồi đặt tảng đá như mái vòm lên trên các trụ. Khoảng đất trống ở giữa đá trụ và đá che được đào sâu làm không gian bảo quản thi hài và các vật dụng cá nhân của người đã khuất và sau đó sẽ được che lấp bởi các phản đá bằng phẳng.

Di tích mộ đá Gochang

Đây là khu di tích mộ đá lớn nhất ở Hàn Quốc với 447 mộ đá, phân bố trên phạm vi 1.764m theo chiều ngang thuộc khu vực làng Mesan, thôn Dosan và thôn Juknim thuộc huyện Gochang, tỉnh Bắc Jeolla.
Mộ đá ở Gochang có thể nặng từ 10 tấn cho tới 300 tấn và có đủ loại hình dạng như dạng bàn, dạng bàn cờ vây, dạng mộ đá lộ thiên… được phân bố đồng đều và sống động như một bảo tàng ngoài trời, phản ánh quá trình phát triển của mộ đá thời tiền sử khu vực Đông Bắc Á.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Di tích mộ đá Hwasun

Cụm di tích gồm 596 mộ (287 mộ đã xác định và 309 mộ giả định) được phân bổ trên nhiều địa hình, dọc theo 10 km thung lũng thuộc khu vực thôn Daesin, xã Chunyang và thôn Hyosan, xã Dogok, huyện Hwasun, tỉnh Nam Jeolla. Tại khu vực này, gần đây còn phát hiện được di tích bãi khai thác đá gần như nguyên vẹn, có nhiều vết tích về quá trình xây dựng mộ đá cổ. Đây cũng sẽ là những căn cứ quan trọng giúp các nhà khoa học tìm hiểu về kỹ thuật khai thác, vận chuyển và xếp đá từ thời cổ đại.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Khu khai thác đá Hwasun

Di tích mộ đá Ganghwa

Cụm di tích gồm 130 mộ nằm men theo chân núi Goryeo thuộc khu vực các thôn Bugeun, thôn Samgeo, thôn Osang, huyện Ganghwa, thành phố Incheon. Tại đây có mộ đá dạng bàn lớn nhất Hàn Quốc, dài 3,35m, rộng 2,47m và dày 0,65m. Phần lớn các mộ đá ở Ganghwa đều cao hơn mộ đá các khu vực khác do được phân bố trên địa hình có độ cao từ 250 - 350m so với mực nước biển.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Close