Phần 12: Quần thể di tích lịch sử vương triều Baekje

Vào năm 2015, Quần thể di tích lịch sử vương triều Baekje đã trở thành di sản thứ 12 của Hàn Quốc được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Baekje là nhà nước cổ đại, tồn tại từ năm 18 trước Công Nguyên đến năm 660 sau Công Nguyên. Cùng đua tranh với Goguryeo ở phía Bắc bán đảo Hàn Quốc và Silla ở phía Đông Nam bán đảo để phân chia quyền lực trên bán đảo Hàn Quốc, Baekje ở phía Tây Nam bán đảo tuy ít được biết đến, nhưng lại là quốc gia có nền văn hóa phát triển rực rỡ, thịnh vượng. Vương triều Baekje vừa tiếp nhận nền văn hóa tân tiến, vừa bảo tồn, phát triển một cách sáng tạo đặc trưng văn hóa bản địa, đồng thời truyền bá văn hóa sang các nước láng giềng xung quanh. Có thể khẳng định vương triều Baekje đóng vai trò trung tâm trong quá trình phát triển văn hóa cổ đại trên bán đảo Hàn Quốc. Đây là những yếu tố được UNESCO đánh giá rất cao và giúp Quần thể di tích vương triều Baekje, bao gồm vùng Gongju, Buyeo (tỉnh Nam Chungcheong) và Iksan (tỉnh Bắc Jeolla), được công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Khu di tích đầu tiên trong Quần thể di tích vương triều Baekje là Ungjin, thủ đô cũ của Baekje, nay là Gongju thuộc tỉnh Nam Chungcheong. Vào năm 475, sau khi bị Goguryeo chiếm đoạt lãnh thổ lưu vực sông Hàn vốn là địa bàn cư trú chính, quốc gia Baekje đã phải dời đô về Ungjin để lánh nạn.
Ungjin sau đó trở thành thủ đô của Baekje trong suốt 63 năm, cho đến khi Sabi được chọn làm kinh đô mới vào năm 538. Ungjin được bao bọc bởi thành núi Gongsan (Công Sơn) có diện tích tới 370.000 m2, nằm dọc theo sông Geum, dựa theo địa thế của thung lũng và mạch núi hiểm trở nên rất lý tưởng cho việc phòng thủ.
Tại thôn Songsan thuộc thành phố Gongju đã phát hiện nhiều di tích lăng tẩm và di vật, phản ánh sự giao lưu văn hóa giữa triều đại Baekje với các quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Ấn Độ. Khu lăng mộ thôn Songsan có bảy ngôi mộ vương triều Baekje thời đại Ungjin, bao gồm cả lăng mộ vua Muryeong (Vũ Ninh), lăng duy nhất xác định được chủ nhân trong số các lăng tẩm triều đại Baekje, được phát hiện vào năm 1971.

- Các bạn ạ, trong quá trình dựng đường ống thoát nước chống ngập cho ngôi mộ thứ 6 thuộc thôn Songsan, có thể nói việc chúng ta phát hiện ra những phiến gạch được nung từ đất không hề là ngẫu nhiên. Chắc chắn bên dưới khu vực này sẽ có lăng mộ đang chờ chúng ta đánh thức sau giấc ngủ ngàn năm.
- Thưa trưởng đoàn, chúng ta sẽ tiếp tục đi vào bên trong hang có hình vòm mới phát hiện sáng nay đúng không ạ?
- Đúng vậy, tôi sẽ dỡ hai phiến gạch trên cùng, còn các bạn hãy dần dần di dời gạch ở bên dưới.
- Trưởng đoàn ơi! Đã phát hiện thấy có đá hay dùng để xây lăng mộ ở bên trong cửa vào. Ở phía bên kia còn có cả tấm bia nữa!

Muryeong (Vũ Ninh) là vị vua thứ 25, trị vì triều đại Baekje trong 22 năm, bắt đầu từ năm 501. Trên lăng mộ vua Muryeong có khắc rõ tên tuổi, năm băng hà của vua. Đây là lăng mộ duy nhất trong số những lăng mộ thuộc thời đại tam quốc biết rõ danh tính của chủ nhân.
Bên cạnh đó, kiểu xây mộ bằng tường đá chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc hay quan tài làm từ gỗ thông dù Nhật Bản cũng thể hiện rõ quá trình giao lưu văn hóa đa dạng, phong phú của triều đại Baekje.

Di tích thứ hai thuộc Quần thể di tích vương triều Baekje là Buyeo, tỉnh Nam Chungcheong, trước đó được gọi là Sabi, thủ phủ cuối cùng của vương triều Baekje. Năm 538, vị vua thứ 26 của Baekje là Seongwang (Thánh Vương) đã quyết định dời đô về Sabi. Ông cho xây dựng thành kiên cố xung quanh vùng đồng bằng hoang vu ở Sabi với mong muốn tăng cường sức mạnh quốc gia. Khu di tích thôn Gwanbuk được xác định là hoàng thành của triều đại Baekje, bao gồm không gian sinh hoạt của hoàng đế, hệ thống dẫn nước, dự trữ nước, hồ, đường bộ, hệ thống tưới tiêu và tường đá…có diện tích lên tới 630 m2. Tường thành được xây trên núi Buso là Buso Sanseong (Phù Tô Sơn Thành) vừa đóng vai trò là khu vườn Huwon (Hậu Uyển) trong hoàng cung Baekje, vừa là lớp phòng thủ kiên cố cho hoàng cung trong trường hợp có nguy biến.

"Văn hóa Baekje giản dị nhưng không tuyềnh toàng, rực rỡ nhưng không xa xỉ."
Samgukyusa (Tam quốc di sự) có đoạn miêu tả rõ vẻ đẹp của vết tích nền móng chùa Jeongnim (Định Lâm), ngôi chùa có vị trí trung tâm nhất ở thủ đô triều đại Baekje. Kiến trúc của chùa được sắp xếp theo đường thẳng, với cửa vào Jungmun (Trung môn), tòa tháp, và Geumdang (Kim đường). Đặc biệt là tòa tháp năm tầng, cao 8,3m với kiến trúc cân xứng, tinh xảo, được cho là nơi ghi dấu mọi biến cố thăng trầm cách đây 1.400 năm của vương triều Baekje.
Ngoài ra, có thể kể đến một số thành tựu văn hóa, kiến trúc tiêu biểu khác của Baekje như Naseong (La Thành), tường thành ngoài bảo vệ thủ đô Sabi, là dải thành phụ phân biệt nội thành và ngoại thành đầu tiên trên bán đảo Hàn Quốc; chiếc lư hương bằng đồng mạ vàng khổng lồ là báu vật của hoàng thất Baekje; khu lăng mộ thôn Neungsan là nơi bảo tồn bảy lăng tẩm và hội tụ cả ba kiểu kiến trúc lăng mộ mái vòm điển hình của triều đại Baekje.

Khu di tích lịch sử Iksan, thuộc tỉnh Bắc Jeolla, là di tích cuối cùng thuộc Quần thể di tích vương triều Baekje. Đây là nơi có di tích cung điện phụ trên diện tích 210.000 m2, được xây dựng để khắc phục những nhược điểm trong phòng vệ của cung điện chính triều đại Baekje, thời đại Sabi. Ngày nay, có thể thấy được vết tích của cung điện phụ này tại khu di tích thôn Wanggung.
"Theo “Tam quốc di sự”, Muwang (Vũ Vương) và hoàng hậu đang đi dạo bên hồ dưới chân núi Yonghwa thì gặp Di Lặc Tam Tôn hiển linh ngay giữa hồ. Họ quỳ lạy kính cẩn. Hoàng hậu bèn xin vua hãy dựng một ngôi chùa lớn tại nơi này. Nhà vua nghe theo và cho dựng chùa Mireuk (Di Lặc). "

Truyền thuyết xây dựng chùa Mireuk (Di Lặc) có sự xuất hiện của Mireuk, vị Đức Phật của tương lai, phản ánh nguyện vọng củng cố sức mạnh quốc gia của Muwang (Vũ Vương), vị vua thứ 30 của Baekje. Chùa Mireuk cũng là một trong những ngôi chùa lớn nhất Đông Á trong thế kỉ XVII. Tại vết tích nền móng chùa vẫn còn tháp Mireuk (Di Lặc) là tháp cổ và cao nhất Hàn Quốc với chiều cao 14m, là biểu tượng cho nền văn hóa Phật giáo của vương triều Baekje.
Vương triều Baekje đã kết thúc vận mệnh vào năm thứ 660 khi bị thất thủ trước sự tấn công của liên quân Silla và nhà Đường (Trung Quốc). Tuy nhiên, Quần thể di tích vương triều Baekje với những giá vị văn hóa, lịch sử trường tồn cùng thời gian, vẫn đang tiếp tục ngợi ca và kiêu hãnh khẳng định sự tồn tại của một vương triều đầy bất khuất trong lịch sử dựng xây bán đảo Hàn Quốc.

Close