Janggyeong Panjeon (Điện Tàng kinh bản), chùa Haein (Hải Ấn)

Đặc trưng

Palmandaejanggyeong (Bát vạn đại trường kinh),
bộ kinh khắc gỗ lâu đời nhất trên thế giới

Palmandaejanggyeong (Bát vạn đại trường kinh) vốn có tên là “Goryeodaejanggyeong” (Goryeo đại trường kinh) do được thực hiện dưới thời Goryeo vào thế kỷ XIII. Về sau, số bản khắc gỗ lên tới 81.340 bản, ghi chép 84.000 bộ kinh Phật nên tuyển tập này được gọi là Palmandaejanggyeong (Bát vạn đại trường kinh).
Nếu xếp liền tất cả các bản khắc gỗ này thì tổng chiều dài cả bộ kinh lên tới 37,5 km, nặng 280 tấn, với nét chữ nhìn thống nhất như từ một người viết.
Nội dung của hơn 1.500 bản kinh Phật cũng vô cùng chính xác nên Palmandaejanggyeong đã được công nhận là di sản Ký ức thế giới.
Gỗ dùng làm kinh là gỗ được xẻ và lựa chọn kỹ lưỡng từ gỗ anh đào núi và gỗ cây lê. Các nghệ nhân phải đốn cây trong mùa đông rồi ngâm gỗ trong nước biển liên tục trong vòng hai, ba năm, đun gỗ trong nước muối rồi lại phơi khô trong suốt một năm trước khi tiến hành khắc chữ.
Sau khi khắc chữ, các bản kinh gỗ sẽ được phủ sơn lên bề mặt ba lần, được gắn với hai thanh gỗ dày ở hai đầu để làm tay cầm, cuối cùng là được bọc đồng ở bốn góc để chống mục, mối mọt, và cong vênh.

Janggyeong Panjeon (Điện Tàng kinh bản),
kho tàng tư liệu khắc gỗ duy nhất trên thế giới

Để đón nhận trọng trách thiêng liêng là lưu giữ bộ kinh Phật quý giá, Janggyeong Panjeon (Điện Tàng kinh bản) đã được khánh thành vào năm 1488. Đây là một công trình kiến trúc gỗ có chiều dài 60,44m, chiều rộng 8,73m và được chia thành hai khu chứa lớn.
Janggyeong Panjeon có hệ thống thông gió, điều chỉnh độ ẩm, duy trì nhiệt độ thích hợp trong phòng và phương pháp bố trí vô cùng hợp lý, khoa học. Cũng chính nhờ thiết kế chính xác, thông minh này mà những bản kinh gỗ được bảo tồn trong điều kiện tốt nhất trong hơn 600 năm qua.

Địa thế của Janggyeong Panjeon

Janggyeong Panjeon của chùa Haein (Hải Ấn), nằm ở lưng chừng núi Gaya có độ cao 655m, hướng Tây Nam. Với địa hình cao và bị che khuất ở phía Bắc, thoải và mở ở phía Nam, gió từ hướng Nam lên hướng Bắc chỉ thổi nghiêng qua và ánh nắng mặt trời cũng không chiếu trực tiếp xuống tòa nhà. Đây là vị trí đắc địa để điều hòa thông gió, duy trì nhiệt độ và độ ẩm lý tương trong điện.

Nguồn: Cục Di sản văn hóa quốc gia Hàn Quốc

Nguyên lý điều chỉnh nhiệt độ tự nhiên

Mặt trước Janggyeong Panjeon có cửa sổ dưới lớn hơn cửa sổ trên, mặt sau có cửa sổ trên lớn hơn cửa sổ dưới.
Gió thổi vào mặt trước qua cửa sổ lớn phía dưới sẽ lướt một vòng bên trong gian nhà rồi dần dần thoát ra ngoài qua cửa sổ lớn ở phía trên của mặt sau. Những ô cửa sổ có thiết kế độc đáo này giúp luồng gió tự nhiên được lưu thông một cách tối đa.
Sàn nhà được nện từ hỗn hợp muối, cát, than hoa, đất hoàng thổ, sẽ hút nước khi thời tiết ẩm và phả hơi nước khi không khí khô, giúp điều chỉnh độ ẩm và nhiệt độ vô cùng hiệu quả. Các kệ sách cũng được đặc biệt thiết kế để mở cả bốn phía, và mỗi một bản kinh gỗ lại được gắn thêm lớp gáy dày 2,8 cm, tạo ra khoảng trống tự nhiên để thông gió và giúp khắc phục được vấn đề độ ẩm, vốn là nguy cơ lớn nhất đối với các bản gỗ.

① Muối ② Than hoa ③ Cát + Bột trắng + Đất sét

Close